Femmes et guerres

Nữ anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân. Ngày chị tôi yêu !

Nữ anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân

QĐND - Thứ Ba, 15/03/2011

Mối tình giữa nữ anh hùng Hoàng Ngân với đồng chí Hoàng Văn Thụ được coi là một trong những thiên tình sử cảm động của tuổi trẻ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Tinh thần cách mạng cao cả, tình đồng chí đồng đội... đã gắn kết hai con tim đến với nhau. Trong bài này, chúng tôi mang đến cho bạn đọc những góc nhìn đời thường dung dị và cảm động về mối tình ấy qua ký ức của bà Phạm Thị Minh Hiền (em ruột Hoàng Ngân).

LỄ ĐÍNH HÔN TRÊN ĐẤT CẢNG

Ngày anh Thụ và chị tôi yêu nhau, tôi mới chỉ là cô bé bảy, tám tuổi, suốt ngày quấn quýt bên bố mẹ. Tôi không biết anh Thụ và chị tôi đến với nhau như thế nào, chỉ nghe bố mẹ tôi nói với nhau rằng, anh chị yêu nhau trong quá trình cả hai cùng tham gia hoạt động cách mạng. Anh Thụ là cấp trên của chị Ngân. Chị tôi tên thật là Phạm Thị Vân. Từ ngày quen và yêu anh Thụ, chị lấy họ của anh ghép với tên Ngân để làm bí danh hoạt động cách mạng. Còn anh Thụ cũng lấy tên của chị làm bí danh cho mình là Hồng Vân. Sau này lớn lên, hiểu biết về cách mạng và tình yêu, tôi mới cảm nhận hết được sự thủy chung, son sắt và lý tưởng cao đẹp trong mối tình của hai anh chị.

Ngày ấy, vào những năm cuối của thập niên ba mươi, chị tôi là một thiếu nữ đất cảng Hải Phòng xinh đẹp có tiếng trong vùng. Gia đình tôi thuộc hạng thương gia, mở cửa hàng buôn bán lương thực nên đời sống tương đối khá giả. Lẽ thường, con nhà giàu thì thường sống theo phong cách tiểu thư, ăn chơi, đua đòi, nhưng chị tôi thì ngược lại. Chị được giác ngộ và đi theo cách mạng từ khi mới lớn. Lấy lý do phụ việc bố mẹ đi buôn bán, giao dịch, chị đã bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Chị đi công tác biền biệt. Mỗi khi về nhà tôi lại “bắt đền” chị, vòi chị đủ thứ chuyện. Chị Ngân rất cưng tôi, căn dặn tôi đủ thứ chuyện, nhất là về niềm tin, lẽ sống. Sau này tôi mới biết, tôi được chị dìu dắt đi theo cách mạng ngay từ khi còn nhỏ.

Tôi đã nhiều lần gặp anh Hoàng Văn Thụ đến nhà mình và bàn bạc công việc gì đó với chị Hoàng Ngân. Anh ấy là người chính trực, nghiêm khắc nhưng sống tình cảm và trách nhiệm. Mỗi lần đến nhà tôi, anh đều quan tâm đến mọi người trong gia đình và luôn dành cho tôi tình cảm yêu quý như đối với một đứa em gái. Tôi cũng quý trọng anh như là anh trai của mình vậy.

Vào một buổi sáng trời lạnh, tôi đang nằm trong chăn thì nghe bố mẹ nói với nhau, ngày mai sẽ có bố của anh Thụ đến nhà làm lễ dạm ngõ để xin cưới chị Ngân cho anh Thụ. Bố mẹ nói rằng anh chị đã báo cáo chuyện tình cảm của mình với tổ chức và được đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng chấp thuận. Hai anh chị được tổ chức sắp xếp cho về với gia đình để lo chuyện trăm năm.

Sáng hôm sau, tôi theo mẹ dậy sớm, giúp mẹ nhặt rau, vo gạo, nhóm bếp để chuẩn bị mâm cơm đón ông thông gia. Mọi thứ đã chuẩn bị tươm tất thì đến tận trưa, thân phụ của anh Thụ mới tới nhà. Qua giới thiệu, tôi biết ông tên là Hoàng Khải Lan, gương mặt khá giống anh Thụ. Ông Lan đã bí mật đi từ Lạng Sơn xuống Hải Phòng. Cùng lúc anh Thụ và chị Vân cũng về nhà. Ông Lan trò chuyện thân mật với bố mẹ tôi, ông nói do điều kiện xa xôi, hai con lại đang làm công tác của Đảng nên hôm nay ông xin phép bố mẹ tôi cho gia đình ông được nhận chị Ngân làm con dâu và bố mẹ tôi chấp thuận cho anh Thụ được làm con rể. Chừng nào có điều kiện thuận lợi sẽ tổ chức tiệc cưới mời hai bên họ hàng. Sau khi thay quần áo, hai anh chị được bố mẹ tôi và ông Lan hướng dẫn làm lễ gia tiên. Anh Thụ mặc bộ đồ Tây, màu trắng, trông chả khác gì một thương gia. Chị tôi thì đẹp tuyệt trần trong bộ áo dài. Hai anh chị khép nép, lặng lẽ đứng bên nhau dâng hương khấn vái gia tiên. Sau khi làm lễ xong, hai anh chị ngồi thưa chuyện với bố mẹ tôi và bố anh Thụ được một lúc thì xin phép đi ngay. Thấy vậy tôi tỏ ra phụng phịu với chị. Chị Ngân âu yếm bảo tôi : “Chị đang bận lắm, phải đi ngay. Em ở nhà thay chị giúp đỡ bố mẹ nhé. Con gái lớn rồi, đừng phụng phịu như vậy, xấu lắm !”. Tôi hiểu anh chị phải đi gấp, về và đi trong bí mật để tránh tai mắt của bọn mật thám. Ăn cơm xong, đến đầu giờ chiều thì ông Hoàng Khải Lan cũng vội vã chào bố mẹ tôi để trở về Lạng Sơn. Lễ dạm ngõ diễn ra trong bí mật, chóng vánh nhưng tôi cảm nhận được sự ấm cúng, hạnh phúc vô bờ bến của anh chị. Kể từ hôm ấy, tôi cứ đếm ngày chờ đợi hai anh chị tổ chức đám cưới. Tôi sẽ mặc thật đẹp trong ngày cưới của chị tôi.

MÃI MÃI MỘT TÌNH YÊU

Nhưng rồi mãi mãi, tôi chẳng bao giờ được dự đám cưới của chị tôi nữa. Năm 1941 bị mật thám chỉ điểm, chị tôi bị địch bắt trong khi tham dự cuộc họp của Xứ ủy Bắc Kỳ. Chị bị biệt giam vào Hỏa Lò. Một thời gian sau anh Thụ cũng bị bắt và biệt giam ở đây. Hai anh chị đều bị địch xếp vào loại Cộng sản cực kỳ nguy hiểm nên bị chúng tra tấn đủ loại cực hình. Anh Thụ bị tra tấn đến tràn dịch màng phổi, bị viêm phổi nặng. Chị Hoàng Ngân cũng bao lần thập tử nhất sinh. Trong nhà, tôi là người duy nhất có thể gần gũi chị trong mỗi lần đến thăm nuôi, vì tôi còn nhỏ, bọn cai ngục ít nghi ngờ. Trong một lần vào thăm nuôi, chị Ngân dặn tôi về nhà mua thuốc chữa bệnh, thức ăn, sữa, áo len... gửi vào cho chị. Chị đã cảm hóa được một viên cai ngục, nhờ anh này bí mật chuyển đồ tiếp tế cho anh Thụ. Chiếc áo len được chị tháo ra đan lại thành chiếc áo kín cổ gửi sang cho anh Thụ, giúp anh chống chọi với bệnh viêm phổi trong giá lạnh mùa đông. Ngày anh Thụ bị xử án tử hình, chị Ngân khóc ngất, chết đi sống lại. Về sau, chị được tổ chức bố trí cho vượt ngục rồi chuyển lên hoạt động ở Định Hóa.

© Minh Hiền

Bà Phạm Thị Minh Hiền (giữa) tại Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Hoàng Ngân.

© Minh Hiền

Bà Phạm Thị Minh Hiền (giữa) tại Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Hoàng Ngân.

Mùa thu năm 1948, tức là hơn 4 năm sau ngày anh Thụ hy sinh, tôi được tổ chức phân công lên Định Hóa gặp chị Ngân để nhận chỉ thị, kế hoạch hoạt động cho phong trào phụ nữ ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Chuyến đi của tôi còn thực hiện một “sứ mệnh” quan trọng khác của gia đình, đó là chuyển lời của bố mẹ thúc giục chị Hoàng Ngân về chuyện lập gia đình. Anh Thụ đã hy sinh lâu rồi, chị cũng đã có tuổi, bố mẹ tôi thì cũng đã già. Ai cũng mong muốn chị hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng và không quên thiên chức của người phụ nữ.

Tôi lên Việt Bắc vào một ngày cuối thu, trời đã se se lạnh. Nơi chị Ngân công tác ở trên một ngọn đồi trong rừng. Chị em gặp lại nhau, mừng vui và xúc động lắm. Chị dẫn tôi xuống triền đồi ngồi tâm sự. Chị căn dặn tôi về cách ứng xử trong cuộc sống, tập đương đầu với khó khăn, thử thách để khi gặp phải thì không chùn bước, run sợ. Ngập ngừng mãi, tôi mới hỏi chị :

- Chị... đã yêu ai chưa ? Bố mẹ rất mong chị lập gia đình. Anh Thụ đã hy sinh lâu rồi mà !

Chị Ngân ngồi trầm tư không trả lời câu hỏi của tôi. Một lúc sau, chị ôm lấy bờ vai tôi rồi nói :

- Em đã là một thiếu nữ rồi. Chị sẽ tâm sự chuyện tình cảm riêng tư của mình với em như một người bạn.

Chị đã kể cho tôi nghe những kỷ niệm giữa chị với anh Thụ trước ngày anh bị xử tử hình. Anh Thụ đã bí mật chuyển đến cho chị một bức thư. Anh dặn chị giữ gìn sức khỏe, động viên chị phải luôn giữ vững chí khí cách mạng. Nếu có chuyện gì xảy ra với anh thì chị vẫn phải tiếp tục sự nghiệp cách mạng mà hai người đã được giác ngộ, theo đuổi, không vì hy sinh, mất mát mà đau buồn, nản chí. Anh dặn chị sau này có điều kiện thì về thăm gia đình anh. Cuối bức thư là một bài thơ tứ tuyệt : “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành…”. Đọc thư anh, chị biết, anh đã biết trước thể nào rồi kẻ thù cũng sẽ xử bắn anh. Trong sự hy sinh lớn lao cho Tổ quốc, anh vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với chị. Tình yêu anh dành cho chị lớn lao vô cùng. Kể xong, chị nói với tôi :

- Anh chị đã thuộc về nhau mãi mãi rồi em ạ. Chị không thể yêu ai khác ngoài anh Thụ được. Chị đã lấy chồng và chỉ lấy duy nhất một lần thôi. Em về lựa lời nói với bố mẹ, động viên bố mẹ giữ gìn sức khỏe, đừng lo cho chị. Em cố gắng thay chị chăm sóc bố mẹ !

Tôi đã gục đầu vào vai chị mà khóc. Tôi khóc vì thương chị và cảm phục chị. Trong tôi, tình yêu của chị thật vĩ đại. Tôi hứa với chị sẽ noi gương chị đi theo con đường mà chị đã chọn và dìu dắt tôi.

Tôi tạm biệt chị trở về xuôi. Hai chị em hẹn nhau năm sau sẽ gặp lại. Mùa thu năm sau, tôi chuẩn bị ngược Định Hóa lần thứ hai thì bất ngờ nhận được tin đau xé lòng : Chị tôi đã hy sinh. Chị trút hơi thở cuối cùng tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 17-7-1949 sau một thời gian lâm bệnh nặng. Những lời anh Thụ dặn chị trong bức thư cuối cùng ấy đã được chị thực hiện trọn vẹn, dù chị không thể thay anh đi đến ngày kháng chiến thành công...

Lữ Ngàn

Nguồn : http://www.qdnd.vn/qdnd­site/vi-vn/8...

Nữ Anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân : Sống không lâu nhưng vĩnh viễn

HLHPN - 13/10/2009

Chị Phạm Thị Vân, bí danh Hoàng Ngân đã hy sinh vào một ngày đầu Thu năm 1949 tại căn cứ địa Thái Nguyên. Năm 1956 mộ Hoàng Ngân đã được Bác Hồ giao cho Hội LHPN VN, Văn phòng Quốc hội cùng gia đình và địa phương làm lễ đưa hài cốt người nữ anh hùng về nằm cạnh mộ anh Hoàng Văn Thụ ở nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Nữ nhi không thường tình

Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân sinh năm 1921 tại Hải Phòng, là con gái nhà tư sản dân tộc Phạm Trung Long. Ông Phạm Trung Long quê gốc Nam Định từng ra vùng mỏ Quảng Ninh làm phu, sau nhờ tháo vát làm ăn biết tổ chức đóng tàu, đánh bắt hải sản, kinh doanh lương thực hải sản mà giàu lên.

Về lập nghiệp Hải Phòng, ông đã lấy cô thôn nữ làng Cấm (nay là phường Lê Lợi) làm vợ. Sẵn có lòng yêu nước và cảm tình với những nhà cách mạng Việt Nam, gia đình ông Long đã trở thành cơ sở bí mật của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hải Phòng từ năm 1935. Phạm Thị Vân đến với cách mạng qua thời gian được tiếp xúc với những nhà cách mạng bí mật ra vào gia đình. Những buổi đi học về, cô nữ sinh lấy lạ khi bố mẹ đón tiếp những vị khách « đặc biệt » hơn bình thường. Nhìn thái độ quý trọng ân cần của thầy me, Vân bỗng thấy có cảm tình với họ.

Sau này Phạm Thị Vân mới biết đó là các đồng chí Tô Hiệu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng các nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ… Cô nữ sinh Trường Thành Chung xinh tươi lúc này mới 14 tuổi đã tham gia vừa đi học vừa làm liên lạc cho đoàn thể bằng những chuyến đưa thư từ giấy tờ đến các cơ sở bí mật trong thành và ngoại thành. Làm sao có thể nghi ngờ cô bé trắng trẻo hồn nhiên nhảy chân sáo và hát líu lo kia lại là cơ sở giao liên của cách mạng !

Lúc cô đến Máy Tơ, khi thì Bến Bính rồi sang cả Thuỷ Nguyên. Hành trình của cô nữ sinh xinh xắn vì thế qua mắt mật thám Pháp một cách dễ dàng. Thương những người hoạt động bí mật đi về giữa mưa gió, Vân bàn với bố mẹ nhường cửa hiệu bán hải sản gần chợ Sắt cho anh chị em để che mắt địch, là đầu mối hoạt động nội thành. Gia đình Vân còn chuẩn bị quần áo, phương tiện hoạt động như xe đạp, máy chữ… cho cơ sở có để làm việc. Cả cửa hiệu buôn gạo đường Lý Thường Kiệt cũng được để cho tổ chức đoàn thể buôn bán gây quỹ hoạt động, lại dễ bề đi lại…

17 tuổi, cô thiếu nữ Phạm Thị Vân hăng say hoạt động, chị từng tham gia vận động các nhà tư sản, các tầng lớp trí thức ủng hộ cách mạng bằng những hành động cụ thể. Một trong những đỉnh cao của phong trào là cuộc mít tinh biểu tình và đình công của hàng nghìn công nhân vàoNgày quốc tế lao động 1/5/1938 tại Hải Phòng, cùng với cuộc biểu tình tại khu Đấu Xảo Hà Nội do Xứ ủy Bắc Kỳ lãnh đạo tổ chức.

Năm 1939, Phạm Thị Vân lúc này mới 18 tuổi đã tham gia Thành uỷ Hải Phòng và được tổ chức rút đi thoát ly. Người thiếu nữ tươi xinh ấy được Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ là Hoàng Văn Thụ giao làm công tác phụ vận, binh vận, xây dựng cơ sở cách mạng ở Hải Dương, Hà Nội Hà Đông, Hưng Yên…

Môi trường công tác và hoàn cảnh hoạt động bí mật đã không cho phép họ được gần gũi nhau, nhưng hai trái tim ấy đã hoà chung nhịp đập yêu thương. Họ, trong hoàn cảnh ấy, đã tự nguyện dành phần lớn trái tim trẻ tuổi cho tình yêu đất nước, nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Hoài bão và ước mơ của đôi lứa bây giờ là đất nước được độc lập, nhân dân được tự do. Tình riêng đành gác lại, họ nhớ thương nhau mãnh liệt như mọi người đương yêu và gắn bó với nhau dù trong tâm tưởng.

Năm 1941 có lẽ là thời gian họ được ở bên nhau nhiều nhất. Hai người yêu, hai người đồng chí ấy đã cùng về vùng Đông Bắc tạo dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho lâu dài. Tại Yên Tử - Đông Triều, họ cùng nhau đến với lớp tập huấn quân sự do đồng chí Hoàng Oánh từ Trường Sĩ quan Hoàng Phố về giảng dạy tập đánh du kích, biệt động cho cán bộ cốt cán và đảng viên.

Tài liệu dùng tiếng Hán tiếng Pháp, đã được chị Vân dịch ra tiếng Việt để anh em học và làm tài liệu cho các lớp huấn luyện sau này ở Hải Phòng, Hải Dương, chuẩn bị lực lượng cho cách mạng Tháng Tám 1945… Cũng từ lớp huấn luyện ấy, sau này Hoàng Ngân đã phổ biến luyện tập cho chị em trong đội du kích đường Năm nổi tiếng mang tên người nữ cán bộ Anh dũng Hoàng Ngân, ở Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng từng làm khiếp vía kinh hồn cho giặc Pháp bao phen.

Và mối tình trẻ mãi với thời gian

Tình yêu giữa nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ với Phạm Thị Vân lớn lên cùng với những ngày hoạt động oanh liệt và sôi nổi bên nhau. Hoàng Văn Thụ sinh năm 1909, còn Phạm Thị Vân sinh năm 1921. Người chiến sĩ cách mạng dày dạn Hoàng Văn Thụ tuy đã ba mươi tuổi nhưng cuộc đời anh dấn thân cho cách mạng từ sớm nên chưa một lần cùng ai hẹn ước yêu đương. Sự thông minh quyết đoán cùng đức tính trung thực gan dạ của anh càng làm cô bé Vân từ cảm phục, kính trọng đến cảm tình và yêu mến. Hoàng Văn Thụ cũng cảm thấy không thể thiếu hình ảnh cô Vân trong trái tim mình. Anh thực sự rung động và tự hào trước người con gái đất Cảng trẻ tuổi nhưng thông minh xinh đẹp, lại có ý chí và một nghị lực lớn lao khi dám bỏ hết nhung lụa để đi theo cách mạng.

Hoa đến thì, hoa nở. Và Hoàng Văn Thụ đã hơn một lần ướm thử, anh ngỏ lời muốn đính hôn cùng Vân thì cô gái như bao cô gái miền Bắc nào tránh khỏi ngượng ngùng e thẹn khi nói rằng : « Việc ấy quan trọng để em về hỏi thầy me rồi trả lời anh sau ». Nói vậy nhưng trong thâm tâm mình, cô như đã là của anh và rất sợ mất anh…

Vậy là đã đến lúc họ cần hợp thức hoá tình cảm. Anh Thụ liên lạc về bản Phạc Lạn, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đưa bố đẻ là ông giáo làng Hoàng Khải Lan xuống Hải Phòng đặt vấn đề chính thức cho đôi bạn kết nghĩa trăm năm… ông Phạm Trung Long thấy người thông gia nho nhã tử tế thì ưng thuận nhưng dặn hai người con phải báo cáo với tổ chức để được công nhận tình cảm chính danh. Ông Long dặn hai con khi nào cách mạng thành công sẽ về cùng sum họp…

Lễ đính hôn ấy anh Thụ và chị Vân cũng chỉ về qua nhà cho có mặt. Anh mặc bộ đồ tây, còn chị Vân trong bộ quần áo dài màu nâu duyên dáng như bao cô gái tân thời đất Cảng hồi ấy. Rồi mỗi người lại phải đi một ngả vì công việc cách mạng đương cần họ. Lễ ăn hỏi hay đính hôn giữa hai người chiến sĩ cách mạng có sự chứng kiến của hai gia đinh kết thúc, ông Phạm Trung Long cho người ra ga lấy vé tàu hoả cho ông Lan ngược Lạng Sơn…

Gian nan là nợ anh hùng phải vay

Phạm Thị Vân lúc là Thành uỷ viên Hà Nội mới 24 tuổi. Chị được phân công phụ trách công tác Bí thư phụ vận và một số huyện ngoại thành. Là con gái thành thị nhưng không có vẻ gì là tiểu thư. Hoàng Văn Thụ lúc ấy trong Ban Thường vụ Trung ương, có Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt. Hai ông Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt thay mặt đoàn thể công nhận mối tình đã đính ước của hai người.

Để tiện giữ bí mật công tác, Hoàng Văn Thụ lấy bí danh là Vân, chính là tên người con gái mình yêu để hoạt động. Thượng tuần tháng 5/1941 cùng với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, anh Hoàng Văn Thụ lên Việt Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ toạ. Hoàng Văn Thụ lại được bầu vào Thường vụ Trung ương Đảng.

Tháng năm, sau cuộc họp Thường vụ Trung ương, tại ngoại ô thị xã Hà Đông, Phạm Thị Vân gặp lại người yêu ở Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ. Cuộc họp chưa kết thúc thì giặc Pháp bao vây. Cuộc gặp gỡ hiếm hoi kỳ vọng cho một dịp đoàn viên của hai người đã bỏ lỡ. Tất cả các đại biểu được lệnh bí mật rút đi. Phạm Thị Vân vừa ra đến bến tàu điện thì bị mấy tên mật thám theo sát, chị bị bắt. Dù đã cải trang thành người đi buôn chuyến, nhưng kẻ thù đã phát hiện ra ở chị nước da trắng trẻo, mái tóc dài không giống dân đi buôn.

Tại phiên toà sau đó ba tháng, Phạm Thị Vân đã tranh thủ vạch mặt kẻ thù : « Chúng tôi đấu tranh là để đánh đuổi xâm lược, chứ không phải là những kẻ nổi loạn vì đây là đất nước của chúng tôi… ». Quan toà lồng lộn tức tối, chúng không cho chị tiếp tục lên án. Chị hô vang : « Chúng tôi phản đối lối xét xử áp đặt !… ». Những người dự phiên toà lúc ấy đồng thanh hô vang : « Phản đối ! Phản đối !… ».

Trả thù người cộng sản trẻ tuổi, bọn thực dân kết án chị 12 năm tù và biệt giam tại nhà tù Hoả Lò. Tại đây, chị đã cùng anh chị em tù chính trị vận động đấu tranh đòi giam riêng tù nữ, đòi không được cắt tóc nữ tù, đòi được ra ngoài phơi nắng hoặc dọn cỏ làm vệ sinh… để dễ bề bắt liên lạc với nhau và với bên ngoài… Chị Vân sau đó được giam chung với nhiều nữ tù chính trị. Chị tổ chức học văn hoá, giảng chính trị cho chị em, vận động tuyệt thực, đòi được quyền tiếp tế cho chị em đau ốm trong tù…Phạm Thị Vân liên lạc với gia đình ở Hải Phòng tiếp tế thuốc men, giấy bút và thực phẩm, đường sữa cung cấp cho anh em khu biệt giam…

Cũng thời gian này, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, họ đã trao gửi cho nhau qua ánh mắt nụ cười động viên khích lệ nhau gắng tranh đấu dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững chí khí Cộng sản. Chị Vân đã dùng tấm áo len của mình do em gái đưa vào tháo rời ra và đan lại thành tấm áo mới gửi tặng anh Thụ trong tù, mong anh giữ gìn sức khoẻ…

Tin sét đánh đến với chị Vân vào một buổi sáng tháng Năm năm 1944 khi chúng đưa anh Thụ ra xử bắn tại pháp trường Tương Mai. Sáng ấy, tất cả anh chị em tù chính trị Hoả Lò đứng dậy đồng thanh phản đối. Phạm Thị Vân ngất xỉu. Có nỗi đau nào lớn hơn thế. Vậy là từ nay người đồng chí, người bạn đời yêu thương nhất của chị đã anh dũng hy sinh trước họng súng hèn nhát của kẻ thù.

Anh Hoàng Văn Thụ đã ngẩng cao đầu trước pháp trường tỏ rõ ý chí bất khuất của người cách mạng. Trong lá thư gửi lại cho chị Vân, anh đã dặn chị nhớ giữ gìn sức khoẻ, tiếp tục chiến đấu để trả thù cho anh, và để góp phần giành độc lập cho đất nước. Trong thư ấy có bài thơ đặc biệt không chỉ gửi riêng người vợ trẻ chưa cưới của anh :

Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành…

Tháng 3/1945, Phạm Thị Vân được bố trí vượt ngục thành công cùng một số đồng chí của chị trong nhà tù Hoả Lò. Do bị tra tấn cực hình cùng điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trong tù, Phạm Thị Vân bị bệnh thiên đầu thống. Sau khi vượt ngục chị được em gái đưa sang Nam Định chữa chạy ở nhà ông lang ở làng Đậu Xá, huyện Nam Trực…

Cách mạng thành công, Phạm Thị Vân lúc này lấy bí danh Hoàng Ngân được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ là Thường vụ Khu ủy Liên khu Ba, phụ trách công tác Dân vận và phụ vận của Đảng. Dù lúc này sức khoẻ bị suy giảm bởi chế độ lao tù và bệnh tật, chị vẫn lao vào công việc với tất cả nhiệt thành cách mạng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Hoàng Ngân cùng cơ quan chuyển lên an toàn khu ở Đại Từ, Thái Nguyên.

Tại đây, Hoàng Ngân được bầu làm Bí thư đầu tiên Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, nay là Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Năm 1948 trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, cần thiết có cơ quan tuyên truyền vận động đoàn kết chị em phụ nữ toàn quốc để góp phần vào công cuộc kháng chiến, Hoàng Ngân được giao sáng lập tờ báo Phụ Nữ Việt Nam và chị được cử làm Tổng Biên tập đầu tiên…

Chị Hoàng Ngân đã hy sinh vào một ngày đầu Thu năm 1949 tại căn cứ địa Thái Nguyên. Năm 1956 mộ Hoàng Ngân đã được Bác Hồ giao cho Hội LHPN VN, Văn phòng Quốc hội cùng gia đình và địa phương làm lễ đưa hài cốt người nữ anh hùng về nằm cạnh mộ anh Hoàng Văn Thụ ở nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Theo Tân Linh - Báo CAND

Nguồn : http://hoilhpn.org.vn/NewsDetail.as...

MÀU HOA VẪN TRẮNG (Anh hùng liệt sĩ HỒ THỊ HƯƠNG)

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa giáng sinh, hằng đêm tôi lang thang trên các đường phố của Long Khánh để tận hưởng không khí lành lạnh của miền bán cao nguyên này. Nhất là những năm tám mươi, thị trấn còn lỗ chỗ vết thương chiến tranh, các ngôi nhà đổ nát trầm mặc, chìm trong không gian huyền áo, thị trấn càng trở nên huyễn hoặc bởi những bài thánh ca buồn len lỏi mọi ngóc ngách thị trấn. Tôi thường ghé vào quán nhỏ trên đường Hoàng Diệu để nhâm nhi ly cà phê bốc hơi nghi ngút, thơm lung. ở đây, tôi thường nghe những người già kể về một người con gái tuổi đôI mươi và những trận đánh kinh hoàng của cô trên con đường này.

Cái tên Hồ Thị Hương tôi biết từ đó. Gần ba mươi năm trôi qua, thị trấn đã thay da đổi thịt, đường rộng, nhà cao, vết tích của chiến tranh đã bị xóa đi bởi sự phồn thịnh của vùng đất giàu có . Câu chuyện về người con gái với những trận đánh huyền thoại trong quán cà phê ngày xưa nhường chỗ cho câu chuyện về giá cà phê, giá xe máy. Nhưng không phải vì bề bộn cuộc sống mà người ta quên chị, bởi tên chị được đặt cho ngôi trường lớn nhất thị trấn. Trường Hồ Thị Hương nằm ngay trung tâm thị trấn, ngoài nhiệm vụ đào tạo hàng ngàn học sinh mỗi năm, nó còn có nhiệm vụ nhắc nhở mọi người nhớ rằng những ngày bình yên hôm nay ; ngày xưa mảnh đất này đã từng thắm đỏ máu của đồng bào chiến sĩ, trong đó có dòng máu của người nữ anh hùng đã ngã xuống khi tuổi đời đang còn tràn đầy nhựa sống.. .

Hồ Thị Hương ra đời ngày 20/7/1954. Sanh ra vào cái năm làm rung chuyển địa cầu : Chiến thắng Điện Biên Phủ ( 1954), Hồ Thị Hương lớn lên dưới bóng dừa rợp mát của quê hương Bình Khê - Bình Định. Cánh võng mà người mẹ hiền ru chị được đan bằng những sợi xơ dừa mà người cha kham khổ phảI miệt mài nhiều đêm liền để đón đứa con gái vào đời. Những câu ca dao của quê hương Bình Định thấm đượm nghĩa tình mẹ ru ngày xưa in đậm trong ký ức của chị. Để mãi sau này mắc võng nằm trong căn cứ Bàu Sầm, mỗi lần nhớ mẹ, nhớ quê chị cất lời ca hát cho đồng đội nghe « à ơi ! . Mai anh về em biết lấy gì đưa. Em lạy trời trăm lạy đừng có mưa. .. trơn đàng ».

Người phụ nữ quê chị sao mà thủy chung đến thế, nhỏ nhoi đến thế ! Một đồng đội nói đùa « Sao mình nghe bảo : Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định cầm roi dạy chồng. ». Hương cười tiếng cười trong trẻo giòn tan, tiếng cười hồn nhiên ấy in mãi trong ký ức của đồng đội đến ngày hôm nay. ư ! Con gái Bình Định như vậy đó vừa mạnh mẽ , vừa hiền dịu. Chị nhớ những ngày ở quê, cha của chị thường kể về cuộc đời kiêu hùng nổi tiếng của nữ tướng Bùi Thị Xuân, một vị tướng tài đã từng theo vua Quang Trung đánh Đông dẹp Bắc. Trên lưng voi, bà oai phong lẫm liệt là thế nhưng về làng bà cũng như bao thôn nữ bình dị khác, vừa là nữ tướng tài ba vừa là người vợ hiền thục của tướng quân Trần Quang Diệu.

Hình ảnh vị nữ tướng in đậm trong đầu óc non nớt của chị, nhiều lần chị mơ thấy mình ngồi trên lưng voi để dàn quân ra trận đánh tan quân giặc. Chiều chiều, cha thường dẫn chị lên ngọn tháp Dương Long, cụm tháp nổi tiếng của làng Bình An, nhìn cánh đồng xanh tết dưới chân tháp. Thấp thoáng sau rặng dừa phía xa là làng Tây Sơn quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào. Cha chị thường bảo : "Quê mình là địa linh nên thường sinh nhân kiệt có lẽ vì vậy là dòng máu thượng võ hừng hực trong người của làng quê chị. Đêm đêm, trai làng gái làng tụ tập múa võ đánh quyền, mặc cho sự lùng sục bắt bớ và bắn phá của bọn Mỹ - Diệm. Năm Hương lên 9 tuổi, ông Hồ Ngâm đành đưa gia đình vào Nam tìm chốn sinh nhai vì cuộc sống ngày càng khốn khó. Thời điểm ấy quân Mỹ - Diệm “lê máy chém khắp miền Nam”. Làng Bình An ngày nào cũng có tiếng kêu khóc, vì người chết, vì hội tề bắt bớ đánh đập. ông Hồ Ngâm cùng gia đình dừng lại ở Long Khánh, tuy xứ sở này là vùng đất trù phú , nhưng không có vốn liếng nên ông phải làm thuê, làm mướn để nuôi gia đình. Hương một buổi đi học, một buổi theo mẹ buôn gánh bán bưng. Vào miền Nam được vài năm, do phải tần tảo mưa nắng nên Mẹ Hương qua đời, từ đấy Hương thay mẹ quán xuyến việc nhà, mỗi ngày sau buổi làm mướn, Hương lật chiếc nón lá đựng mấy lon gạo nhà chủ trả công đem về nấu cơm cho cha và em.

Lúc bấy giờ, thị xã Long Khánh là cửa ngõ quan trọng, trấn giữ phía Đông Bắc Sài Gòn, nên quân Mỹ và quân đội Sài Gòn bố trí lực lượng dày đặc. Chúng tăng cường hành quân, càn quét, lập vành đai trắng, khống chế địa bàn thị xã, hầu như ngày nào cũng có bắt bớ. ông Hồ Ngâm than thở : “Mỗi mét vuông có tới 4-5 thằng lính thì sao mà làm ăn”. Năm Hương 12 tuổi, sau lần đi làm về Hương thấy cha mình ngồi trên chiếc chiếu trải trên đất cùng với người đàn ông trạc tuổi cha, hai người ràn rụa nước mắt. Người đàn ông nói giọng Bình Định khá nặng. Hương lẳng lặng vào đàng sau nhà. Sau hồi im lặng khá nặng nề, giọng người đàn ông thảm não cất lên :

- Hết rồi anh ơi, cả làng mình chết hơn một nửa. Người lớn trẻ con chúng lùa ra ruộng bắn ráo trọi.

Ông Hồ Ngâm thở hắt ra, nước mắt lăn trên gò má đen sạm sương gió. Người đàn ông đưa tay gạt nước mắt rồi nghẹn ngào nói tiếp :

- Hôm đó xóm Gò Dài của làng Bình An quê mình náo động cả lên. Không hiểu bọn lính Nam Hàn ở đâu kéo về như kiến cỏ, chúng bảo làng Việt cộng, thế là chúng bắn, người chết như rạ, người lớn, trẻ con nằm sắp lớp, máu chảy đỏ đồng.

(Câu chuyện người đàn ông kể là vụ thảm sát của quân chư hầu Nam Triều Tiên tại Gò Dài, Bình An, Bình Khê - Bình Định - quê hương của chị Hồ Thị Hương. Vụ thảm sát này còn lớn hơn cả vụ Sơn Mỹ -Quảng Ngãi. Hiện nay tại Gò Dài có tấm bia ghi danh 1236 người dân vô tội bị thảm sát trong đợt càn quét ngày 26 đến ngày 28 tháng 2 năm 1966).

Hàng ngày thấy cảnh lính Mỹ bắn giết bà con, nay lại nghe bà con quê hương chết thảm, lòng Hương nóng lên như lửa đốt. Hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân, mơ ước của Hương thời thơ ấu, lại hiện về lung linh sống động. Một ngày đầu năm 1970 khi Hương vừa tròn 16 tuổi, cô quyết định đi tìm chị Hồ Thị Cận (cơ sở an ninh mật của ta hoạt động trong thị xã). Trước đó nhiều lần Hương đã được nghe chị Cận kể về các trận đánh của quân ta. Hôm Hương kể chuyện thảm sát ở quê mình, chị Cận đã khóc, chị nghiến răng bảo : “Chúng nó ác quá, sau này Hương có muốn đánh quân xâm lược không ?” “Muốn ạ !” Hương trả lời dứt khoát. “Đợi lớn cái đã nhé !” chị Cận xoa đầu Hương. Bây giờ Hương đã lớn 16 tuổi rồi còn gì.

Nghe cha kể : "Hồi bà Bùi Thị Xuân 16 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng. Lúc ấy, bạn bè của bà đã yên bề gia thất, trai làng nhiều người ngấp nghé mà bà chưa chịu ai. Tục lệ vùng Bình Khê - Tây Sơn thời bấy giờ anh nào muốn lấy vợ phải giỏi võ, ít ra phải đánh thắng được vị hôn thê của mình. Nhiều chàng đến thử tài, nhưng chưa ai vượt qua nổi bài roi “Ngọc Trảng” của cô gái xinh đẹp nổi tiếng Bình Khê . Có lần bà đi rừng quên mang theo roi, bị cọp tấn công, bà đã quần thảo tay không với cọp dữ cả giờ đồng hồ. Đang lúc bí thế có chàng trai dùng kiếm giết hổ, chàng múa kiếm loang loáng như sao rơi, thoắt ẩn, thoắt hiện trên các gốc cây ngã, nhẹ như sóc bông, cuối cùng bằng nhát kiếm thần tốc chàng chém đứt lìa đầu con hổ. Bùi Thị Xuân thốt lên “Mai hoa kiếm !”. Chàng trai ấy là tướng quân Trần Quang Diệu sau này…”

Nhớ đến đây Hương mỉm cười và phấn chấn hẳn lên. Chị Cận chấp nhận đề nghị của Hương, sau nhiều tháng thử thách bằng cách giao cho Hương móc nối cơ sở mật, Hương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến tháng 8 năm 1970, Hương chính thức trở thành đội viên an ninh mật của đội trinh sát Long Khánh. Khi được giới thiệu, đồng chí Sáu Huệ rất vui mừng, trước đây đồng chí đã từng nghe đội viên Hồ Thị Cận kể về sự dũng cảm và lòng căm thù giặc sâu sắc của cô gái quê gốc Bình Định Hồ Thị Hương. Lúc bấy giờ cơ sở cách mạng của ta bên trong hầu như bị mất trắng. Địch ruồng bố, kềm kẹp càn quét ngày đêm. Cán bộ của ta phải tạm tránh ngoài rừng để bảo toàn lực lượng. Bên trong thị xã, bọn địch dựa vào tên Sơn chiêu hồi để khủng bố các gia đình cách mạng. Tên Sơn là lính bảo an của địch được gia đình vợ động viên bỏ ngũ, về quê làm du kích và công tác binh vận được hơn một năm. Nhưng quen lối sống sa đọa, Sơn trộm cắp và ra đầu hàng địch. Y mang súng và tài liệu, máy móc nộp cho địch và dẫn lính đánh phá cơ sở cách mạng của ta. Bản thân y cũng đã dùng lựu đạn giết chết một du kích. (Vào ngày 12. 10.1970 tên Sơn đã bị đội trinh sát trừng trị).

Trước tình hình rối ren như vậy một mặt phảI tìm cách đối phó với địch, vừa xây dựng lại cơ sở cách mạng, nên sự xuất hiện một gương mặt mới như Hương là rất đáng mừng. Đồng chí Sáu Huệ đã giao cho Hương làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng. Hương không ngại khổ, kể cả nguy hiểm rình rập bên mình, hàng ngày Hương dũng cảm vượt qua các đồn bót, trạm kiểm soát, các toán hành quân càn quét, các mạng lưới tình báo, mật báo của địch để hoàn thành nhiệm vụ. Hằng ngày đi làm qua Bar Ly Ly, Hương thấy nhiều cảnh chướng tai gai mắt, nhiều cô gái ăn mặc hở hang đú đởn cùng bọn sĩ quan Mỹ ngụy. Trong số đó có Sáu B. Một tên ác ôn khét tiếng nhất thị xã, đội quyết tâm trừng phạt tên này. Dù mới chính thức nhận vào đội được hơn hai tháng nhưng Hương được các anh giao nhiệm vụ điều nghiên khu vực Bar. Sau thời gian tìm hiểu, Hương báo cáo rành rọt từng chi tiết. Hương rất tự hào khi nhìn các anh lắng nghe Hương một cách rất tin tưởng. Hương lo lắng cho các anh biết : “Bar Ly Ly nằm sâu trong nội ô thị xã, chung quanh vành đai địch bố trí đồn bót kẽm gai dày đặc, lính thường xuyên tuần tra. Nếu xảy ra sự cố thì lập tức xe tăng và bộ binh địch khép kín vòng vây ngay, khó vượt qua. Dọc theo vành đai, quân Mỹ bố trí cả xe tăng, xe bọc thép. Cảnh sát chìm, cảnh sát nổi lúc nào cũng đầy đường”.

Các anh cám ơn Hương và yêu cầu Hương trở về tiếp tục gầy dựng cơ sở cách mạng.

Khó khăn là vậy mà vào đêm 4/11/1970, hai tiếng nổ liên tiếp tại Bar Ly Ly, đêm ấy cả thi xã náo động (11 tên chết tại chỗ, đa số là sĩ quan). ở nhà, Hương vừa mừng vì chiến công của các anh chị, vừa lo lắng cho sự mạo hiểm của họ. Quả nhiên điều lo lắng của Hương đã thành sự thật, đêm sau khi vượt vành đai trở về căn cứ, cách Bảo Vinh A khoảng một km thì các anh lọt vào hàng rào mìn của địch gài từ trước làm cả ba đều bị thương ở tay và cháy sém nửa người. Hai anh Ngọc và Xuân bị thương quá nặng không lê bước nổi. Hai anh tình nguyện ở lại để anh Thọ tìm về đơn vị báo anh em ra tiếp cứu. Hai anh ở lại với 21 băng đạn và 6 quả lựu đạn, chiến đấu với địch để chờ tiếp viện. Nghe mìn nổ, địch xác định được vị trí, chúng tổ chức tấn công. Chờ địch đến gần, cả hai anh cắn răng chịu đựng đau đớn chiến đấu với chúng 4 giờ liền và anh dũng hy sinh. Nghe chị Cận kể lại, Hương ràn rụa nước mắt lòng căm thù giặc dâng cao, Hương mong muốn có ngày được các anh cho phép chiến đấu giết giặc. Trận đánh Bar Ly Ly đã gây tiếng vang lớn, sự hy sinh của các anh làm nhiệm vụ của Hương càng dễ dàng vì quần chúng tin tướng mạnh mẽ vào cách mạng, trong 23 tháng .Hương xây dựng được 12 cơ sở nội thành. . .

Ba cô gái chụm đầu vào nhau thì thầm. H25 được giao nhiệm vụ tổ trưởng, họ đang bàn bạc kế hoạch diệt bọn sĩ quan Mỹ, ngụy. Dù đã nhiều lần tham gia việc trừ gian diệt ác, nhưng các cô gái khá hồi hộp, bởi vì đây là lần đầu họ được cấp trên giao cho một trận đánh lớn. H25 nói :

- Quán Ngọc Hương nằm trên đường Hoàng Diệu là tụ điểm ăn chơi của bọn sĩ quan Mỹ ngụy, hàng ngày ở đây có vài chục tên, nếu chúng ta thắng lợi trận này sẽ có tiếng vang lớn.

HC 8 T phụ họa :

- Chúng ta phải thành công để chứng minh cho các anh tin tưởng chị em mình không thua kém gì cánh đàn ông. Chúng ta nên thực hiện vào thời điểm nào ít gây chú ý cho bọn địch.

H 120 đề xuất :

- Theo em tốt nhất là buổi tối, bởi vì thời điểm này bọn chúng tụ tập đông nhất, tuy dễ bị nghi ngờ, nhưng hiệu quả rất cao.

H 25 kết luận :

- Chúng ta sẽ tổ chức trận đánh vào buổi tối, thời gian cụ thể sau khi báo cáo cấp trên xin chỉ thị sẽ có thông báo sau.

Sau khi bàn bạc thống nhất, ba cô gái tung tăng dắt nhau đi dạo phố. ít ai ngờ rằng ba cô gái hồn nhiên, vô tư sắp làm một việc tày trời mà có thể đổi bằng sinh mạng của chính mình. Không khí mùa đông năm nay có vẻ lạnh hơn mọi năm, một trong ba cô dừng lại mua ba trái bắp nướng ấp vào lòng bàn tay rồi đặt lên má rúc rích cười, không biết họ nói thầm điều gì vào tai nhau, mà cô gái có bí danh H 25 đỏ bong gương mặt rồi đấm thùm thụp vào lưng bạn. ừ ! Có thể họ đang nói về tình yêu, họ còn trẻ và đẹp quá mà ! ở tuổi ấy ai không có quyền mơ ước. Một mơ ước đơn giản : cùng người yêu dắt nhau đi dạo phố, về một mái ấm gia đình. H 25 bỗng thở dài “giá mà đất nước bình yên !”.

Sau lúc gặm xong ba trái bắp, họ chia tay nhau. Ba cô gái ấy chính là Hồ Thị Hương bí danh H25, Phùng Thị Thận (HC 8T) và Lê Thị Lệ (H120) ba nữ chiến sĩ của đội trinh sát vũ trang Long Khánh. Ba gương mặt xinh đẹp, hồn nhiên như thiên thần ấy từng là nỗi kinh hoàng của bọn Mỹ ngụy và những tên tay say ác ôn của thị xã Long Khánh.

Buổi tối ngày 1/11/1974, ánh điện từ quán Ngọc Hương hắt ra màu tím ngắt, đầy vẻ ma quái, thứ ánh sáng back light rất thịnh hành thời bấy giờ. Trong không gian ấy con người trở nên cuồng loạn hơn. Những tên sĩ quan và lính biệt động rậm rịch nhún nhảy trong điệu nhạc kích động phát ra từ cặp loa thing lớn. Hai cô gái ăn vận lịch sự gọn ghẽ, dừng chiếc xe Honda nữ trước quán. Không để ý lời chòng ghẹo của bọn lính, họ ung dung gọi hai lỳ kem, nhâm nhi tong muỗng nhỏ. Dưới ánh đèn màu, hai cô gái trông rất xinh đẹp. Hương nhìn Thận. Thận tỏ ra bình thản đưa tay nhìn đồng hồ. Hương hững hờ hỏi :

- Mấy giờ rồi ?

- Tám giờ - Thận khẽ khàng trả lời, đưa muỗng kem lên miệng, lơ đễnh nhìn ra đầu đường.

- Ai như con Lệ đang đạp xe thế nhỉ ?

- Ừ ! Nó chứ ai, gọi nó vào ăn kem.

- Lệ ! Lệ ! Vào ăn kem.

Cô gái đạp chiếc xe mi ni, nghe tiếng gọi quay đầu lại và dựng xe đạp trước quán rồi vào ăn kem với bạn gái. ăn xong ly kem, Thận đứng lên trả tiền và dắt xe Honda ra đường, Hương ngồi lên sau, nhưng chiếc xe bỗng trở chứng đạp hoài không nổ máy. Hương gọi Lệ :

- Lệ ơi ! Đẩy dùm coi !

Lệ đẩy xe, chạy được đoạn xe nổ máy, Lệ nhảy lên xe. Chiếc Honda chở người chạy về hướng Bảo Vinh.

Mười phút sau.. .

Ầm.. .m !! !

Một tiếng nổ long trời, lở đất … cả thị xã rung chuyển …

Sáng hôm sau, những người dân thị xã rỉ tai nhau : “Đêm qua, Việt cộng đánh vào quán Ngọc Hưóng diệt được 15 tên sĩ quan, họ tài lắm cứ như từ trên trời rơi xuống. Bọn lính lớp chết, lớp bị thương, thật đáng đời” !”.

- Ối dào. Đánh thế nhằm nhò gì, các anh ấy mới gọi là đánh thử. Nghe bảo cả mấy sư đoàn chính quy của bộ đội chủ lực đang về đóng tràn trong Bảo Chánh, ít hôm nữa các anh đánh thẳng vào Sài Gòn.

Hương mỉm cười, khi nghe những lời bàn tán của bà con. Trận này thắng lớn làm Hương tự tin hơn. Hương mơ một ngày điều mà cụ già nói sẽ đến, mà cũng sắp đến rồi, theo lời anh Sáu Huệ thì quân ta đang thắng lớn khắp nơi. Không hiểu sao mỗi lần mơ ngày chiến thắng Hương không tưởng tượng ra xe tăng, đại bác mà trong đầu Hương hiện ra hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân ngồi trên bành voi theo sau vua Quang Trung giữa rừng cờ hoa tiến về Sài Gòn. Hương lại mỉm cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh của mình. Hôm qua, lúc nghe Hương báo cáo về trận đánh, anh Sáu đem máy ghi âm ra ghi lại làm Hương mắc cỡ muốn chết. Không hiểu sao khi báo cáo xong Hương cười rất giòn, tiếng cười vỡ ra, lan rộng khắp cả khu rừng.

À ! Hương cười vì các anh khen Hương, lại còn trêu Hương chuyện chồng con nữa chứ ! Chắc chắn Hương cũng sẽ lấy chồng thôi nhưng phải đợi đến ngày hòa bình cơ !.

Để trả thù trận đánh vỗ mặt giữa lòng thị xã, bọn chúng tung đám cánh sát đặc biệt lùng sục khắp nơi. Khi hành quân về , chúng đổ vào quán Yến Lan ăn nhậu. Cấp trên quyết định cho Hương dùng phương án mìn định giờ để tiêu diệt bọn này. Sau khi chuẩn bị kỹ càng, Hương và Lệ đợi đến khi ba xe cảnh sát đổ vào quán, hai cô gái về nhà lấy thuốc nổ mang ra. Nhưng bọn cảnh sát đột ngột bỏ đi, chỉ còn lại vài tên binh nhì chán đời, đang ngồi nghe nhạc “Chế Linh”. Trước tình huống bất ngờ đó, Hương quyết định ôm khối thuốc nổ chạy ra rồi hủy ngòi nổ rút kíp quăng luôn vào lô cốt dân vệ gần đó. Đồng chí Sáu Huệ và đồng chí Lương Văn Thọ đã hết lời khen ngợi người đội viên mưu trí dũng cảm của mình. Hành động của Hương vừa bảo vệ được khối thuốc nổ, tiết kiệm vũ khí vừa không gây kinh động vô ích. Vậy mà khi được các anh khen ngợi, Hương bẽn lẽn nói :

- Em có dũng cảm gì đâu, lúc ấy em thấy có quá nhiều dân thường ở đó, em sợ đồng bào của mình chết oan, nên em mới quyết định như thế.

Những lời thành thật của Hương làm cho anh em trong đội rất xúc động. Sau này trong hồi ký của mình đồng chí Sáu Huệ (tức đại tá Nguyễn Huệ) đã viết về Hồ Thị Hương với những lời nhận xét chân- thành : “Nguy hiểm là thế, căng thẳng là thế, nhưng khi xong trận đánh, vào Cứ gặp các anh, các chị lại cười nói vui vẻ Đối với quần chúng em gần gũi đi sâu, biết thuyết phục mọi người. Bà con thường nói : "Con nhỏ Hương nhỏ tuổi nhưng biết suy nghĩ lớn, ai cũng mến thương”... Dũng cảm gan dạ và hết lòng thương yêu bà con cùng khổ, không kể tính mạng của mình là hai đức tính nổi bật của Hồ Thị Hương...

Trưa ngày 30 tháng 1 năm 1975, Hương bồn chồn nhìn ra đường, chốc chốc lại đưa tay nhìn đồng hồ. Chỉ còn hơn mười ngày nữa là đến Tết âm lịch, vài tiếng pháo chuột đì đẹt của trẻ con báo hiệu mùa xuân đến, không khí thị xã có vẻ “nóng lên”, dù những cây thông trang trí mùa Noel vẫn còn xanh trong các gia đình công giáo. Không hiểu vì sao mấy ngày nay bọn lính ngụy đổ về thị xã này nhiều đến thế. Lâu lâu chúng hứng chí bắn vung vãi vài loạt AR 15 vào phía Suối Rết. Hương thầm nghĩ dù thế nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ, trận đánh quán Song Nga, một hang ổ của bọn sĩ quan đã được cấp trên phê duyệt. Hôm qua anh Thọ bảo trận đánh này của Hương như một viên pháo trong dây pháo chào mừng đại thắng của ta trong mùa xuân này. Mọi chuyện đã chuẩn bị xong, chỉ chờ hàng về ...

Lệ kẽo kẹt đưa võng và nghêu ngao bài dân ca miền Trung để trêu chọc Hương. Đêm nay Lệ yểm trợ vòng ngoài, Hương và Thận sẽ trực tiếp đánh trái.

Pạch. .. pạch.. . pạch. . . chiếc xe lam quẹo vào đầu ngõ, người đàn bà nhỏ nhắn bước xuống xe, tay cặp nón lá bên hông nói với Hương :

- Bữa nay cận tết hàng hơi mắc nghe cô.

- Dì Hai làm con trông muốn chết, khách hàng người ta kêu tùm lum, con tưởng không có hàng con chẳng biết ăn nói làm sao với họ.

Hương lòn tay vào thùng sữa bột Ento lấy ra hộp sữa theo lời dì Hai Luông.

- Loại một đó nghen !

- Dạ.

- Dạ ! Tối nay con cho tụi “nhỏ” nó “uống” cho đã.

Đùa xong, Hương bật cười giòn tan. Dì Hai gắt yêu :

- Cha màỵ, lớn vổng rồi mà cứ vô tâm, vô tính.

Dì Hai leo lên xe lam, bỗng dưng mắt trái của dì giật liên hồi. . .

Quán Song Nga nằm đối diện căn cứ sư đoàn 18 bộ binh ngụy, một lực lượng hùng hậu của địch tại cửa ngõ Sài Gòn. ở quán còn nổi tiếng mấy em gái Cần Thơ “trắng như cùi dừa” nên bọn sĩ quan thường hay lui tới.

Bảy giờ tối Hương dắt xe đạp ra, cô quay lại nhìn cha khẽ chào và xin phép đi giao hàng. ông Hồ Ngâm vẫn ngồi đung đưa trên chiếc võng xơ dừa âu yếm nhìn con gái nghĩ thầm « Mới đó mà mau thiệt, con nhỏ đã tới tuổi lấy chồng rồi ». Hương nhìn gương mặt khắc khổ của cha già, chợt nhớ cánh tay xương xẩu ấy đã ôm cô vào lòng nghẹn ngào hát ru cô ngủ : “Huơ ! Trời ơi ! Gánh nghèo cha đem đổ trên non. Cong lưng mà chạy, nghèo còn theo sau”. Cha ơi ! Trái tim Hương khẽ gọi cha. Nhưng lý trí và hình ánh anh Xuân, anh Ngọc anh dũng hy sinh đã kịp ngăn dòng nước mắt chực tràn bờ mi. Hưóng nhấn bàn đạp, Thận mất thăng bằng gắt :

- Ơ ! Con nhỏ này, làm gì nôn nóng vậy, cứ như đI gặp người yêu !

Lệ giấu khẩu súng ngắn và ra hiên ngồi chờ tiếng nổ. Đến quán, Hương dựng xe trước quán hướng vào bọn lính rồi hai chị em ung dung vào quán ăn kem. Bọn sĩ quan thản nhiên ăn uống, chừng nửa giờ nữa thôi mọi việc sẽ hoàn tất. Hương ung dung ăn kem, Thận khẽ hích vai Hương :

- Ê tự dưng bọn nó rút lui cả rồi !

Hưóng ngẩng lên, bọn sĩ quan lần lượt rời quán. Hương khẽ ra lệnh :

- Bảo vệ hàng !

Hai cô gái vội vã lên xe, Hương cố nhấn bàn đạp thật nhanh để thoát ra khỏi tầm kiểm soát của các vọng gác cho Thận tháo ngòi nổ, bảo vệ vũ khí và bảo đảm bí mật. Khi chiếc xe đạp lao qua đường ray xe lửa...

Hoa càfe lại nở trắng trên các nương rẫy vào mùa Noel, gần ba mươi năm trôi qua. Long Khánh đổi khác rất nhiều. Đường phố rộng rãi thênh thang, nam thanh, nữ tú dập dìu dắt tay nhau vào quán cafe vườn. Một chàng trai tinh nghịch ngắt chùm hoa cafe trắng nuốt rải lên mái tóc óng ả của cô gái. Cô gái để yên, chàng trai đặt nụ hôn lên mái tóc và thì thầm : “Thơm quá !” Cô gái rúc rích cười : “Em thơm hay hoa thơm ?”. “Cả hai".

Tôi vẫn thế, vẫn như xưa, mùa Noel tôi lại lang thang phố xá để ngắm các cô gái. Vòng qua đường Hoàng Diệu, rẽ con đường Nguyễn Văn Bé đánh vòng qua đường Khổng Tử rồi ngồi uống café.

Cuối đường, ngôi trường trắng toát với ba dãy lầu kiêu hãnh vươn lên, ngôi trường mang tên người nữ anh hùng của quê hương Long Khánh. Cô gái ngồi bàn bên cạnh hững hừ nâng muỗng kem đặt giữa đôi bờ môi đỏ hồng. Cô gái bỗng hỏi chàng trai, câu hỏi làm tôi giật mình :

- Này anh, sao ở đây người ta không xây dung tượng đài Hồ Thị Hương anh nhỉ ?.

- Em cũng quan tâm đến điều đó nữa sao ?

- Anh này ! -Cô gái trách yêu - Chị Hương hy sinh ngay trước nhà em mà. Mẹ em kể lúc chiếc xe đạp lao qua đường ray bỗng phát ra tiếng nổ lớn, hai cô gái đI trên xe đều bị. . . nhưng may có một người còn sống, sau đó thì cảnh sát ập đến. Mẹ em biết chị Hương, lúc ấy mẹ trạc tuổi chị. Năm chị Hương được phong anh hùng thì em vừa chào đời ( 1978).

Chàng trai bỗng bật cười.

- Anh cười gì ? - Cô gái hỏi.

Anh cười vì mẹ em bằng tuổi anh hùng Hồ Thị Hương mà em lại gọi Cô Hương bằng chị.

- ừ nhỉ ! - Cô gái bật cười theo, tiếng cười giòn tan trong vắt như giọt sương mai.

Cô gái với tay ngắt chùm hoa của cây café trong quán vườn rồi vu vơ nói :

- Hoa trắng quá anh nhỉ ?

- ừ muôn đời vẫn trắng - Chàng trai phụ họa.

Tôi chợt nhận ra một chân lý đơn giản “sự hy sinh cao cả làm cho con người bất tử với thời gian”.

Nguyễn Một

Nguồn : http://www.dost-don­gnai.gov.vn/ahun...

Nữ liệt sĩ anh hùng LLVT Hồ Thị Hương

Chị Hồ Thị Hương sinh năm 20 tháng 7 năm 1954 tại xã Bình An, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Gia đình của chị từ miền Trung vào miền Nam sinh sống. Chị theo gia đình và đến ở tại Long Khánh từ nhỏ.

Năm 1970, Hồ Thị Hương tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đội viên an ninh mật của Đội trinh sát vũ trang thị xã Long Khánh. Đội trinh sát vũ trang thị xã Long Khánh thành lập vào tháng 5 năm 1968. Với tinh thần hăng hái, dũng cảm, đội viên Hồ Thị Hương luôn hoàn thành xuất sắt những nhiệm vụ được giao.

Thị xã Long Khánh những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX là tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh, nơi mà quân địch xem là cửa ngõ có vị trí chiến lược phía đông bắc để bảo vệ các căn cứ quân sự quan trọng ở vùmg 3 - đô thị Biên Hòa và thủ phủ Sài Gòn.

Tại Long Khánh, ngoài những căn cứ quân sự, địch bố trí hệ thống đồn bót, các sắc lính khá nhiều để bảo vệ cửa ngõ chiến lược và ngăn chặn sức tiến công của quân cách mạng tại địa phương Bà Rịa – Long Khánh.

Hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng Long Khánh trong giai đọan này cũng thật khó khăn. Hồ Thị Hương được giao hoạt động mật, gây dựng cơ sở trong nội ô thị xã để nắm bắt tin tức địch. Hồ Thị Hương đã xây dựng được 16 cơ sở cách mạng hoạt động hiệu quả và phát triển được phong trào thanh niên phụ nữ, góp phần tích cực trong việc diệt ác, phá kềm ở địa phương. Từ những cơ sở cách mạng xây dựng và thực tế điều nghiên của mình, Hồ Thị Hương đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho đội trinh sát vũ trang thị xã Long Khánh và tham gia các trận đánh địch táo bạo trong lòng thị xã khiến chúng tổn thất nặng nề.

Trận đánh vào quán bar Ly Ly đêm ngày 4 tháng 11 năm 1970, lực lượng vũ trang cách mạng tiêu diệt 11 tên lính, đa số là sĩ quan. Bằng sự dũng cảm và mưu trí, Hồ Thị Hương với bí danh H 25 cùng với đồng đội là Phùng Thị Thận (HC8T), Lê Thị Lệ (H120) đã tổ chức tấn công địch tại quán Ngọc Hương vào tối ngày 1 tháng 11 năm 1974 diệt 15 tên địch ; trong đó có nhiều sĩ quan, một tên quận phó. Trận đánh đã làm chấn động chính quyền ngụy Long Khánh.

Hồ Thị Hương hy sinh vào ngày 29 tháng 1 năm 1975 khi đang làm nhiệm vụ. Hồ Thị Hương và Lê Thị Lệ tổ chức trận đánh vào nơi binh lính Việt Nam cộng hòa tụ tập trong quán Song Nga trên đường phố thị xã Long Khánh nhưng không đúng như kế hoạch đề ra. Trên đường rút để bảo vệ vũ khí, Hồ Thị Hương đã hy sinh. Năm 1978, liệt sĩ Hồ Thị Hương được truy tặng anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguồn : http://don­gnai.vnc­gar­den.com/tu-lie...