Tamnhin.net – Thứ hai, 15/8/2011
Công trình tháp chuông được xây dựng tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) để tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc xương máu làm nên chiến thắng oanh liệt. Đây là công trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tuy nhiên việc chuông chưa được khắc tên và chưa có bài minh đang gợi nên băn khoăn trong lòng nhiều du khách.
Trở lại Đồng Lộc vào một ngày tháng Tám mùa thu, chúng tôi càng thấm thía hơn về nghĩa tình cách mạng trong lòng bao thế hệ người Việt. Ngã Ba Đồng Lộc ngày nào cũng vậy, rất đông người và các loại xe ô tô mang nhiều loại biển kiểm soát khác nhau trên khắp mọi miền đất nước đậu chật kín bên đường.
Du khách hài lòng trước sự tiếp đón lịch sự, tận tuỵ và mến khách của Ban tổ chức Khu di tích lịch sử cách mạng Ngã Ba Đồng Lộc. Các hạng mục di tích được đầu tư xây dựng ngày càng đúng tầm, đúng nghĩa với khu di tích lịch sử quốc gia. Trong chiến tranh ác liệt, Ngã Ba Đồng Lộc “địa chỉ chết” của “thần sấm”, “con ma”. Ngày nay trong hoà bình xây dựng và phát triển, Đồng Lộc trở thành địa chỉ đỏ thu hút nhân dân cả nước hành hương về thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Nhưng có một điều làm cho nhiều du khách đến đây thăm viếng còn băn khoăn là quả chuông ở di tích chưa được đặt tên và chưa có bài minh chuông. Không hiểu do nhà thiết kế hay là sự chậm trễ của Ban tổ chức khi tiến hành xây dựng tháp chuông ?
Ông Dương Phước Thu - nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian ở thành phố Huế nói : “Trên đất nước ta có rất nhiều đền, chùa, nhà thờ và di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng. Hầu như ở đó đều có treo chuông. Quả chuông được khắc tên, khắc bài minh chuông nói về lịch sử ngôi đền, chùa, di tích lịch sử có từng khi nào do cá nhân hay tập thể dựng nên. Ở Thành cổ Quảng Trị họ treo quả chuông rất to, khắc tên trên quả chuông là Thành cổ Quảng Trị và bài minh chuông ngắn gọn, ngôn từ giàu tính biểu cảm và dễ nhớ.
Hoặc quả chuông ở Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị, quả chuông Hoà Bình trên đỉnh núi Ngũ Phong ở thành phố Huế họ đặt tên đúng với địa danh và bài minh chuông khắc trên quả chuông khái quát lịch sử địa danh đó. Thành thử tôi nghĩ do nhà thiết kế hay Ban tổ chức xây dựng tháp chuông, họ treo quả chuông lên mà quả chuông không có tên, không có bài minh chuông khắc trên quả chuông thì họ nghĩ gì ?”.
Còn ông Dương Châu, xóm 6, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà mộc mạc tâm sự : “Năm 1968 - 1972, tôi đi thanh niên sẵn sàng phục vụ tuyến đường tỉnh lộ 15, đoạn đường qua Ngã ba Đồng Lộc này. Từ ngày tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc xây dựng xong, lúc nào nhàn rỗi việc nhà tôi lại đến Ngã ba Đồng Lộc leo lên tầng 7 tháp chuông ngắm nhìn, hồi tưởng về những trận đánh, thương nhớ các đồng đội đã hy sinh. Trong các lần đến đây, tôi luôn thấy từng đoàn người đến xem rồi bàn tán xôn xao là tại sao quả chuông không có tên, không có bài minh chuông. Đưa vấn đề này trao đổi với các đồng đội thì mọi người đều có chung suy nghĩ : Đất nước ngày một đổi mới đi lên, đời sống và trình độ dân trí người dân rất cao, thành thử thiếu sót một chi tiết nào là họ phát hiện và bàn tán là có lý, đúng với cơ sở thực tế”.
Quả thật đây là điều khá hi hữu, lịch sử kiến trúc xây dựng chùa, đền, di tích lịch sử… nước ta xưa nay không ai làm vậy. Hơn nữa dùi đánh chuông không nên dùng dây xích khoá lại mà để cho khách được đánh mỗi người 1 – 3 tiếng. Bởi khách đến Đồng Lộc tâm tưởng ai cũng muốn được leo lên tháp chuông ngắm nhìn thiên nhiên quang cảnh Ngã ba Đồng Lộc, được đánh một đến ba tiếng chuông để cầu nguyện hương hồn cho các liệt sỹ an nghỉ vĩnh hằng, mọi người đoàn kết, ra sức lao động và học tập… để xây dựng đất nước như nhiều di tích trên đất nước ta đã làm.
Việc đặt tên chuông và khắc bài minh chuông là việc làm khó khăn và phức tạp nhưng thiết nghĩ đây là một việc làm cần thiết, không nên để quá lâu. Trách nhiệm này thuộc về ai, thiết kế dự án hay Ban tổ chức xây dựng tháp chuông Ngã Ba Đồng Lộc ?
Câu trả lời xin dành cho cơ quan chủ quản ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh.
Quốc Tuấn – Hà Vy
Nguồn : http://tamnhin.net/Sacmaucuocsong/1...
Dân trí - Thứ Hai, 25/07/2011
“Em vừa 18 tròn, đẹp như xuân sang. Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn. Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang. Em là chồi biếc…” - đó là những lời hát mà nhạc sĩ Doãn Nho dành tặng anh hùng La Thị Tám, chứng nhân của Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại.
“Người con gái Sông La” đi vào huyền thoại
Đã bước qua tuổi lục tuần, vết dấu thời gian đã in hằn lên gương mặt cô TNXP có “đôi mắt xanh tựa ngọc” ngày nào, nhưng trong mỗi lời nói của chị vẫn còn vẹn nguyên nhiệt huyết một thời tuổi trẻ, lòng yêu nước quả cảm.
Chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Can Lộc (Hà Tĩnh), mảnh đất chảo lửa, bom thù giày xéo ngày đêm trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày ngày, chị chứng kiến biết bao tội ác mà quân thù đã gieo rắc trên mảnh đất quê hương.
Năm 1967, khi ấy chị 18 tuổi, với lòng yêu nước, ý chí kiên cường cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị xin gia nhập đội Thanh niên xung phong (TNXP) đóng tại xã Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Chị được phân công vào đơn vị C2 chủ lực thuộc ngành Giao thông vận tải Hà Tĩnh, tham gia đảm bảo giao thông thông suốt để chi viện kịp thời sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường ác liệt miền Nam.
Chị La Thị Tám bồi hồi nhớ lại : “Thời điểm ấy, Đồng Lộc trở thành một “túi bom”. Tuyến Quốc lộ 15A là “yết hầu” của mọi tuyến đường ra Bắc, vào Nam. Vì thế, kẻ địch xác định phải hủy diệt tuyến này để nhằm cắt đứt hoàn toàn việc vận chuyển, chi viện của hậu phương miền Bắc.”
Vào đơn vị, chị được giao nhiệm vụ hết sức nguy hiểm là đứng trên một quả đồi cao, phía trái của Ngã ba Đồng Lộc, vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống. Chị phải nhìn thật tinh, phán đoán chuẩn xác bao nhiêu quả đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ. Quả nào chưa nổ thì phải cắm tiêu chờ bộ đội công binh đến ra phá. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, chị đã đếm và cắm tiêu được một số lượng bom lớn : 1.205 quả.
Trong khói bom, hình ảnh người con gái còn rất trẻ với khóe miệng tinh nghịch, tràn đầy sức sống, đôi mắt tràn đầy nhiệt huyết, khoác chiếc áo dù với chiếc ống nhòm luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ, đã lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Văn Bảo. Bức ảnh về nữ TNXP La Thị Tám đã được đăng nhiều lần trên các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân và cả trên báo Sự thật của Liên Xô (cũ).
Sau này, trong những dòng tâm sự, nhiếp ảnh gia Văn Bảo đã nói : “Phụ nữ bao giờ cũng đẹp. Nhưng có lẽ trong chiến tranh, họ lại đẹp rạng ngời và trở thành niềm say mê trong cuộc đời cầm máy ảnh đi chiến trường của tôi. Có nhiều “người mẫu” đã lọt vào ống kính của tôi, nhưng La Thị Tám đã để lại trong tôi một ấn tượng không thể nào quên…”
“Vinh quang thuộc về tập thể”
Hình ảnh La Thị Tám và câu chuyện bi tráng về những cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã khiến nhạc sỹ Doãn Nho trong một lần hành quân qua hết sức xúc động, sáng tác bài hát “Người con gái sông La”. Mùa đông năm 1970, khi nghe được bài hát này, chị La Thị Tám đã xúc động khóc.
Chị Tám kể lại : “Tôi nhận ra đó là tập thể, là đồng đội của mình, những người con gái Quân khu IV vốn kiên cường, bất khuất. Đó không phải là riêng tôi, tôi chỉ thay mặt họ “lộ diện” một chút thôi.”
Chị Tám lần dở những tấm ảnh chị chụp cùng đồng đội thời thanh xuân.
Dũng cảm trong chiến đấu, chị được nhận được nhiều bằng khen và Huân chương Chiến công hạng Nhất. Cuối năm 1968, chị La Thị Tám vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người. Ngày 22/12/1969, chị được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vực trang nhân dân khi mới tròn 20 tuổi.
Năm 1974, chị Tám trở về thị xã Hà Tĩnh công tác tại cơ quan Dân Chính Đảng. Giã từ cây súng, chị lại cầm phấn và tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt tình cách mạng. Chị tìm thấy niềm vui, đắm đuối yêu nghề và gắn bó với công việc này suốt gần 20 năm.
Chị lập gia đình, chồng chị cũng từng rong ruổi khắp chiến trường miền Nam, nhiều lần bị thương rồi phục viên trở về địa phương. Bao năm sống trong căn nhà tập thể chật hẹp, mãi đến năm 1993, vợ chồng chị mới cất được ngôi nhà mới ở tổ 10 phường Nam Hà, đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh.
Các con chị đều ngoan ngoãn và đang học tập, công tác tại Hà Nội. Con gái đầu Đặng Thị Tuyết Trinh (SN 1983) hiện đang công tác tại Trung tâm Thông tin (Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội). Con trai Đặng Thế Anh (SN 1987) vừa tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế.
Chị bảo, bây giờ được về sum vầy cùng con cháu, thấy mình hạnh phúc hơn biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống trên mọi nẻo đường của đất nước, không tiếc máu xương vì độc lập tự do cho dân tộc. Chính điều này khiến chị thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn để xứng đáng với những người đã không có được may mắn trở về. Bây giờ, cứ mỗi lần có ai gợi lại chuyện quá khứ, chị cũng đều nói rằng : “Vinh quang, công lao thuộc về tập thể”.
Đặng Tài - Văn Dũng
Nguồn : http://dantri.com.vn/c20/s20-501744...
15/06/2011
Chiều 10-12, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn ; Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình ; Chủ nhiệm UBKT Hà Văn Thạch và đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh dự lễ rước chuông đồng treo ở tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc từ Hà Nội về Hà Tĩnh chuẩn bị cho ngày khai chuông.
Chuông đồng do nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, cơ sở đúc đồng Hoa Mai - Ngũ Xã (Hà Nội) đúc trong vòng 11 tháng. Chuông nặng gần 7 tấn, cao 3,6m, lợi chậu (vành chuông) có đường kính 1,95m, đường kính thân chuông 1,50m. Chuông đồng Đồng Lộc được đúc nhờ sự đóng góp hảo tâm của nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trong cả nước. Dự kiến, chuông đồng Đồng Lộc khai thanh đúng dịp cả nước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Công trình tháp chuông và đền thờ Ngã ba Đồng Lộc khởi công xây dựng ngày 26/3/2009 nhằm tưởng nhớ, tri ân, thể hiện tấm lòng đền ơn, đáp nghĩa đối với các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Công trình có tổng diện tích 12.500 m2, với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng, bao gồm : Đền thờ (diện tích xây dựng 1.572 m2) ; tam quan ; tháp chuông cao 7 tầng (36,6 m).., do Tổng Công ty Sông Đà đảm nhận thi công. Công trình tháp chuông và đền thờ đã được các nhà kiến trúc, nhà văn hoá trên khắp cả nước góp ý và được Văn phòng Tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế.
Nguồn : http://ngabadongloc.org.vn/?menu=de...
Cựu TNXP Truông Bồn, Lam Hạ, biên giới Tây Nam gặp nhau tại ngã ba Đồng Lộc.
TT - Chủ Nhật, 06/03/2011
Hành trình về nguồn “Ngọn lửa tuổi trẻ”, từ ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) với huyền thoại về sự hi sinh của mười cô gái thanh niên xung phong (TNXP), được chọn là điểm khởi đầu cho các hoạt động của hành trình “Ngọn lửa tuổi trẻ” do báo Tuổi Trẻ tổ chức nhân 80 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Đất nước thời chiến tranh có hàng vạn cô gái như thế đã ngã xuống. Là 10 cô gái ở trận địa pháo Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam). Là 11 cô gái ở cung đường Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An). Là những cô gái ở hang “Tám cô” trên đường 20 Quyết Thắng (Bố Trạch, Quảng Bình)... Tuổi 20 của họ như câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo trong trường ca Những người đi tới biển : “Tuổi 20 ai mà chẳng tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc...”.
Những người còn ở lại...
Những đại biểu khu vực phía Bắc có mặt tại Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội từ chiều 4-3 để lên chuyến tàu đêm về Hà Tĩnh. Từ Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) hai nữ cựu TNXP Lam Hạ Trương Thị Nhàn và Nguyễn Thị Mạn rưng rưng nhắc về những đồng đội đã ngã xuống 45 năm trước. Khấp khởi trước chuyến đi xa, chị Mạn kể : “Ở nhà đang vào vụ cấy nhưng mấy đứa con cứ khuyến khích tôi đi. Đây là lần đầu tiên tôi được đến ngã ba Đồng Lộc”.
Nhìn gương mặt chị Trần Thị Thông - người nữ TNXP Truông Bồn (Nghệ An), người may mắn sống sót trong trận bom định mệnh (xảy ra sau sự kiện Đồng Lộc đúng 100 ngày) làm 11 đồng đội nữ của chị hi sinh - khi xem những thước phim về Đồng Lộc thời đạn bom, chúng tôi biết chị đang đau đớn với ký ức về sự ngã xuống của các đồng đội.
Anh Nguyễn Văn Tấn và chị Nguyễn Thị Lý có lẽ là những cựu TNXP đến từ nơi xa nhất và từng công tác ở mặt trận xa nhất - mặt trận Campuchia. Câu chuyện mà họ mang tới ngã ba Đồng Lộc chiều qua cũng bi tráng như câu chuyện từ Lam Hạ, Truông Bồn... Họ chính là hai TNXP còn sống sót trong buổi ban mai đẫm máu gần 32 năm trước sau một trận tập kích của Pol Pot ở Svay Rieng (Campuchia). 24 đồng đội TNXP của anh Tấn và chị Lý ngã xuống, còn anh chị may mắn trở về đời thường với nhiều thương tích trên thân thể.
Ngọn lửa bất tử...
Cũng như chị Thông từ Truông Bồn, chị Nhàn, chị Mạn từ Lam Hạ, anh Tấn và chị Lý trở về cuộc sống hậu chiến với những lo toan rất đời thường. Anh Tấn với thúng bánh tiêu nuôi cô con gái duy nhất học hành. Chị Lý thì đã tròn trách nhiệm nuôi nấng hai con gái, giờ dành thời gian nấu cơm từ thiện ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Nhưng những câu chuyện đời thường ấy không làm họ quên được một điều : đó là từ Đồng Lộc, Lam Hạ, Truông Bồn hay Svay Rieng, máu của họ từng hòa với máu thịt của rất nhiều đồng đội. Và hôm nay, họ chung nỗi niềm mà khi gặp nguồn mạch khơi gợi đều có chung những “phản xạ” giống nhau. Anh Tấn bùi ngùi kể nhiều đoàn làm phim đã mời anh và chị Lý trở lại Svay Rieng để quay những thước phim kể lại cái ngày bi tráng của 32 năm trước. “Nhưng lần nào cũng vậy, chỉ mình tui qua được bển, chị Lý mới tới đầu biên giới đã ngất xỉu vì không chịu nổi ám ảnh của ký ức...”.
Và ở Đồng Lộc chiều qua không chỉ có những câu chuyện bi tráng, những “phản xạ” giống nhau. Vẫn thấy những giọt nước mắt rưng rưng từ chị Lý, chị Nhàn, khuôn mặt như đanh lại của anh Tấn khi dâng hương những đồng đội ở Đồng Lộc. Nhưng giữa không gian đặc quánh ký ức ấy, họ còn có cả nỗi mừng tủi của cuộc hội ngộ. Chưa ai biết nhau, chưa một lần gặp nhau nhưng nói như chị Lý : “Gặp lại các chị ở Lam Hạ, Truông Bồn cũng như gặp được 24 đồng đội của mình năm đó”. Và những câu chuyện khác nhau rất nhiều về thời gian và không gian ấy đã mau chóng trở thành mối gắn kết giữa họ trong lần hội ngộ đầu tiên ở Đồng Lộc.
Anh Đặng Đình Thích, giám đốc Ngân hàng VP Bank tại Hà Tĩnh, đại biểu đại diện khối doanh nhân trẻ tham gia hành trình, đã tâm sự rất chân thành khi nói rằng tham gia cuộc hành trình hôm nay đã khiến anh hiểu hơn về quá khứ, bởi thế hệ của anh sinh ra, sự khốc liệt của chiến tranh đã kết thúc. Những con người chỉ gặp trong trang sách, trong câu hát, trong những bài báo, nay được vinh dự gặp gỡ. Như anh hùng Lê Mã Lương, như nhạc sĩ Doãn Nho, như nhà sử học Văn Tùng, như những cựu TNXP đã dâng hiến tuổi xuân cho độc lập tự do của Tổ quốc... Nhìn vào họ, thế hệ trẻ như anh được tiếp thêm niềm tin để bền lòng bước tới.
Đó cũng là tâm thế của cuộc hành trình hôm nay, bằng chính sự hi sinh của những người ngã xuống và những đồng đội đang sống, để thổi bùng lên ngọn lửa tuổi trẻ rằng sự hi sinh và dâng hiến cho đất nước là bất tử !
Đ.DỤC - V.SỰ - H.HƯƠNG
Những câu chuyện xúc động của quá khứ và hiện tại sẽ được kể trong chương trình “Ngọn lửa tuổi trẻ” diễn ra tối 6-3 tại quảng trường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh). Nhạc sĩ Đức Trịnh - tổng đạo diễn chương trình - chia sẻ :
“Chương trình “Ngọn lửa tuổi trẻ” không chỉ nói về anh Lý Tự Trọng mà còn là câu chuyện về những nhân chứng lịch sử nổi tiếng. Đó là anh hùng Lê Mã Lương với lý tưởng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, là những cô gái TNXP trên trận địa pháo Lam Hạ (Hà Nam), Truông Bồn (Nghệ An)...
Chúng tôi cũng kể về mảnh đất của những “cô gái sông La” (Hà Tĩnh). Trong chương trình, hình ảnh người con gái sông La sẽ được tái hiện qua giọng hát của ca sĩ Hồng Hạnh - một cô gái sông La của hiện tại. Điều bất ngờ chúng tôi muốn tặng khán giả chính là nguyên mẫu của bài hát Người con gái sông La. Khi nhạc sĩ Doãn Nho hành quân qua Hà Tĩnh, ông đã được chứng kiến hình ảnh một người con gái đứng trên đỉnh núi đếm bom, trong khi mọi người đều phải xuống hầm tránh bom. Cảm xúc dâng trào khiến ông sáng tác bài hát nói trên. Người con gái dũng cảm đó sẽ xuất hiện trong chương trình. Đây cũng là cuộc hội ngộ của chị La Thị Tám và nhạc sĩ Doãn Nho.
“Ngọn lửa tuổi trẻ” không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà còn là câu chuyện của hiện tại và tương lai. Trong chương trình, khán giả còn được gặp gỡ giao lưu với các gương điển hình tiên tiến của thanh niên hôm nay. Họ chính là những người đang đốt cháy tiếp ngọn lửa tuổi trẻ mà các lớp thanh niên đi trước đã nhóm lên”.
HÀ HƯƠNG ghi
Nguồn : http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/427...
TVHQ - 3/01/2011
Sau gần hai năm xây dựng, công trình tháp chuông cao 7 tầng (36,6m) tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã hoàn thành. Sáng ngày 2/1/2011 (ngày 28 tháng 11 năm Canh Dần) tại nghĩa trang liệt sĩ Ngã Ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phóng sự ảnh
Buổi lễ thượng Phan-Sái tịnh khai Đại Hồng Chung, có sự tham dự chứng minh của chư tôn đức Phật giáo tỉnh Bình Định, HT Thích Thích Phước Thành, HT Thích Thiện Nhơn, ông Tô Huy Rứa – Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động, Báo Đầu Tư.
Công trình tháp chuông được khởi công, trên diện tích 12.500 m2. Lầu chuông 7 tầng, cao 36,6m. Quả chuông được đúc với trọng lượng 5,7 tấn, cao 3,6 m, lợi chậu (vành chuông) 1,95m do nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng và cơ sở đúc đồng Hoa Mai - Ngũ Xã (Hà Nội) thực hiện.
Theo : PTVN
Nguồn : http://tuvienhuequang.com/news/ban-...
Tháp chuông ngã 3 Đồng Lộc lung linh về đêm.
Thứ hai, 3/1/2011
Công trình đền thờ tháp chuông rộng gần 7000 m2 với tòa tháp 7 tầng cùng quả chuông nặng gần 6 tấn và hệ thống chiếu sáng nghệ thuật tại Ngã ba Đồng Lộc đã được đưa vào sử dụng từ tối 2/1.
Lễ khánh thành công trình tháp chuông đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức long trọng. Bắt đầu khởi công từ tháng 7/2007, công trình đền thờ tháp chuông được quy hoạch xây dựng trên đồi cao, với diện tích gần 7.000 m2, tháp chuông có chiều cao 7 tầng (36,6m), hình bát giác đều, kết hợp khai thác theo hình thức đài tháp và lầu vọng cảnh truyền thống, được cách tân ở phần thân tháp.
Trên đỉnh tháp có treo quả chuông nặng 5,7 tấn, cao 3,6m. Hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật gồm 356 bộ đèn được lắp đặt bao phủ bề ngoài từ tầng một đến tầng bảy với ánh sáng lung linh có tầm xa nhiều km. Công trình có số tiền đầu tư 27 tỷ đồng là đóng góp công đức của các tổ chức doanh nghiệp và người dân khắp cả nước.
Trước khi diễn ra buổi lễ khánh thành, lễ cầu siêu cho 10 nữ thanh niên xung phong đã hi sinh tại đây cũng đã được tổ chức.
Nguyên Khoa
Nguồn : http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011...
03/01/2011
Tại Khu Di tích Ngã ba Ðồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tối 2/1, UBND tỉnh Hà Tĩnh và một số cơ quan truyền thông long trọng tổ chức Lễ khánh thành tháp chuông đền thờ Ðồng Lộc.
Tháp chuông đền thờ Ðồng Lộc cao bảy tầng, tám mái, cao 37m, được xây dựng trên một ngọn đồi nằm giữa Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc. Chuông nặng 5,7 tấn, đường kính 1,95m, cao 3,7m được treo ở tầng bảy của tháp. Chuông được đúc ở làng Ngũ Xã, TP Hà Nội, do ĐH Kiến trúc Hà Nội thiết kế.Công trình có số tiền đầu tư 27 tỷ đồng, 100% là đóng góp công đức của các tổ chức doanh nghiệp và nhân dân.
Công trình thể hiện lòng biết ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Ngã ba Ðồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ đối với đồng bào cả nước, sẽ là nơi có sức thu hút đối với nhân dân và du khách quốc tế.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hoan nghênh sáng kiến quyên góp công đức để xây dựng tháp chuông Ngã ba Ðồng Lộc.
Trần Hưng
Nguồn : http://baodatviet.vn/Home/chinhtrix...
VOV - 02/01/2011
Tháp chuông được xây dựng với kinh phí 27 tỷ đồng do các nhà hảo tâm đóng góp.
Tối 2/1, tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc), UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng Tháp chuông Đồng Lộc tổ chức Lễ khánh thành công trình Tháp chuông Đồng Lộc.
Tới dự buổi lễ có ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ; ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội ; ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và đông đảo nhân dân cả nước.
Ngã ba Đồng Lộc - di tích lịch sử gắn liền với sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Nơi đây, 17 giờ ngày 24/7/1968, 10 cô gái tuổi đời còn rất trẻ đã ngã xuống trong một trận bom để bảo vệ con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam. Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc ngày nay là sự tri ân đối với 10 nữ anh hùng đã xả thân, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc - một trong những biểu tưởng của di tích ngã ba Đồng Lộc được xây dựng từ tháng 7/2010. Sau thời gian thi công, công trình Tháp chuông Đồng Lộc (kinh phí 27 tỷ đồng do các nhà hảo tâm đóng góp) với các hạng mục chính như : tháp chuông cao 7 tầng + 1 tầng áp mái ; chuông đồng nặng 6 tấn, cao 3,6m, đường kính 1,92m ; hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật... đã hoàn thành và chính thức khánh thành trong những ngày đầu năm mới 2011.
Trong đêm khánh thành, Tháp chuông Đồng Lộc rực sáng trong màn đêm của Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Đây thực sự là công trình có giá trị lịch sử và tâm linh của đồng bào cả nước cùng bạn bè quốc tế thành kính, tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất chảo lửa túi bom, nơi được xem như huyền thoại... vì sự nghiệp bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Tại buổi lễ khánh thành Tháp chuông Đồng Lộc còn diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều bài hát ca ngợi sự hy sinh cao cả của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc./.
Bảo Ngọc
Nguồn : http://vov.vn/Home/Khanh-thanh-Thap...
Phóng sự ảnh - 26/07/2010
(VOV) - Ngã ba Đồng Lộc, cái tên ấy đã trở thành thân quen đối với bất kỳ ai dù chưa một lần đến nơi này- Nơi gắn liền với sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam.
Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.
Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông.
Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.
Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người - chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP phá bom, mở đường.
Nơi này luôn ngát khói hương. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người từ khắp mọi miền tới viếng, tri ân những người anh hùng đã hy sinh vì Tổ Quốc.
Tất cả ra đi khi còn rất trẻ - từ người chị cả - Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần khi hy sinh mới 24 tuổi… còn người em út của tiểu đội – đội viên Võ Thị Hà hy sinh ở tuổi 17.
Nón, khăn tay, dầu gió, gương… và không thể thiếu bồ kết gội đầu– là những thứ mọi người thắp hương trên mộ 10 cô gái.
Tấm bia đá khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng. Bài thơ được viết năm 1995 khi nhà thơ tới thăm Đồng Lộc, với lời ước nguyện có một cây bồ kết cho các chị gội đầu. Giờ đây ngay sau tấm bia là cây bồ kết.
Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 TNXP (thuộc Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh) gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường thông xe sau đợt thả bom của máy bay địch. Tới khoảng 17h ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi các cô trú ẩn. Tất cả tiểu đội nữ thanh niên xung phong đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình.
10 cô gái Đồng Lộc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng và Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là di tích lịch sử. Hơn thế, Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.
Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc là một quần thể di tích gồm nhiều hạng mục. Bên cạnh khu mộ của 10 cô gái anh hùng, còn có nhà bia tuởng niệm TNXP toàn quốc, nhà trưng bày truyền thống, tượng đài chiến thắng… Mỗi ngày có hàng trăm lượt người tới Đồng Lộc thắp hương, thăm viếng. Vào những ngày lễ Tết có tới hàng ngàn lượt người. Ngã ba Đồng Lộc – ngã ba huyền thoại trở thành một điểm hành hương tâm linh, một không gian tưởng niệm linh thiêng !
Nguồn : http://vov.vn/Home/Dong-Loc-nga-ba-...
Dân trí - Chủ Nhật, 25/07/2010
Sáng 24/7, Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã làm lễ giỗ tại khu mộ của 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong.
Đây là hoạt đông nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), 42 năm ngày chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc và 42 năm ngày hy sinh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2010).
Tới dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, 150 thanh niên Việt kiều thuộc 30 Quốc gia và đông đảo các đại diện doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và nhân dân Hà Tĩnh.
Trước đó, 20 giờ tối 23/7, tại Trung tâm Văn hóa thông tin triển lãm tỉnh Hà Tĩnh diễn ra đêm giao lưu ca nhạc “Nghĩa tình Đồng Lộc” nhằm quyên góp công đức xây dựng tháp chuông, đền thờ - một công trình văn hoá tâm linh trong quần thể khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã được tổ chức trang trọng, cảm động.
Tại đêm ca nhạc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thăm hỏi, tặng quà cho 3 gia đình chính sách. Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã trao tặng 100 suất học bổng và 50 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 1,7 tỉ đồng.
Nhân dịp này Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cả nước tiếp tục ủng hộ xây dựng tháp chuông, đền thờ Ngã ba Đồng Lộc hơn 23 tỷ đồng, riêng cán bộ và nhân dân TP Hồ chí Minh ủng hộ 10 tỷ đồng.
Bá Hải – Văn Dũng
Nguồn : http://dantri.com.vn/c20/s20-410967...
Các công nhân trẻ hăng say lao động thi công xây dựng tháp chuông ngã ba Đồng Lộc.
TTO - Thứ Sáu, 26/03/2010
Lễ phát động thi đua 110 ngày đêm (26-3 đến 15-7-2010) hoàn thành hàng mục công trình tháp chuông ngã ba Đồng Lộc được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cùng Công ty CP Sông Đà 25 (đơn vị thi công) tổ chức chiều 26-3 tại khu di tích ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Tại buổi lễ, anh Nguyễn Xuân Hùng - phó bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, trưởng Ban quản lý dự án xây dựng tháp chuông và đền thờ - biểu dương, động viên các kỹ sư, công nhân trẻ thời gian qua đã nỗ lực hăng hái thi công đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ vào ngày 15-7.
Đúng 42 năm ngày giỗ 10 nữ anh hùng TNXP ngã ba Đồng Lộc, ngày chiến thắng ngã ba Đồng Lộc (24-7) chuông sẽ ngân vang.
Tháp chuông và đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc được khởi công ngày 26-3-2009 với kinh phí 32 tỉ đồng. Quả chuông nặng hơn 5 tấn được treo cao trên tháp 7 tầng (36m). Đây là công trình thể hiện tấm lòng tri ân, tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại ngã ba Đồng Lộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
AN KHÁNH
Nguồn : http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/...
TP - 28/02/2010
Lần đầu tiên một nữ nhà báo công an đứng ra thành lập quỹ từ thiện với mục tiêu hướng đến cựu thanh niên xung phong và nhiều đối tượng khác có hoàn cảnh khó khăn.
Thượng tá, nhà báo Nguyễn Thị Hồng Ánh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Ngã ba Đồng Lộc, chia sẻ với Tiền Phong về cách tự lực cánh sinh và mục tiêu hoạt động mà quỹ hướng đến.
Hai mươi tám năm công tác tại Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh và gánh vác vị trí trưởng ban bạn đọc, chị có điều kiện hoạt động từ thiện trên khắp mọi miền đất nước, chứng kiến bao mảnh đời bất hạnh trong những gia đình bộ đội, thanh niên xung phong và thân nhân của họ.
Tôi nghe nói chị đã nhiều lần làm công tác từ thiện đến vùng Ngã ba Đồng Lộc khi còn làm việc ở Báo Công an TP HCM, thậm chí, còn làm thơ, phổ nhạc về vùng đất của 10 cô gái trinh liệt ?
Trong chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc là một cửa tử của con đường độc đạo vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí của hậu phương cho tiền tuyến lớn.
Nơi đây, hơn bất kể nơi nào, thể hiện tinh thần, lòng yêu nước, sự hy sinh lớn lao của nhân dân, bộ đội và thanh niên xung phong (TNXP) đối chọi lại những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của kẻ thù.
Nhiều quỹ từ thiện khi thành lập đều có một yếu nhân đứng sau đỡ đầu với tư cách chủ tịch danh dự. Còn Quỹ Ngã ba Đồng Lộc dường như đơn thương độc mã ?
Quỹ từ thiện Ngã ba Đồng Lộc là một trong những minh chứng cho chủ trương xã hội hóa của Đảng và nhà nước đối với hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Quỹ trưởng thành, lớn mạnh thế nào, thuộc về nhân dân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, thuộc về những tấm lòng nhân ái mong muốn tri ân những người đã có công với tổ quốc và mở lòng bao dung những mảnh đời bất hạnh, những thân phận còn nhiều khổ đau trong xã hội.
Tuy nhiên bên cạnh đó, tôi cũng có kế hoạch để hỗ trợ quỹ như một cách tự thân vận động sau khi có giấy phép thành lập của Bộ Nội vụ, cùng tài khoản, con dấu riêng.
Mục tiêu cụ thể của quỹ là gì, thưa chị ?
Quỹ sẽ hỗ trợ vật chất cho các đối tượng là bộ đội, TNXP trên cả nước đã chiến đấu tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc cũng như các chiến trường khác trong cả nước và chiến trường Lào –Campuchia, cùng những thân nhân có hoàn cảnh khó khăn, những trẻ em cơ nhỡ, những người già tàn tật, neo đơn ; tài trợ cho các chương trình, đề án nhằm mục đích nhân đạo, từ thiện, khuyến khích phát triển văn hóa, khoa học, xã hội ; tài trợ theo sự ủy nhiệm của các tổ chức, cá nhân và thực hiện các dự án tài trợ có địa chỉ theo quy định của pháp luật ; góp phần trùng tu tôn tạo các di tích cách mạng và xây hạng mục mới được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật ; hỗ trợ cho việc tìm kiếm hài cốt của thân nhân trong chiến tranh và tài trợ cho các chương trình, các đề án nhằm mục đích xã hội nhân đạo từ thiện khác.
Hữu Vinh thực hiện
Quỹ từ thiện Ngã ba Đồng Lộc được thành lập theo Quyết định số : 145/QĐ-BNV ngày 10-2-2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trụ sở chính của Quỹ đặt tại 85/37 bis Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại : 08.39202769 ; Fax : 08.3.9202769. Email : quyngabadongloc@yahoo.com.vn.
Nguồn : http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/187...
TP - 27/07/2009
Tôi thực sự bất ngờ, khi được chứng kiến hàng chục ngôi mộ liệt sĩ TNXP bị cỏ cây che lấp nằm sát bờ tường khu mộ của 10 liệt nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc bốn mùa ngút ngàn hương hoa.
Lần theo những dấu tích còn sót lại nơi đây, tôi được biết thêm một số thông tin về những ngôi mộ vô danh này.
Theo những dòng địa chỉ
Trong số hai hàng mộ liệt sĩ TNXP thấp lè tè nằm lẫn khuất giữa bạt ngàn sim mua và cỏ dại ngay mé sườn tây-nam khu mộ 10 liệt nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, chỉ có một ngôi mộ nằm sát chân tường là có tấm bia ghi rõ dòng tên Liệt sĩ Phạm Chất, quê quán Đức Nhân, Đức Thọ, Hà Tĩnh ; hy sinh : 25/12/1968.
Lần theo địa chỉ này, tôi về xã Đức Nhân và được biết, thân nhân gia đình liệt sĩ Phạm Chất nay đã chuyển về sinh sống tại thị xã Hồng Lĩnh. Lại thêm một cuộc lần tìm, cuối cùng tôi cũng đến được nơi cần đến.
Tiếp tôi trong ngôi nhà gần cổng Trường THPT Hồng Lĩnh thuộc khối 9, phường Bắc Hồng có cụ Hoàng Thị Nguyệt - vợ liệt sĩ Phạm Chất, và vợ chồng người con trai thứ Phạm Anh Hà, hiện là giáo viên Trường THPT Hồng Lĩnh.
Câu chuyện của mẹ con bà Nguyệt kể cho tôi nghe còn có sự chứng kiến của bác Phan Thị Mười - cựu TNXP của Đội 55, là đồng đội một thời của liệt sĩ Chất. Theo hồ sơ còn lưu giữ tại gia đình, liệt sĩ Phạm Chất gia nhập lực lượng TNXP năm 1962 sau một thời gian dài phục vụ trong ngành quân nhu Quân khu 4.
Giữa năm 1965, sau khi tốt nghiệp loại giỏi lớp Y3 tại Trường Trung cấp Y Hà Tĩnh, ông Chất được điều về nhận công tác ở Đội TNXP 55, phụ trách quân y.
“Ông ấy là người giỏi giang, được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường, được đi dự đại hội điển hình TNXP toàn quốc lần thứ nhất năm 1966, được gặp Bác Hồ và được Bác tặng huy hiệu” – bà Nguyệt nhớ lại – Cuối năm 1968, khi tui đang nằm điều trị tại bệnh viện huyện (giữa năm 1968, bà Nguyệt bị bom Mỹ cắt đứt hẳn cánh tay phải đến tận nách – PV), thì nhận được tin chồng hy sinh.
Do phải điều trị vết thương, tui không vào được, chỉ có anh em họ hàng vào dự lễ tang và kể lại mộ ông ấy chôn tại xã Xuân Lộc, Can Lộc, cạnh mộ 10 nữ liệt sĩ TNXP hy sinh hồi tháng 7/1968.
Năm 1975, mộ liệt sĩ Phạm Chất được quy tập về Ngã ba Đồng Lộc, mộ phần đặt trên mộ 10 liệt nữ TNXP, vì ông ấy là thủ trưởng của các cô. Hồi đó, do điều kiện đi lại quá khó khăn, bà Nguyệt một tay nuôi ba đứa con ăn học nên ít có dịp vào Đồng Lộc viếng mộ chồng, thỉnh thoảng các con bà đạp xe từ Đức Nhân vào thắp hương cho bố.
Khi các con bà trưởng thành (liệt sĩ Phạm Chất có ba người con, hiện một người là bác sĩ, hai người là giáo viên - PV), họ trở lại Đồng Lộc tìm mộ cha thì không còn nhận ra vì nơi đây đổi thay nhiều. Dò tìm thông tin được biết, khi nâng cấp khu mộ 10 liệt nữ năm 1990 và năm 2000, số mộ liệt sĩ quy tập về đây năm 1975 bị xáo trộn.
“Anh em tui chỉ nhớ mang máng vị trí mộ cha nằm ngay trên phần mộ 10 cô ở hàng mộ thứ nhất nên chúng tôi đoán ngôi mộ sát bờ tường khu mộ 10 cô là mộ cha mình. Mấy năm trước chúng tôi đã đúc tấm mộ chí gắn vào ngôi mộ này, xem có ai phản ứng gì không nhưng đến nay không có ai phản hồi ý kiến nên càng tin đó là mộ cha mình. Tuy nhiên, chưa có cơ sở gì minh chứng nên không ai dám bốc mộ phần về nghĩa trang” - anh Hà giải thích.
Lần tìm các dòng tin còn lưu lại tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tôi tiếp tục cuộc hành trình về xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), gặp thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Hiển. Tiếp tôi trong căn nhà vừa được cất lên giữa cồn cát trắng ở xóm Đông Đoài là bà Hoàng Thị Hòa, chị dâu liệt sĩ Hiển.
Bà Hòa đưa cho tôi xem tờ biên bản khám nghiệm thi hài liệt sĩ Hiển đề ngày 25/4/1970 và cho biết theo hồ sơ để lại, liệt sĩ Hiển gia nhập Đội TNXP 55 ngày 21/9/1968, đến năm 1970 hy sinh tại xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh trong khi đang làm nhiệm vụ. Năm 1976, bà Hòa về làm dâu gia đình, đã cùng người nhà vào Kỳ Phương tìm mộ liệt sĩ Hiển và được biết các ngôi mộ của Đội 55 đều đã được quy tập về Ngã ba Đồng Lộc.
Từ Cẩm Dương, gia đình bà lại lặn lội ra Đồng Lộc tìm mộ người thân nhưng thời điểm đó Đồng Lộc đang còn là vùng rừng thiêng nước độc nên không tìm được mộ.
Gần đây, ông Trương Quang Vĩnh ở thành phố Hà Tĩnh tìm gặp bà Hòa và cho biết một số thông tin về việc di dời hài cốt các liệt sĩ của Đội 55. “Nhà chồng tui có hai anh em trai đều là liệt sĩ chống Mỹ.
Chồng tui hiện được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, còn mộ phần của chú Hiển đang bị thất lạc tại Đồng Lộc. Tên của chú ấy cũng chưa được khắc ở Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc, mặc dù bằng tổ quốc ghi công đã được cấp năm 1999. Nguyện vọng của gia đình mong muốn các ngành chức năng quan tâm kiếm tìm hồ sơ khu mộ và sớm quy tập, tôn tạo các mộ phần để chúng tôi đỡ tủi thân mỗi dịp đến thăm” - bà Hòa khẩn thiết.
Theo địa chỉ bà Hòa giới thiệu, tôi đã đến phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh gặp ông Trương Quang Vĩnh (ông Vĩnh là em trai của liệt sĩ Trương Quang Tụng, hy sinh cùng lúc với liệt sĩ Hiển).
Trong số các gia đình thân nhân tôi tiếp xúc, chỉ có ông Vĩnh còn giữ được giấy thông báo về việc quy tập mồ mả của Đội 55 do đội trưởng Võ Xuân Oánh ký ngày 10/1/1975, ghi rõ : “Chúng tôi kính thông báo cho gia đình biết mộ phần liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang tại Ngã ba Đồng Lộc (địa điểm 10 cô gái hy sinh năm 1968) để hàng năm tiện việc thăm viếng mồ mả con em”. Nhờ những thông tin ấy, tôi đã tìm gặp được ông trưởng ban quy tập mộ liệt sĩ của Đội 55 ngày đó, và qua đó hé lộ thêm được một số thông tin về các mộ phần.
Ông Nguyễn Thế Linh - nguyên đại đội trưởng của 10 cô gái TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc và cũng chính là người phụ trách công tác quy tập mộ liệt sĩ Đội TNXP 55 năm 1975 đã ngoài tuổi 70, nghỉ hưu tại xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc.
Khi tôi nêu vấn đề về các ngôi mộ nói trên, ông Linh cho rằng đây là điều bấy lâu nay ông đang dày vò tâm trí vì cảm thấy mình chưa thật trọn vẹn với những đồng đội đã khuất.
Ông Linh kể, trước ngày giải thể năm 1975, thực hiện chủ trương của trên, Đội 55 đã quy tập mộ các liệt sĩ và tử sĩ của đơn vị về Ngã ba Đồng Lộc, hoàn thành các thủ tục bàn giao cho Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh và Phòng LĐ-TB&XH Can Lộc quản lý, đồng thời thông báo tới thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Tổng số hơn 40 mộ liệt sĩ và tử sĩ chủ yếu hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc và một số địa bàn thuộc phạm vi quản lý của đội được quy tập thành hai hàng ngang dưới chân núi Trọ Voi, phía trên bên phải hố bom nơi 10 nữ liệt sĩ TNXP hy sinh.
Sau khi bàn giao đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, tôi đi nhận nhiệm vụ mới và đinh ninh rằng, gia đình các liệt sĩ đã đến nhận người thân và đưa họ về các nghĩa trang liệt sĩ địa phương.
Thực tế do điều kiện hoàn cảnh lúc bấy giờ, chỉ có rất ít gia đình thân nhân liệt sĩ thực hiện được việc đó. Đến năm 1990, khi chúng ta xây dựng khu mộ 10 nữ liệt sĩ TNXP tại nơi các cô hy sinh, rồi năm 2000 lại mở rộng thêm khu vực này thì một số mộ liệt sĩ còn nằm lại ở đây đã bị dịch chuyển do vướng mặt bằng quy hoạch.
Gần đây, một số gia đình thân nhân liệt sĩ đến gặp tôi hỏi về vấn đề này, chúng tôi trực tiếp làm việc với các cơ quan quản lý hồ sơ và được giải thích do đã quá lâu và qua hai lần tách nhập tỉnh nên hiện sơ đồ các phần mộ này đã bị thất lạc.
Đã nhiều lần tôi trở lại nơi chôn cất các đồng đội năm xưa, nhận ra khoảng 15 mộ phần liệt sĩ còn dấu vết ngay bên cạnh hàng rào khu mộ 10 nữ liệt sĩ TNXP, nhưng thực tế chắc còn nhiều hơn - ông Linh ngậm ngùi.
Lời thỉnh cầu tháng bảy
Anh Phạm Anh Hà tâm sự : “Vào các dịp 27/7 hay ngày lễ, tết, mẹ con tôi đều vào Đồng Lộc viếng mộ cha. Mỗi lần vào đây là mẹ tôi lại khóc hết nước mắt, còn chúng tôi cũng cảm thấy xót xa khi thấy người thân của mình còn bị lãng quên ngay tại nơi được nhiều người nhớ”.
Khi tôi nêu vấn đề này, ông Nguyễn Thế Linh đề xuất : “Việc quy tập, tôn tạo phần mộ các liệt sĩ nói trên là việc không thể chần chừ thêm. Nhiều người nêu lý do sẽ khó khăn khi quy tập các ngôi mộ này vì hiện có một số mộ của dân nằm rải rác trong khu vực.
Nhưng thực tế hầu hết mộ dân đều có chủ, hơn nữa, khi quy tập về đây, các hài cốt liệt sĩ đều được liệm trong cùng một loại tiểu sành nên sẽ rất dễ nhận biết khi khai quật. Vấn đề cần phải bàn thêm là nên đưa anh em về đâu cho ý nghĩa.
Do hồ sơ đã thất lạc, hầu hết các ngôi mộ này nay không còn một dòng địa chỉ nên việc quy tập họ về nghĩa trang liệt sĩ các địa phương là điều không thể. Một số ý kiến cho rằng, nên đưa số mộ này về nghĩa trang huyện Can Lộc, nhưng theo tôi đó không phải là phương án hay. Sẽ rất ý nghĩa nếu những đồng đội của tôi được tôn vinh ngay tại nơi họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và ngã xuống vì những cung đường.
Và để vong linh các liệt sĩ vô danh được phần nào an ủi, tốt nhất là hãy chọn một vị trí nào đó tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, xung quanh Nhà bia ghi tên liệt sĩ TNXP toàn quốc là thích hợp nhất, để quy tập, tôn tạo mộ phần cho họ, và như thế sẽ tạo thêm được một điểm nhấn cho khu di tích này”.
Lời thỉnh cầu của ông Linh cũng là tâm nguyện của thân nhân các gia đình liệt sĩ, của nhiều cựu TNXP và du khách tôi đã gặp khi thực hiện phóng sự này.
Văn Học
Nguồn : http://www.tienphong.vn/Phong-Su/16...
TP - 24/07/2009
Sau một năm phát động, hôm qua, lễ khởi công xây dựng công trình này đã được tiến hành. Nguồn kinh phí ban đầu là 10 tỷ đồng do các tập thể và cá nhân trong ngành giáo dục đóng góp.
Các ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ; Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, và đại diện các ban ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Cam Lộc, thân nhân 10 liệt sỹ TNXP, những đồng đội một thời chiến đấu tại trọng điểm này.
Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009.
Trước đó, ngày 22/7/2008, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ngã Ba Đồng Lộc và ngày giỗ thứ 40 của 10 nữ TNXP, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân về dự lễ và phát động trong toàn ngành giáo dục phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”.
Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp phát động triển khai dự án xây dựng cụm tượng đài 10 nữ TNXP Ngã Ba Đồng Lộc với mục đích tái hiện lại “Một khoảnh khắc tả thực tiểu đội TNXP đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, dẫn đường thông xe ra tiền tuyến”.
Võ Minh Châu
Nguồn : http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/Tin...
Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (24-7-1968 - 24-7-2008)
Dâng hương lên khu mộ mười cô gái thanh niên xung phong tỏ lòng tri ân.
TT(Hà Tĩnh) - Thứ Sáu, 25/07/2008
« Đồng Lộc - những đóa hoa bất tử » là chủ đề trong chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt tối 24-7 tại ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng ngã ba Đồng Lộc và tưởng niệm 40 năm ngày hi sinh của 10 nữ anh hùng TNXP (24-7-1968 - 24-7-2008).
40 năm trôi qua, về Đồng Lộc những ngày gió Lào, nắng rát người ta vẫn nghẹn ngào kể cho nhau chuyện về mười cô gái thanh niên xung phong huyền thoại. Tuổi hai mươi của họ đã hóa thành bất tử, đã làm nên một đất nước « của ca dao và thần thoại... ».
Trước ngày 24-7-1968, chị Võ Thị Tần, tiểu đội trưởng của tiểu đội mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, ngồi trong hầm viết thư gửi về cho mẹ : « Mẹ ơi ở đây chúng con vui lắm mẹ ạ ! Ban đêm chúng thắp đèn cho chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này. Mẹ ơi, dạo này địch bắn phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ gửi cho con dạo này đã gần hết rồi. Mẹ nhớ gửi thêm cây bút nữa nhé. Mới về thăm mẹ đó mà con thấy nhớ mẹ quá. Con mong mẹ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều... ».
Một tiểu đội mười cô gái, chưa ai có gia đình, tuổi đời còn rất trẻ, người nhỏ nhất mới 17 tuổi, người lớn 24. Ban đêm cũng như ban ngày, sau từng loạt bom rơi, mười cô : người xẻng, người cuốc, í ới gọi nhau ra san lấp mặt đường.
Mười bông hoa bất tử
« Vậy mà ngày 24-7-1968, đến loạt bom thứ 15... » - ông Nguyễn Hữu Nhã (78 tuổi), nguyên bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc từ năm 1965-1985 - nhân chứng sống lịch sử, kể đến đây mà nghẹn ngào rơi nước mắt.
"...Đúng 16g, một tốp máy bay lao tới ném bom và mười chị đã lánh vào một căn hầm chữ A gần đường nhất. Một quả bom rơi trúng cửa hầm, khói bom mù mịt, bao trùm lên tất cả các chị”.
Đứng trên đồi quan sát, đồng đội không thấy ai trong mười cô. Cả trận địa lặng đi..., òa lên tiếng khóc : Tần ơi ? Hà ơi ? Nhỏ ơi ?...
« Trong lễ truy điệu, mới tìm thấy thi thể của chín chị. Do bị vùi lấp sâu, mãi ba ngày sau chị Hồ Thị Cúc, tiểu đội phó, mới được tìm thấy trong tư thế ngồi, mười ngón tay rớm máu... » - ông Nhã nhớ lại.
Nối tiếp khúc hát khải hoàn...
40 năm, chiến tranh đã lùi xa. Cuộc sống đã hồi sinh trên « tọa độ chết » năm xưa. Khu di tích lịch sử cách mạng - du lịch ngã ba Đồng Lộc đã được xây dựng trên diện tích 50ha. Du khách khi về với ngã ba Đồng Lộc, ngoài thắp những nén hương lên khu mộ mười nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ... còn tận mắt chứng kiến cảnh trận địa bom năm xưa, trong đó có hố bom đã giết chết mười cô gái Đồng Lộc...
Một khu di tích lịch sử đúng nghĩa sẽ được hoàn tất trong nay mai. Du khách có thể đội mũ tai bèo, ăn cơm nắm, uống nước chè xanh bằng bát B52... để hiểu được phần nào thế hệ cha anh chúng ta đã trải qua trong những năm tháng chiến tranh.
Chương trình « Đồng Lộc - những đóa hoa bất tử » do UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Đài truyền hình VN - Công ty phát triển truyền thông & sự kiện VNC tổ chức.
VĂN ĐỊNH
Đưa ta về một địa chỉ đỏ với những tấm gương hi sinh cao cả của các chiến sĩ TNXP mà tiêu biểu là mười nữ TNXP đã hiến dâng tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Theo ông Hà Văn Thạch - phó chủ tịch UBND tỉnh, vào ngày này hằng năm sẽ trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh Hà Tĩnh.
Sơn Vinh
Nguồn : http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/...
12/05/2008
Có lẽ không ai trong chúng ta không ít nhất một lần được nghe đến địa danh « Ngã ba Ðồng Lộc », một cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc và gắn liền với những chiến công của các đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Song không phải tất cả chúng ta đều đã có dịp đến Ngã ba Ðồng Lộc, đã nhìn thấy những gì còn lại trên mảnh đất này và đã nghe câu chuyện về những con người ở đây trong thời kỳ máu lửa. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi đã chọn Ngã Ba Ðồng Lộc làm điểm dừng chân đầu tiên trong chặng đương « Nam Tiến » của mình.
« ...Năm 1968 là năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân, phía chúng ta phải trả giá bằng nhiều tổn thất. Yêu cầu tăng viện cho chiến trường vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn trở nên vô cùng cấp thiết. Thêm vào đó, từ ném bom không hạn chế, Mỹ chuyển sang thực hiện kế hoạch ném bon hạn chế, tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh thuộc khu 4 (cũ) nhằm ngăn chặn và cắt đứt con đường chi viện cho tiền tuyến của ta. Ðường Trường Sơn qua sông Lam, sông La đến địa phận Hà Tĩnh phải phơi mình trống trải khoảng 50km giữa đồng bằng. Ðến ngã ba Bãi Vọt, đường chia làm hai nhánh. Một nhánh là đường số 1 men theo bờ biển qua Ðèo Ngang, nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của máy bay địch, hầu hết các cầu lớn đều bị phá. Nhánh kia là đường 15 qua Ngã ba Ðồng Lộc lên miền Tây Quảng Bình, vì vậy Ngã Ba Ðồng Lộc trở thành yết hầu của mạch giao thông nối liền »hậu phương lớn miền Bắc« với »tiền tuyến lớn miền Nam« . Mỹ biết được điều đó nên đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này, chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây (tập trung ở 1km vuông xung quanh Ngã Ba Ðồng Lộc) 4.200 quả bom và tên lửa các lọai, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương...Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông ở Ngã Ba Ðồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom TẤN. Bên địch quyết phá thì bên ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Vào lúc cao điểm nhất, chỉ tại ngã ba này thôi đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP... »
Ðó là những gì chúng tôi đọc được trong Bảo tàng TNXP đặt ngay tại Ngã Ba Ðồng Lộc. Lúc này, cả ngã ba chìm ngập trong mưa, một cơn mưa rất lớn, dấu hiệu của :« ..dễ năm nay miền Trung lãi ngập chìm trong nước.. »như mọi người bảo nhau. Tuy nhiên, cơn mưa lớn đó không ngăn được dòng người đổ về Ngã ba Ðồng Lộc, chúng tôi có thể thấy hàng loạt ô tô vẫn nối đuôi nhau dừng lại ở trước cửa viện Bảo tàng. Trong tất cả những người đến đây hôm nay, hơn một nửa còn rất trẻ, có lẽ họ giống chúng tôi, những đứa con sinh ra sau chiến tranh nhưng vẫn muốn đi tìm, vẫn muốn biết về một thời kỳ oanh liệt mà cha ông chúng ta đã trải qua.
Trong viện Bảo tàng có một căn phòng dành riêng cho 10 cô gái TNXP ở Ngã ba Ðồng Lộc và đây cũng là phần quan trọng nhất của bảo tàng. 10 cô gái đó là những chiến sĩ thuộc Tiểu đội 4, Ðại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh do tiểu đội trưởng Võ Thị Tần chỉ huy. Tuổi đời các cô đều còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20, ngoài tiểu đội trưởng Võ Thị Tần thì chưa ai có người yêu. Người trẻ nhất tiểu đội là Võ Thị Hà, lúc đôi mắt khép lại Hà mới tròn 17 tuổi.
Các cô gái TNXP này đã có mặt tại Ngã ba Ðồng Lộc vào những ngày ác liệt nhất. Thường thì mọi hoạt động ở Ngã ba Ðồng Lộc đều diễn ra về đêm, ban ngày để mặc cho máy bay Mỹ bắn phá. Nhưng đêm ngày 23/7/1968 có lệnh đặc biệt phải thông đường. Nhận được lệnh của Ðại đội, 10 cô gái TNXP đã ra ngã ba giữa ban ngày với cuốc xẻng trên vai. Ra ngã ba giữa ban ngày làm nhiệm vụ, chỉ có mấy chiếc hầm sơ sài ở chân đồi che chở, mạng sống chỉ hoàn toàn trông chờ vào sự may mắn. Ðúng như dự đoán, sau mấy lần máy bay trinh sát điện tử A35 rẹt qua, buổi chiều hôm ấy 15 lần các tốp máy bay lao tới trút bom vào mục tiêu nhỏ xíu phía dưới ngã ba mù mịt vì khói bom, 3 lần tiểu đội các cô bị bom vùi, nhưng sau đó các cô lại rũ đất đứng lên tiếp tục công việc. Nhưng đến lượt bom thứ 15 ấy, lúc công việc đang dở dang, một quả bom rơi ngay trước cửa hầm của họ. Một phút trôi qua...rồi năm phút trôi qua, trên đài quan sát không thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi rồi òa lên tiếng khóc nức nở của những người đồng đội. Các cô đã hy sinh rồi !...
Khi nghe kể đến đây, những người có mặt trong viện Bảo tàng đều rưng rưng nước mắt. Nhưng mọi người thực sự òa lên khóc khi nghe người hướng dẫn viên kể chuyện về cái chết của tiểu đội phó Hồ Thị Cúc. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, đồng đội đã đào đất tìm được xác chín người, đặt lên 9 cái cáng xếp hàng ngang, chỉ riêng có Hồ Thị Cúc là vẫn chưa tìm được. Cả mặt trận quyết tâm phải tìm bằng được Cúc bởi mười cô gái đã cùng chiến đấu bên nhau, gắn bó thân thiết với nhau như chị em một nhà, nên mọi người quyết định phải tìm bằng được Cúc rồi mới tổ chức an táng cho các cô. Nhưng 2 tiếng, 3 tiếng...và đến hết ngày hôm đó, đồng đội vẫn chưa tìm được Cúc. Ðồng đội bật khóc, nhà thơ Yến Thanh đã viết thành một bài thơ :
Cúc ơi
Yến Thanh
Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp ?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân- Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được !)
Bọn anh đã bới tìm vết cuốc
Ðất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi ! Em ở đâu ?
Ðất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng !
Cúc ơi ! Em ở đâu ?
Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn
Ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em
Đũa găm, cơm úp
Gọi em
Gào em
Khan cổ cả rồi
Cúc ơi !
Phải chăng hương hồn cô Cúc linh thiêng đã nghe được lời đồng đội. Ba ngày sau, đồng đội tìm thấy thi thể cô nằm sâu trong lòng đất đá, đầu vẫn đội nón, vai vác cái cuốc, các đầu ngón tay đều thâm tím. Mọi người bảo rằng cô đã cố gắng bới đất chui lên nhưng hầm sâu quá... Cuối cùng thì các cô cũng lại được quây quần cùng nhau dưới lòng đất mẹ, khu mộ của các cô đặt dưới một ngọn đồi thoai thoải, cách tượng đài chiến thắng 200 mét.
....Trời vẫn mưa như trút nước. Hương không thể cháy. Dù không thể thắp nén hương lên mộ của mười cô gái, nhưng tất cả mọi người đều mong cho hương hồn các cô được yên nghỉ ngon giấc nơi đây. Tên tuổi của các cô sẽ mãi mãi sống cùng với Ngã ba Đồng Lộc !
Nguồn : http://www.lichsuvietnam.vn/home.ph...
Thứ sáu, 27 Tháng bảy 2007
Nếu không có các tượng đài, khu lăng mộ, nhà bảo tàng... được xây cất trang nghiêm bề thế, ít ai ngờ rằng Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) từng hứng chịu mỗi m2 đất gần chục tấn bom đạn của giặc Mỹ... Tròn 39 năm sau ngày 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) ngã xuống Đồng Lộc vì bom Mỹ – tôi lại trở về ngã ba huyền thoại.
Mảnh đất hôm nay màu xanh bát ngát. Ngã ba Đồng Lộc lao giao điểm của đường 15 với các đường liên huyện, liên tỉnh. Xưa kia bom cày đạn xới không còn một cỏ cây sống sót. Hố bom chồng hố bom. Bầu trời đen kịt khói bom tang tóc tanh nồng... Nay tất cả các con đường dẫn tới ngã ba Đồng Lộc đều trải nhựa thênh thang. Toàn bộ khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Ngã ba Đồng Lộc, đã khoác thêm ánh sáng văn hóa – du lịch.
Tôi vẫn tự hỏi : “Điều gì làm nên sự bất tử và sức hút lạ kỳ của Đồng Lộc suốt mấy chục năm nay ?”. Tại buổi giao lưu “Huyền thoại Ngã Ba Đồng Lộc”, tối 14.7.2007, nữ anh hùng La Thị Tám bồi hồi nhớ lại : “Biết là có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng không ai được chần chừ đắn đo. Chỉ có cách hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được tập thể giao”.
Thời đó (tháng 12.1967 đến tháng 8.1968) cô gái vừa tròn 18 tuổi La Thị Tám được giao nhiệm vụ đứng giữa túi bom Đồng Lộc để đếm bom rơi. Chị đứng gần 200 ngày đêm ròng rã trên núi Mòi và đã đếm được 1.205 quả bom Mỹ ném xuống. Trong đó có nhiều quả bom nổ chậm. Không chỉ đếm bom rơi, La Thị Tám còn phải khẩn trương đến ngay những chỗ quả bom nổ chậm cắm cọc tiêu, để công binh biết kịp thời rà phá... Hình ảnh hiên ngang của La Thị Tám đã đi vào bài hát nổi tiếng “Người con gái sông La” của nhạc sĩ Doãn Nho.
Gan dạ không kém là Anh hùng Nguyễn Tri Ân. Hơn 300 ngày đêm chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc và đoạn đường Khe Giao, Khe Út liền kề, Nguyễn Tri Ân đã nếm 293 trận bom, bị bom vùi 15 lần. Đạn bom đã thua anh, bàn tay anh đã rà phá được 545 quả bom các loại.
Làm nên sự bất tử của Ngã ba huyền thoại này, không thể quân “vua” phá bom Vương Đình Nhỏ với kỳ tích tự tay rà phá 198 quả bom và chỉ huy đồng đội đánh 1899 quả bom các kiểu của Mỹ. Còn đó hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông dũng cảm tài ba Nguyễn Tiến Tuẫn. Anh trực tiếp chiến đấu đến hàng trăm trận, cứu sống 15 người, hướng dẫn, kích kéo hàng trăm xe vận tải quân sự vượt qua túi bom Đồng Lộc an toàn...
Bằng mọi giá, đế quốc Mỹ ra sức biến Ngã Ba Đồng Lộc “trở về thời kỳ đồ đá” – nhưng chúng đã lầm ! Đồng Lộc không chỉ có các Anh hùng La Thị Tám ; Nguyễn Tri Ân ; Nguyễn Tiến Tuẫn... mà còn có 10 cô gái TNXP đã mãi mãi đi vào huyền thoại, vào trang sử vàng của dân tộc Việt Nam thời chống Mỹ...
Ngay sau ngày 10 cô gái tiểu đội 4 (A4) – đại đội 552 – P18 – Tổng đội TNXP Hà Tĩnh vào cõi bất tử, A4 cũ đã được bổ sung thêm quân số thành A4 mới thề trả thù cho người ngã xuống. Mộ 10 cô mới đầu được chôn cất sơ sài bằng đất ở Bãi Dịa gần Ngã ba Đồng Lộc. Sau đó, hài cốt các cô được đem về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thiên Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) quê hương của A trưởng Võ Thị Tần và đồng đội Võ Thị Hợi 20 tuổi. Năm 1990, di hài 10 cô lại được cải táng về chân núi Trộ Voi, gần Ngã Ba Đồng Lộc, cách hố bom xưa... Những đồng đội cũ của 10 cô (còn sống đến nay) còn nhớ trước lúc hy sinh, họ được nghe “chim sơn ca” nổi tiếng A4 ngay trên miệng hố bom đã cất cao bài hát quen thuộc “Cô gái mở đường”...
Nhà văn Bùi Thị Minh Huệ – trong “Trái tim Đồng Lộc” – tập ký do Hội VHNT Hà Tĩnh xuất bản năm 2005 đã ngợi ca : “... Mỗi cô gái mở đường, dẫn đường đều trở thành thiên thần hộ mệnh của những người lái xe mang theo những chuyến hàng về Nam đánh Mỹ...”. Còn nhà văn từng có mặt ở Đồng Lộc năm 1969 Nghiêm Văn Tân, đã gọi 10 cô TNXP Ngã Ba Đồng Lộc khi xưa là “...Mười Cô Tiên trẻ mãi. Thời gian càng lùi xa, các Cô càng linh thiêng hơn, thần thánh hơn, nhiều huyền thoại hơn. Các cô đã trở thành bất tử...” (Trích truyện ký “10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc” – NXB Phụ Nữ – Hà Nội – 2007)
Đinh Lê Yên (Việt Báo)