Femmes et guerres

Không thể áp đặt một khuôn mẫu nào cho phụ nữ

Phỏng vấn với Tiến sĩ Bùi Trân Phượng

Tạp chí Tia Sáng - 16/04/2009

Khi đề nghị một cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, tôi nêu mục đích “tìm một chân dung của người nữ trí thức Việt Nam ngày nay có tính hướng dẫn đối với thanh niên.” Tôi nghĩ ở vị trí hiện nay là hiệu trưởng của trường Đại học Hoa Sen, Tiến sĩ Phượng là một trong rất ít hiệu trưởng đại học Việt Nam là nữ, người thể hiện rõ ý thức bình đẳng giới trong quan điểm giáo dục ; đồng thời, là một trong rất ít sử gia Việt Nam là nữ, bà đã mang quan điểm nữ quyền tiên phong nghiên cứu lịch sử phụ nữ Việt Nam, với thành tựu là luận án tiến sĩ “Việt Nam 1918-1945, giới và hiện đại : sự xuất hiện những nhận thức và trải nghiệm mới” được đánh giá có “tính độc sáng và khai phá trong thực hiện nghiên cứu”, đặt một nền tảng quan trọng cho các ngành học thuật tương lai liên quan đến phụ nữ Việt Nam.

Bản luận án gây được chú ý trong cộng đồng nghiên cứu về Việt Nam hoặc về giới ở trên thế giới, cả trong những người nói viết tiếng Anh, mặc dù luận văn được viết bằng tiếng Pháp. Nhưng cuộc trò chuyện bắt đầu từ con đường đưa một cô gái nhút nhát trở thành một nữ trí thức.

PV : Thưa Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, quá trình học tập của bà có điều gì đặc biệt ?

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng : Hồi nhỏ tôi học giỏi, được coi là giỏi đặc biệt. Tôi học sớm 1 tuổi, nhưng không phải cố gắng gì nhiều, tôi vui thích trong việc học, chớ không thấy đứng nhất lớp là quan trọng. Hồi đó, thầy cô và phụ huynh theo xưa, nên không hay khen con trẻ trước mặt, sợ nó hư ; học trò không đi học thêm, sức học như thế nào thì thể hiện và được nhìn nhận như thế đó. Việc học của tôi thuận lợi chủ yếu vì tôi thích học. Chuyển từ tiểu học Việt qua trung học Pháp, rồi từ Việt Nam đi du học ở Pháp, mỗi lần thay đổi, tôi có gặp khó khăn, nhưng đều tự lực vượt qua khá dễ dàng, rồi lại có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều lần như vậy.

Bà bắt đầu đi học sớm hơn tuổi qui định, lấy bằng tiến sĩ ở tuổi quá năm mươi, việc học diễn ra gần suốt cả đời, có gập ghềnh, có gián đoạn chăng ? Vì sao ?

Suốt những năm học trung học Pháp ở Việt Nam rồi đại học ở Pháp tôi đều được học bổng. Cha tôi là nhà giáo, gia đình không thuộc loại giàu có. Việc học của tôi suôn sẻ và thành công cho tới năm 22 tuổi, khi tôi tốt nghiệp cử nhân giáo khoa lịch sử (hồi đó bằng cử nhân giáo khoa có nhiều ràng buộc hơn và “danh giá” hơn bằng cử nhân thường). Tôi quyết định bỏ học về tham gia hoạt động nội thành ; công tác trong ban Trí vận, nên vẫn đồng thời làm công việc chuyên môn là đi dạy học ở trường Marie Curie và thỉnh giảng ở Đại học Cần Thơ. Sau tháng 4 năm 1975, tôi về Khoa Sử Đại học Sư phạm TP. HCM. Theo thói quen, tôi tiếp tục nghiên cứu lịch sử. Nghiên cứu là do sở thích, không vì bằng cấp hay sự thăng tiến nghề nghiệp nào. Nhưng sự học của tôi gặp “trắc trở” hay rẽ sang bước ngoặt khác, đều là do “tánh tình” của tôi. Do những quyết định “không giống ai” của tôi. Cũng có khi thầy cô, bạn bè tiếc cho tôi, hay tìm cách ngăn cản. Nhưng rất thành thật mà nói, tôi cảm thấy mình không làm khác được. Người ngoài nhìn thì thấy như là “ma đưa lối, quỷ dẫn đường/lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Nhưng mỗi lần, tôi đều có cái gì đó thôi thúc bên trong, nên rất lâu về sau, nhìn lại quyết định mà người ta coi là “kỳ cục” của mình, tôi không thấy ân hận, mà chỉ thấy hơi mắc cười cho mình ; cảm giác hơi giống như “tái ông thất mã” vậy. Chẳng hạn, trong thời gian làm luận án tiến sĩ lịch sử ở một trường đại học Pháp (là chuyên môn gốc mà tôi say mê và tự tin mình không có khó khăn gì để hoàn thành tốt) ; tôi tạm ngưng một thời gian để đi học MBA bằng tiếng Anh, vào học chung với những người chẳng những thuộc chuyên ngành kinh tế, quản trị, mà còn có kinh nghiệm thực tế kinh doanh, lại thành thạo tiếng Anh trong khi tôi vốn quen dùng tiếng Pháp.

Kiến thức về quản trị, kinh doanh, và thông thạo cả Anh, Pháp ngữ hẳn nhiên có ích cho công việc của bà hiện nay là quản lý một trường đại học tư. Là phụ nữ có ảnh hưởng đến việc học hành , công tác của bà không ?

Hồi tôi còn học tiểu học, má tôi nói : “Sanh con ra, thấy là con gái, thì má biết con khổ rồi”. Tôi cười khì không hiểu ; vì tôi thấy mình vẫn được đi học, học giỏi, thầy cô thương, đâu có khổ cái gì đâu. Khi tôi hiểu được lời má nói, thì má tôi đã không còn. Tôi chỉ bị ràng buộc (do giới tính) kể từ khi lấy chồng, có con. Kể ra thì cũng đã hưởng “tự do” khá lâu rồi, vì tôi lập gia đình và có con rất trễ. Nhưng tôi tiếp tục học lên cao còn trễ hơn. Do những sự thay đổi trong hệ thống giáo dục Pháp sau 20 năm mà tôi không theo dõi được trong thời gian VN “đóng cửa”, nên khi quay lại, tôi tốn nhiều thì giờ hơn cần thiết để làm luận văn cao học rồi cao học chuyên sâu, mỗi lần cách nhau nhiều năm. Tôi đi làm, còn chồng thì đã nghỉ hưu từ lâu, nên tôi là trụ cột kinh tế của gia đình ; làm nghiên cứu chỉ là chuyện làm sau giờ làm việc trường, việc nhà. Cực thì không kể xiết, nhưng tôi không phiền. Vì mỗi lần tôi có dịp nghiên cứu sâu một đề tài mà mình thích.

Thách thức nhất, là khi tôi quyết định đi học MBA. Lúc đó con trai lớn tôi 14 tuổi, nhỏ mới 8 tuổi. Tôi hỏi ý kiến cháu lớn, câu trả lời của cháu làm tôi giật mình : “Mẹ muốn học thì học, con không sao, con chỉ hơi tội nghiệp em”. Mà tội nghiệp thiệt. Vì trách nhiệm quản lý đã là gánh nặng, lại thêm tất cả các buổi tối đi học tới 2 giờ, trong suốt hơn 2 năm (bao gồm lớp Pre-MBA). Học theo kiểu ngoại quốc là nhiều sách phải đọc, nhiều dự án, bài tập nhóm, v.v… Chồng, con thay nhau bệnh (chắc chắn thời gian đó họ không được chăm sóc tốt bằng trước khi tôi đi học, vì tôi phải giao khoán nhiều thứ cho người giúp việc), chỉ có tôi là không có quyền bệnh. Tôi hiểu sâu sắc lời má tôi nhiều chục năm về trước…

Việc bà quyết định từ Pháp về nước hoạt động cách mạng trong khi đất nước đang có chiến tranh ác liệt là do đâu và bà có trăn trở nhiều về chuyện đó không ?

Tôi tham gia hoạt động cách mạng giống như nhiều bạn bè cùng thế hệ, cả nam lẫn nữ. Lúc đó, cả nhiều thế hệ, lớn hơn, bằng trang lứa hay nhỏ hơn tôi chút đỉnh, đều tham gia, không phân biệt trai hay gái, bạn bè Pháp mà còn tham gia chống Mỹ, ủng hộ VN. Lúc đó, giới tính không ảnh hưởng gì đến những quyết định của tôi.

Bà quan tâm đến nữ quyền từ bao giờ ?

Từ năm 1992, cùng lúc với việc tôi bắt đầu làm ở trường Hoa Sen, chị Thái Thị Ngọc Dư mở ra Khoa Phụ nữ học ở Đại học Mở và nhờ tôi dạy về lịch sử phụ nữ. Bắt tay vào chuẩn bị bài giảng mới thấy thực trạng nghiên cứu không có gì. Vậy là, theo thói quen của người làm khoa học, lại cặm cụi tự nghiên cứu để có cái mà dạy. Tôi “bén duyên” với phụ nữ, giới và nữ quyền từ những năm tháng đó.

Bà Giáo sư Francoise Thébaud, người hướng dẫn luận án tiến sĩ Lịch sử của bà với nhan đề : “Việt Nam 1918-1945, giới và hiện đại : sự xuất hiện những nhận thức và trải nghiệm mới”, đã nhận xét : “đề tài đầy tham vọng, có tính khai phá và rất rộng. (…) : thông qua văn hóa phẩm, mô tả và tường thuật các quan hệ về giới và sự tiến hóa của chúng vào nửa đầu thế kỷ XX ; thời kỳ này tất nhiên còn dấu ấn của các giá trị nho giáo nhưng cũng có một văn hóa Đông Nam Á có tính bình đẳng hơn (trong quan hệ giới) và có ý chí hiện đại hóa do tiếp xúc với thế giới bên ngoài và do khát vọng độc lập.(…) Đây là một khảo sát hoàn toàn tiên phong về các nữ trí thức và nhà hoạt động nữ quyền của Việt Nam.(…) Thực hiện cùng lúc hai dự án lịch sử phụ nữ và lịch sử giới, trình tự các vấn đề đã xuất hiện một cách hợp lý và nhất quán : phần một tái hiện bối cảnh một Việt Nam đang chuyển động ; phần hai khảo sát các hình ảnh phụ nữ và giới được biểu đạt trong văn học và thi ca, và các biểu tượng của sự phản kháng ; phần ba thử xác định dáng dấp của một phong trào nữ quyền Việt Nam. (…) Một trong những đóng góp lớn của luận án của bà Bùi Trân Phượng là đã cho thấy một làn sóng nữ quyền thứ nhất của Việt Nam, làm rõ những đặc điểm của nó (…) và vạch ra những hướng nghiên cứu tương lai.” Được đánh giá “Tối ưu, với lời khen ngợi” công trình nghiên cứu này đến nay đã xuất bản ở Việt Nam chưa ?

Tôi đang dịch luận văn này sang tiếng Việt, một công việc cần nhiều thời gian không kém khi viết, mà tôi chỉ có thể dành một ít thì giờ cho việc này, bên cạnh công việc ở trường. Ít khi nào tôi rời phòng làm việc trước 7 giờ chiều. Nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn tất công việc dịch và chỉnh sửa để đưa tri thức này đến với công chúng Việt Nam. (Luận văn ban đầu được viết cho đối tượng là học giả Pháp).

Công việc lãnh đạo một học viện đối với bà có quá sức, quá bận, quá đòi hỏi, quá phức tạp, hay ngược lại ? Yếu tố giới tính có chi phối công việc này không ?

Bận thì có, quá “những cái khác” thì không. Nhưng tất nhiên không phải là “ngược lại”, nghĩa là không thể “dễ dàng, đơn giản, rảnh rang” ! Làm lãnh đạo hay không thì lúc nào tôi cũng bận, nghĩa là có việc gì đó để làm ; nhưng thường thì tôi tìm thấy niềm vui trong nhiều việc mình làm, nên nói là “làm việc” cũng đúng, mà nói đang “hưởng thụ, thưởng thức” cuộc sống cũng không phải sai. Ví dụ, đọc sách đối với tôi là nhu cầu (như đói ăn, khát uống), là thói quen, là thú vui, là công việc… Tìm giải pháp cho nhiều bài toán quản lý, trực tiếp đứng lớp dạy sinh viên, hay lặng lẽ một mình trong thư viện, nghiền ngẫm sách báo xuất bản từ cách đây nhiều chục năm, đối chiếu, phân tích tư liệu, tìm dữ kiện, kiến giải mới…, đối với tôi đều vừa là công việc vừa là hạnh phúc. Yếu tố giới tính chỉ duy nhất ở một chỗ : làm đàn bà thì luôn thấy thiếu thời gian để làm những việc mình yêu thích. Cũng có thể tại mình yêu thích nhiều việc khác nhau, nhưng tôi coi đó là điều may mắn của mình. Lỡ thất bại việc này thì tìm niềm vui trong việc khác.

Nhân ngày quốc tế phụ nữ (8/3/2009) vừa qua, trong một cuộc tọa đàm ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở TP. HCM, bà tỏ ra không đồng tình lắm với cách tiếp cận giả định là có một “chân dung” lý tưởng nào đó mà “các nhà giáo dục” mong muốn mọi phụ nữ VN đều đạt đến. Xin bà nói rõ thêm quan điểm của bà ?

Tôi cho rằng tư duy giáo dục cần phải đoạn tuyệt với cách tiếp cận “đào tạo con người XHCN” hiểu một cách cứng nhắc và thô thiển. Giáo dục có tính nhân bản giúp mỗi người phát hiện ra những năng lực và tiềm năng của chính mình và phát triển bản thân theo chọn lựa và ý chí của cá nhân mình. Riêng đối với nữ giới, vì các mô hình xã hội mà chúng ta biết (ngoại trừ các xã hội mẫu hệ thường bị hiểu lầm là “bán khai” hay chí ít là kỳ lạ, exotic) đều là xã hội phụ quyền, bất bình đẳng về giới, nên cái gọi là “chuẩn mực” xã hội thường đều mang tính áp bức nữ giới. Làm sao người phụ nữ hiểu biết (có tri thức và có quan điểm bảo vệ phụ nữ) có thể tham gia rao giảng để duy trì chuẩn mực áp bức đó cho được, hoặc để xác lập những chuẩn mực áp bức khác ? Nhưng không phải bây giờ mà tự ngàn xưa, bên cạnh “chuẩn mực” của “hệ tư tưởng thống trị” (mà Nho giáo đã được nhận định đúng là một hệ tư tưởng thống trị như vậy, vào loại bất lợi cho nữ giới nhất), các cộng đồng dân cư đều có những hình mẫu, những giá trị khác, ít nhiều phản bác sự thống trị kia, được chuyển tải qua ca dao, qua folk­lore nói chung, qua văn học nghệ thuật, v.v… Vậy thì, “chân dung” nên được hiểu là bức vẽ truyền thần những con người có thật (hoặc hình tượng văn học, nghệ thuật về những con người có thật), chứ không nên đồng nhất với “chuẩn mực”. Cách diễn đạt “Đi tìm chân dung” có thể chấp nhận được, nếu hiểu là chúng ta đi tìm xem người phụ nữ (có thật) hồi xưa thế nào, và nay thế nào ; chứ không nên hiểu là “chuẩn mực” hồi xưa thế nào, và bây giờ chúng ta có thể đồng thuận về một “lý tưởng” thế nào. Tôi cũng không tán thành lý tưởng nhất thiết phải là “sự giao thoa” giữa mới và cũ. Vả chăng, có 1001 cách giao thoa, sao có thể áp đặt cách giao thoa nào là “chuẩn mực” hay “được số đông đồng tình” ? Và được số đông đồng tình, đã hẳn là đúng chưa, trong một xã hội vốn dĩ bất bình đẳng giới ? Tóm lại, nên hiểu “đi tìm” là một quá trình tra vấn, lắng nghe, trao đổi, tranh luận, mà không có kết luận mang tính ít nhiều áp đặt, dù chỉ là “gợi ý”.

Bà đã được giới thiệu trong buổi tọa đàm như một phụ nữ thành đạt, một khuôn mẫu cho nữ thanh niên noi theo. Bà cảm thấy thế nào ?

Tôi chỉ đồng ý xuất hiện với tư cách là nhà sử học đã có quá trình 20 năm nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử, văn hóa VN, về lịch sử phụ nữ VN, với tư cách nhà nghiên cứu (không dám nhận là chuyên gia). Tôi không đồng ý xuất hiện với tư cách phụ nữ “thành đạt”, “tiêu biểu” cho sự “kết hợp hài hòa các giá trị xưa-nay” hay bất cứ giá trị nào khác để “làm khuôn mẫu” cho phụ nữ, cho nữ thanh niên lại càng không được. Nữ thanh niên ngày nay sống trong thời đại khác thời tôi đã từng là nữ thanh niên. Họ phải giàu tri thức hơn, được tự do hơn, phải đi xa hơn và làm được nhiều hơn tôi gấp bội thì xã hội mới được coi là có tiến bộ, sao họ phải ráng bắt chước cái được gọi là phụ nữ tiêu biểu thuộc thế hệ trước làm gì ? Bản thân tôi không tự thấy mình là sự kết hợp hài hòa “các giá trị xưa-nay”, mà cũng không coi sự kết hợp hài hòa đó là lý tưởng vươn tới cho chính mình hay cho phụ nữ khác.

Những phẩm chất nào bà cho là cần có để xác định một trí thức ?

Tư duy độc lập, biết dùng cái đầu của mình để tìm hiểu, học hỏi, suy nghĩ, sáng tạo. Và có bản lĩnh người trí thức trong hành động, trong cuộc sống nói chung ; bản lĩnh là sống như mình nghĩ là phải sống, làm những điều mình hiểu là phải làm, không khuất phục cái gì khác hơn là lẽ phải, sự thật và lòng yêu thương, tôn trọng con người. Trí thức đúng nghĩa cũng là người khoan dung, chấp nhận những quan điểm khác biệt, vì càng học nhiều càng thấy biển học bao la và chân lý là quá trình tìm kiếm không có chỗ dừng. Nhưng trí thức cũng phải là người hữu dụng ; trước hết nuôi được bản thân mình và góp phần nuôi gia đình ; rồi phát triển khoa học, phục vụ cộng đồng, vì nếu không thì… “sách vở ích gì cho buổi ấy ?” Nhà nho sống trong thời Nho học suy tàn, nước mất dân nô lệ, mà còn biết xấu hổ như ông Nguyễn Khuyến, huống chi bây giờ, có nhiều điều kiện hơn, nhu cầu giúp ích xã hội cũng bức xúc hơn.

Bà nhận định về giới trí thức như thế nào ?

Tôi thấy có sự cảm thông, hỗ trợ nhiều hơn ; liên kết thì khó hơn một chút, nhưng giữa những người trí thức với nhau cũng dễ hơn. Trình độ trí thức có thể xóa nhòa rất nhiều cách biệt : quốc tịch, giới tính, kể cả giữa “quan” và “dân”, hay tuổi tác (hồi còn trẻ, tôi được những vị thầy lớn tuổi hơn mình nhiều coi là “bạn vong niên” ; bây giờ tôi cũng có nhiều bạn thân là đồng nghiệp lớn tuổi hơn hoặc trẻ hơn mình nhiều) ; khác biệt chuyên môn cũng không là rào cản, vì ranh giới giữa các lãnh vực học thuật mờ dần đi khi người ta học, hiểu nhiều hơn. Tất nhiên, đó là nói về những người trí thức đúng nghĩa, những người không ngừng học hỏi và suy nghĩ.

Cám ơn bà đã dành thì giờ quí báu cho buổi phỏng vấn này. Lý Lan (thực hiện)

Nguồn : http://www.tia­sang.com.vn/Default.a...

Chuẩn nào cho người phụ nữ hiện đại ?

Chủ nhật, 08/03/2009

Người phụ nữ hiện đại cần xây dựng chân dung của mình theo chuẩn nào ? Đây là nội dung buổi toạ đàm « Chân dung phụ nữ hiện đại » được tổ chức mới đây tại TPHCM.

Ngập ngừng cũ-mới

Nhiều bạn trẻ băn khoăn, trong nhịp sống hiện đại, người ta sống tốc độ hơn, thể hiện cá tính mạnh mẽ hơn, tự do và tự tin hơn, hướng đến giá trị bản thân cũng nhiều hơn, liệu những giá trị cũ mang tính « trói buộc » như « tam tòng », « tứ đức » có còn phù hợp ?

TS Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ : « Văn hóa, quy định đạo đức cũ có cái hay, nhưng có cái không còn phù hợp. Đơn cử, chữ »ngôn« trong »tứ đức« ngày trước quy định người phụ nữ ăn nói nhẹ nhàng, thưa gửi cẩn thận và đặc biệt là kiệm lời, »cung kính không bằng tuân lệnh« . Nhưng liệu thời nay, một phụ nữ ăn nói rụt rè, e thẹn có còn phù hợp ? Bốn chữ »công-dung-ngôn-hạnh« vẫn còn nguyên giá trị, nhưng việc áp dụng phải linh động, uyển chuyển. Phải làm sao để chừng mực mà vẫn năng động, vâng lời nhưng phải có tinh thần phản biện, khiêm nhường nhưng vẫn thể hiện được cá tính bản thân ».

Bạn Trần Thanh Mai (Khoa Xã hội học-ĐH KHXH&NV) trăn trở : « Quan niệm truyền thống là »Cái nết đánh chết cái đẹp« , nhưng bây giờ hình như »Cái đẹp đang đè bẹp cái nết« , vì những cô gái có ngoại hình thường được quan tâm, săn đón và dĩ nhiên họ cũng dễ thành công hơn ». Thật bất ngờ khi cả bốn vị chủ tọa tọa đàm đều đồng ý rằng, quan niệm « Cái nết đánh chết cái đẹp »... không còn phù hợp.

Họa sĩ Sỹ Hoàng dí dỏm : « Thực ra, tôi rất »ghét« câu này. Cái đẹp có tội tình gì đâu mà cứ bị cái nết đánh cho chết ? Tuy câu nói này chỉ mang hàm ý cái nết quan trọng hơn cái đẹp, nhưng dễ làm người ta bị mất »thiện cảm« với cái đẹp. Một người phụ nữ hiện đại nên chú trọng cả hai yếu tố : vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp hình thức. Nếu chị em nào may mắn có lợi thế về ngoại hình thì cần ý thức hơn trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, chị em nào đã bồi đắp được nết na, cũng không nên bỏ qua việc chăm chút bề ngoài. »Tốt gỗ hơn tốt nước sơn« , nhưng nếu cả hai cùng tốt thì càng hoàn thiện ».

Diễn viên Hồng Ánh đồng tình : « Dường như ngày nay, người ta quan tâm đến hình thức trước, sau đó từ từ mới »cảm« vẻ đẹp tâm hồn. Tôi ủng hộ việc các bạn gái trẻ làm đẹp, làm điệu để »bắt mắt« người xung quanh. Mình thu hút được về hình thức, thì mới có cơ hội cho người đứng lại gần bên, để tiếp tục chinh phục họ bằng tâm hồn ».

Doanh nhân Kim Phượng tiếp lời : « Các bạn trẻ đừng hiểu nhầm rằng ngoại hình đẹp là chiều cao, màu da, nét chuẩn. Hầu như không ai hài lòng hoàn toàn về ngoại hình của mình, nhưng những người tự tin với ngoại hình của mình lại toát lên vẻ đẹp hiện đại. Ngoài ra, sức khỏe cũng là một trong những yếu tố giúp người phụ nữ hiện đại đẹp hơn. Xu hướng làm đẹp trên thế giới hiện nay cũng là hướng đến sự khỏe khoắn ».

Không ít bạn trẻ cho rằng, các giá trị mới quá hấp dẫn so với giá trị truyền thống. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn bị văn hóa hiện đại cuốn theo, bỏ rơi những chuẩn mực cũ. TS Trân Phượng lưu ý : « Phải »gạn đục khơi trong« vì không thể »đổ thau nước mà đổ luôn em bé”. Đơn cử như câu « ăn xem nồi, ngồi xem hướng », ai dám bảo câu này không còn có ích cho người trẻ ? Một phụ nữ xinh đẹp, hiện đại mà không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản này thì... nguy !".

Có thể « 2 trong 1 » ?

Vấn đề được bàn luận sôi nổi nhất là « Thời hiện đại, có chăng người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà ? ». Các bạn trẻ đều đồng tình : nếu được như vậy thì tuyệt vời, nhưng... khó quá. Nữ doanh nhân Kim Phượng được đặt câu hỏi trực tiếp : « Người ta thường nói phụ nữ mà thành đạt ngoài xã hội thì khó giữ được gia đình, có đúng hay không ? ». Bà Phượng bộc bạch : « Tình trạng đó rất phổ biến. Có không ít chị em thành công vang dội ngoài xã hội nhưng lạnh lẽo, cô độc ở chính căn nhà của mình. Và không ít người phụ nữ thành đạt lại phải vò võ nuôi con một mình. Tại sao ? Người ta thường nói »sau thành công của một người đàn ông có bóng dáng người phụ nữ« , nhưng rất hiếm chuyện »sau thành công của một người phụ nữ có bóng dáng người đàn ông« , bởi đàn ông ít khi chịu làm »bóng« của vợ. Vậy là người vợ thành đạt gặp nhiều »nguy hiểm« hơn. Thời nay, phụ nữ không còn an phận với vai trò nội trợ, Họ có quyền phấn đấu và có quyền mơ ước về sự thành đạt bên ngoài xã hội. Tuy nhiên, các bạn cũng cần lưu ý rằng, sau thành công của người phụ nữ là gia đình. Vì vậy, đừng bao giờ đẩy mình vào thế phải đánh đổi gia đình để lấy sự nghiệp ».

Diễn viên Hồng Ánh chia sẻ một bài học kinh nghiệm của chính bản thân : « Tôi cũng từng trải qua tuổi trẻ, cũng từng »háu đá”, muốn thể hiện mình thật nhiều. Thế nhưng, bây giờ nghiệm ra rằng, người trẻ không nên quá vội tìm kiếm sự thành đạt. Một người trẻ học hết sức, chơi hết mình để tạo được nền tảng học vấn, kỹ năng nghề nghiệp thật vững, rồi sau đó bắt đầu tìm kiếm công danh cũng chưa muộn. Cứ từ từ và chín chắn trong mọi thứ ".

Ngày nay, những bậc thang giá trị của người phụ nữ đã thay đổi rất nhiều, và các bạn trẻ cũng cần xác định nên vươn đến giá trị nào cho phù hợp. TS Trân Phượng cho rằng : « Trước đây, giá trị của phụ nữ là hy sinh hết lòng cho chồng con, gia đình. Ngày nay, phụ nữ đã biết sống cho bản thân nhiều hơn, thể hiện được vai trò ngoài xã hội nhiều hơn. Chính vì thế mà ngay từ bây giờ, các bạn gái cần tính toán kế hoạch sắp xếp thời gian phù hợp, khoa học để đạt kết quả tốt trong cuộc đua hướng đến »2 trong 1".

TS Ngô Kiều Nhi (Trưởng phòng thí nghiệm cơ học ứng dụng-Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) - một vị khách mời đặc biệt của chương trình đúc kết : « Khó có thể khái quát đầy đủ các chuẩn mực mới cho người phụ nữ hiện đại. Thế nhưng theo tôi, có hai vấn đề mà bạn trẻ cần lưu tâm : Phải biết kế thừa giá trị văn hóa truyền thống, chọn lọc những giá trị lành mạnh trong cuộc sống hiện đại ; thời đại ngày nay là thời đại kinh tế tri thức nên người phụ nữ phải phấn đấu hết sức để học tập thật tốt. Có tri thức để làm việc, để sống tốt hơn với cộng đồng và để khẳng định được giá trị của bản thân ».

Theo Báo Phụ nữ TPHCM

Nguồn : http://gia­dinh.net.vn/2009030710051...