Femmes et guerres

29 năm mất tích của Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông

Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông năm 1967 © Tien Phong

TP - 22/10/2012 - Cứ ngỡ những chiến công những mất mát của 13 Liệt sĩ Truông Bồn thời máu lửa đã được công luận hậu thế lần lượt kê biên tạm đủ ? Nhưng cận ngày kỷ niệm 44 năm trận đánh đau thương ấy, những ngày này về Truông Bồn, thi thoảng lại phát lộ những tầng vỉa hồi ức rưng rưng...

Kỳ I : 29 năm mất tích của tiểu đội trưởng Trần Thị Thông

Khỏi nhắc lại sự kiện Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 Trần Thị Thông của C317 Thanh niên xung phong thoát chết hy hữu trong trận oanh tạc của máy bay Mỹ sáng ngày 31-10-1968.

Hiếm bởi lực lượng đào bới đã đào kịp thời và phát hiện ra cái đầu ruồi nòng súng K44 của chị Thông chợt ló ra... Nhưng Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông vĩnh viễn mất cả 12 chiến sĩ trong tiểu đội TNXP của mình trong buổi sáng mùa đông định mệnh !

Thoát chết. Nhưng có lẽ bắt đầu từ buổi sáng mùa đông cuối năm 1968 ấy, Trần Thị Thông đã... mất tích !

Những khúc rú lở loét toạc toang màu đất chết chóc của trọng điểm giao thông ác liệt của Truông Bồn ngày ấy dần dà liền lại màu xanh sự sống...

Những năm tháng đạn bom rồi yên hàn hòa bình kế tiếp, người ta không biết người tiểu đội trưởng ấy đang ở đâu ?

...Sự mất mát hy sinh nào chả trân quý ! Tấm gương nghĩa liệt của các cô gái Tiểu đội 2 C317 Truông Bồn dường như đã khiến hậu thế giật mình bởi tấm gương ấy kém chi 10 liệt nữ ở Ngã Ba Đồng Lộc ? Khoảng năm 1997, với tinh thần dẫu muộn còn hơn không, một quyết định từ trên xuống là khẩn trương làm các thủ tục cần thiết để truy tặng tập thể tiểu đội thép ở trọng điểm Truông Bồn danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Mọi thủ tục được tiến hành nhanh chóng. Tất nhiên không thể thiếu được một bộ phim tài liệu về những chiến sĩ TNXP của Tiểu đội thép Truông Bồn. Không chỉ có phim. Một số bài báo thời điểm ấy cũng với nội dung tương tự.

Phim được phát hành rộng rãi. Nhưng đùng cái, có ý kiến phản ánh đến các cơ quan có trách nhiệm rằng trong bộ phim Tài liệu phóng sự ấy có 2 nhân vật không phải là người của Tiểu đội 2 C317 ! Và quan trọng hơn, nhân vật chính dẫn chuyện trong phim, xưng là tiểu đội phó tiểu đội 2 không phải là chị Trần Thị Thông !

Tác giả của những ý kiến phản ánh đó, không phải là người của tiểu đội 2 bởi 13 người (như mọi người đều biết, trong tiểu đội chỉ có 1 nam và 12 nữ.

Nam là anh Cao Ngọc Hòa của C317 chuẩn bị xuất ngũ, trong khi chờ đợi làm thủ tục, Đại đội tạm thời cử anh về bổ sung cho Tiểu đội 2) thì cả 13 người đã hy sinh thì lấy đâu ra ý kiến ? Những ý kiến phản ánh ấy là của một số anh chị em TNXP ở các tiểu đội khác của C317 và nhiều người đã trực tiếp chứng kiến thời điểm 12 chị em và anh Hòa hy sinh ! Không có ý kiến nào của chị Thông Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2.

Bởi đến thời điểm ấy, người ta vẫn không biết tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 Trần Thị Thông, còn hay đã mất ? Nếu còn sống thì đang ở đâu ?

Những ý kiến phản ánh ấy đã đến tay một số nhà báo. Trong đó có nhà báo Nguyễn Giao Hưởng, PV Báo Lao Động thường trú ở Vinh.

Giao Hưởng đã âm thầm vào cuộc. Có lẽ anh đã gặp may khi có được một bản báo cáo tóm tắt thành tích đề nghị truy tặng danh hiệu AHLLVT cho 15 LS Truông Bồn thuộc Đại đội 304 và 317 thuộc Tổng Đội TNXP Nghệ An.

Báo cáo đánh máy, không ghi ngày tháng, có dấu đỏ kèm chữ ký. Đứng đầu danh sách báo cáo là liệt sỹ (LS) Trần Thị Doãn sinh năm 1948 quê xã Sơn Thành huyện Yên Thành là Tiểu đội trưởng A 2. Người thứ 2 còn sống là đồng chí T. Tiểu đội phó Tiểu đội 2. Đáng chú ý là người thứ 15 được bổ sung bằng chữ viết tay hiện còn sống là chị Trần Thị Thông quê Thọ Thành, Yên Thành !

Nhờ những lần gặp gỡ 2 nhân chứng còn sống và làm việc với những cơ quan có trách nhiệm mà nhà báo Giao Hưởng đã lần tìm được cốt lõi câu chuyện cũng như uẩn khúc của vấn đề.

Chuyện cũng đơn giản. Hóa ra duyên do cũng là bệnh... thành tích mà ra... Một đồng chí trong Ban lãnh đạo Tổng Đội TNXP từng qua trận mạc khi ấy đã dàn xếp và thỏa thuận đơn giản thế này.

Ta không nên tự ti hẹp hòi. Chúng mình mang được gáo (đầu) về cho vợ con là may rồi. Bây giờ đang làm thủ tục sang tên đơn vị Truông Bồn. C304 có 12 cô gái làm cọc tiêu sống. C17 có tập thể liệt sĩ hy sinh. Ta gắn 2 sự kiện với nhau để làm mô hình cho tỉnh.

Nghĩ sao làm vậy. Khi ấy người ta đã hồn nhiên điều và gắn chị P. (mất vì bệnh sốt rét) và chị T. của một đại đội khác (C304) hiện còn sống (nhân vật dẫn chuyện trong bộ phim nọ) vào Tiểu đội 2 của Truông Bồn ! (Tìm hiểu kỹ, nhà báo Giao Hưởng xót xa lẫn áy náy.

Chị T. vốn là một nữ TNXP nhiều năm đã từng vào chết ra sống lập nhiều thành tích ở các trọng điểm ác liệt của Khu Tư trong đó có Truông Bồn.

Có lẽ các đồng chí phụ trách nghĩ đến những đóng góp của chị T. nên mong muốn bù đắp lại những thiệt thòi mất mát ấy mà hồn nhiên làm cái việc lắp ghép ấy chăng ?).

Sự thật chỉ có một. Không có việc 13 LS Truông Bồn hy sinh thuộc nhiều tiểu đội. Tiểu đội 2 thuộc C317 do chị Thông là tiểu đội trưởng. Chị đã thoát chết may mắn trong trận 13 người trong tiểu đội hy sinh ở Truông Bồn ngày 31-10-1968.

Bài báo Ngược Truông Bồn của Giao Hưởng năm 1997 đã góp phần quyết định việc sắp xếp lại trật tự bị nhiễu. Và đến thời điểm ấy, sau 29 năm gần như biệt vô âm tín, người ta mới thấy cô tiểu đội trưởng A 2 của C317 Tổng đội TNXP Nghệ An Trần Thị Thông tái xuất !

Theo chân nhà báo Giao Hưởng, chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Thông ở phường Đông Vinh Thành phố Vinh. Căn nhà cao ráo như chung với một nhà thờ họ ? Thì ra ông chồng họ Lê, nhà thờ họ Lê kế bên. Sàn gạch sạch bong.

Tấm ảnh cô TNXP Trần Thị Thông đội mũ lưới ngụy trang tươi cười ở lưng chừng cột nhà dường như có chi tương phản với một bà chủ nhà mảnh dẻ khuôn mặt đã đầy những nếp nhăn.

Cánh ký giả mau mồm gạ lắm chuyện... Bà Thông hướng cái cười về nhà báo Giao Hưởng có chuyện chi thì hỏi ông ni...

Bà Thông rủ rỉ kể thêm từ khi thành lập Tổng Đội, bà đã là tiểu đội trưởng tiểu đội 2 và chị Trần Thị Doãn là tiểu đội phó. Bà nhắc vanh vách tên họ 6 tiểu đội trưởng của C317. Riêng Tiểu đội 6 toàn nam. Tiểu đội trưởng là Nguyễn Bích Cới.

Giọng bà Thông rành rẽ

Sáng 31-10-1968 trực ban thổi còi báo thức đi làm. Đến hiện trường được khoảng 10 phút máy bay rào rào.

Tôi, anh Hòa, o Vinh xuống chung một hầm, nghe Vinh khóc, tôi định nói với nó : Giờ ta chịu chết chứ không kêu được ai đâu, liền đó hoa mắt không biết gì nữa.

Sau này nghe các đồng chí nói lại : Dân quân địa phương đào sẵn 14 huyệt trên đồi vì không hy vọng ai sống sót. Nhờ cái đầu ruồi nòng súng của mày nhô lên mặt đất, lắc lắc nòng súng nghe rên rỉ dưới đất.

Bộ đội công binh đang rà phá bom lại giúp sức, đào thấy nửa cái cổ, không nghĩ là mày mà ngờ là con Hoài, sau đó đưa anh Hòa, o Vinh lên thì cả 2 đã chết.

Riêng Doãn, Bốn, Phúc, Đang nằm chung một hầm bị chết cả rồi, nhờ máy xúc tìm được 4 chị em, còn nữa đều mất tích.

Đơn vị đưa tôi về trường học của xã. Hồi đó các đơn vị bộ đội đi B qua đây thường nghỉ chân để lấy sức hành quân.

Bác Thởm chủ nhà nói với các anh bộ đội là còn nước còn tát. Tiểu đội O ni chết cả rồi đơn vị cũng tan tác. Nhờ các anh cứu lấy mạng sống cho em nó…

Tôi tỉnh lại thấy mình được truyền một lọ nước trăng trắng. Các anh bộ đội nói : “Sang đây từ 6 giờ, em không biết gì hết. Đã 3 giờ chiều, các anh không thể dừng lâu”.

Rồi họ để lại 2 hộp thuốc hình dáng dài dài. (Động thái cuối cùng trước khi viết bài báo Ngược Truông Bồn- ngược là tìm chiều thuận sự thật về việc hy sinh của tiểu đội 2 TNXP ở Truông Bồn- Giao Hưởng đã dẫn chị Thông đến nhà mẹ Thởm ở thôn Mỹ Thái xã Mỹ Sơn huyện Đô Lương. Nhà mẹ Thởm là nơi đóng quân của tiểu đội trưởng Thông, Vinh và Hòa của A2).

Sau khi thoát chết ở Truông Bồn tôi trở về quê. Năm 1969 được đi học lớp cắt may. Năm 1970 thì mần bạn với ông nhà tôi đây...

Ông nhà tôi đã đứng tuổi nhưng vóc đậm, khỏe. Ông Diên, Lê Văn Diên quê ở phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh, đi bộ đội năm 1963, thoát chết ở nhiều chiến trường, phục viên năm 1973.

Lúc chia tay, vẫn chất giọng mau mắn nhưng ngùi ngùi, bà nói là cứ buồn cười bữa coi tivi bà con trong xóm ni chất vấn diễn lại cảnh Truông Bồn răng không có mi hả Thông ? Tôi nghĩ có hay không chả thành vấn đề chi ! Sống được với con cháu đến lúc ni là may mắn lắm rồi.

Nhưng không mần thì thôi mần lại phải cho đúng. Cùng làm cùng ăn cùng ở cùng chịu hòn tên mũi đạn như nhau và cùng thịt nát xương tan, người được người không tội lắm...

Vội nên tôi cũng chưa kịp hỏi nhà báo Giao Hưởng rằng tại sao sự việc đã sáng tỏ từ năm 1997 mà mãi năm 2008, thủ tục vinh danh tập thể Anh hùng LLVT cho tiểu đội O Thông mới thực hiện ?

Kỳ 2 : Nhân chứng ngày tang thương

Xuân Ba

Đón xem chương trình “Truông Bồn, huyền thoại và tri ân”

Kỷ niệm 44 năm ngày hi sinh của các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn (31-10-1968-31-10-2012), nhân dịp khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn, được sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Nghệ An và Đài Truyền hình Việt Nam, các đơn vị UBND tỉnh Nghệ An, Báo Tiền Phong, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Truông Bồn Huyền thoại và Tri ân. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h, ngày 27-10-2012, trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Trân trọng mời bạn đọc đón xem.

Nguồn : http://www.tien­phong.vn/xa-hoi/phon...

Hương khói Truông Bồn (Kỳ II) : Nhân chứng ngày tang thương

TP - 23/10/2012 - Ngược về Yên Thành, huyện nghèo Nghệ An là quê của 9 liệt sỹ hy sinh ở Truông Bồn. Trên xe có ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An và tất nhiên không thể thiếu nhà báo Giao Hưởng. Ông Kỳ cho hay, chúng ta sắp sửa được chứng kiến một cuốn nhật ký chiến tranh khá là độc đáo...

Người đang giữ bảo vật ấy là ông Nguyễn Tâm Cớn, nguyên Tiểu đội trưởng tiểu đội 6 C317 chuyên rà phá bom nổ chậm từng được TNXP Nghệ An mệnh danh là “khắc tinh” của các loại bom nổ chậm.

Trong 10 tháng đầu năm 1968 tại Truông Bồn, ông cùng đồng đội tháo gỡ, phá hủy gần 400 quả bom các loại.

Tôi buột miệng khen ông ngó trẻ hơn cái tuổi trên 70, ông Cớn cười chả phải đi chùa mô cả mà mãi sau này tôi mới hiểu. Rằng ông cứ đi làm đi lo việc thiện như thế này người thư thái sảng khoái, tật bệnh bay biến hết !

Một trong những việc thiện ấy là dạo Nhà nước chuẩn bị tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND cho tập thể Tiểu đội 2 TNXP Đại đội 317, với tư cách Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Yên Thành, ông Cớn đã phải nhiều lần vất vả sưu tầm tư liệu.

Chuyện ông Cớn tìm được một bọc ni lông di vật của liệt sĩ Hoàng Thị Nhung từ người anh trai là ông Hoàng Thanh Vận, thôn Đồng Sum (xóm 11) xã Lăng Thành có lắm tình tiết ly kỳ. Chuyện xin được nói vào dịp khác...

Qua ông Cớn, nhà báo Giao Hưởng cũng được tiếp cận với bọc ni lông nọ. Coi xét kỹ càng những di vật của liệt sĩ trong đó, Giao Hưởng nói lại, ông rất bàng hoàng bởi tài liệu là hiện vật gốc liên quan đến 13 liệt sĩ TNXP Truông Bồn.

Ngay hồ sơ của 10 liệt sĩ Ngã Ba Đồng Lộc hiện trưng bày tại Khu Di tích lịch sử, thì bộ tài liệu hồ sơ gốc của chị Nhung đây là đầy đủ nhất.

Ngoài Bản sơ lược lý lịch và Bản tự nhận xét, chọn cử cán bộ đi học Trung học chuyên nghiệp lập ngày 3-10-1968 do ông Phùng Mỹ Tho thay mặt UBHC xã Phú Thành ký xác nhận ngày 9-10-1968 (khi hy sinh, chị Nhung vẫn cất giấy báo đi học trong túi) còn có Bản Sơ lược lý lịch và Phiếu thẩm tra lý lịch của chị Hoàng Thị Nhung.

Gửi kèm trong di vật còn có Sơ đồ Liệt sĩ bị mất tích và Biên bản kiểm kê tư trang của đồng chí Hoàng Thị Nhung. Tất cả đều được ghi ngày lập biên bản là 21-10-1968, thời điểm tìm thấy thi hài liệt sĩ bị bom vùi.

Tôi chú ý đến một bản photo mà ông Cớn cũng như Giao Hưởng nói là được sao lại từ 4 trang giấy pơluya đã nhàu nát có tiêu đề Biên bản xác nhận và báo cáo về tai nạn chiến tranh làm chết người do máy bay Mỹ oanh tạc ngày 31-10-1968 được lập ngày 4-11-1968.

Xin trích :

Những người trực tiếp lập biên bản gồm :

1/ Ông Hồ Thanh Cát, đại diện Đảng ủy ngành GTVT Nghệ An. 2/ Ông Lê Thân, đại diện Ban chỉ huy TNXP Nghệ An. 3/ Ông Nguyễn Lâm (hay Lam ?), đại diện Tỉnh đội, Trưởng ban giải phóng Truông Bồn. 4/ Ông Nguyễn Mai, đại diện huyện Công an công tác tuyến Truông Bồn. 5/ Ông Giao, đại diện đơn vị công binh thuộc B trạm 8. 6/ Ông Nguyễn Hữu Nghi TV huyện ủy, Phó Chủ tịch UBHC huyện Đô Lương, đồng thời là Trưởng ban đảm bảo giao thông Truông Bồn. 7/ Ông Nguyễn Quý Hùng, Trưởng phòng giao thông Đô Lương. 8/ Ông Võ Trọng… (bị mất chữ) Bí thư Chi bộ phòng giao thông Đô Lương. 9/ Ông Hoàng Đình Hội (hay Hợi ?) Bí thư Chi bộ HTX Mỹ Thái, đại diện chính quyền xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. 10/ Ông Nguyễn Sơn Lam (hay Lâm ?) đại diện đơn vị ứng cứu. 11/ Ông Đinh Văn Quang, đại diện đơn vị 325 TNXP. 12/ Bà Nguyễn Thị Oanh, đại diện đơn vị 304 TNXP. 13/ Ông Nguyễn Xuân Thỏa, đại diện đơn vị 317 đơn vị xảy ra tai nạn.

Ngoài ra còn có rất đông các cán bộ như Đoàn đội TNXP Nghệ An, Đoàn ngành GTVT và các đơn vị hữu quan khác có mặt trong buổi họp hôm ấy. Đã cùng nhau xác nhận vị độ máy bay Mỹ oanh tạc, làm thiệt hại về người và tài sản thuộc phạm vi hiện trường làm việc của đơn vị 317 trên tuyến Truông Bồn như sau :

Nguyên nhân trường hợp xảy ra :

Xuất phát từ nhiệm vụ GTVT khẩn trương phục vụ tiền tuyến, đơn vị 317 tiếp nhận nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên đoạn đường Truông Bồn khói lửa (dốc Kỳ Lợn).

Theo yêu cầu đơn 317 xin triển khai làm việc cả ban ngày và ban đêm trên một địa hình thuộc tuyến đường này. Theo thường lệ, đơn vị cho triển khai quân ra hiện trường làm việc vào lúc 6 giờ sáng, đến 6 giờ 10 phút ngày 31-10-1968 một tốp máy bay gồm 6 chiếc từ phía Nghi Lộc bay lên, nhào thẳng xuống cắt bom vào hiện trường, số lượng bom có 72 quả trong một phạm vi chiều dài 120m, chiều ngang khoảng 50m.

Sau khi bom vừa nổ xong, một mặt đơn vị kiểm đếm quân số, một mặt tìm kiếm cứu chữa những người bị hy sinh hoặc vùi lấp.

Theo con số kiểm tra thì có 14 đồng chí bị lấp vùi, mới phát hiện được một hầm có 3 đồng chí, đơn vị tập trung đào bới được một đồng chí, bồng lên thấy bị sức ép nặng và bị đất vùi khả năng còn cứu chữa, nên kịp thời mang đồng chí đó về nơi an toàn cứu chữa.

Thời gian chưa được bao lâu đơn vị đang hết sức đào bới thì gian ác thay, một tốp máy bay khác của giặc Mỹ đã lao tới cắt loạt bom thứ 2 gồm có 52 quả. Sau đó đơn vị lại tiếp tục đào bới nốt, cứu được 2 đồng chí khác mang về vùng an toàn, lúc đó đơn vị cũng được lệnh sơ tán tạm thời để bàn kế hoạch đào bới.

Sau đó chưa được bao lâu thì 10h 10 phút, 3 máy bay của giặc Mỹ lại đến rải 46 quả bom TN. Cả hiện trường đều bị đảo lộn, hố bom cày chằng chịt đất cuộn lung tung, ngoài ra còn có các loại bom nổ chậm khác.

Trước tình thế đó, các lực lượng đã cùng nhau bàn biện pháp việc đào bới lần thứ nhất vào lúc 4h chiều ngày 31-10-1968, Khoảng 11h đêm 31-10-1968, toàn bộ lực lượng đã được sử dụng vào việc tìm kiếm một cách tích cực, khẩn trương.

Rồi liên tiếp ngày và đêm 1-2-3-4 tháng 11-1968, dốc toàn bộ lực lượng thực hiện đủ mọi kế, nhận định đủ tình huống, quan sát hết mọi khả năng trên hiện trường với tấm lòng thống nhất, chờ đợi, đau xót, thương tiếc những đồng chí đã hy sinh mà chưa tìm được thi hài.

Tất cả mọi người đều căm thù giặc Mỹ càng đổ sức lực vào việc tìm kiếm. Qua mấy ngày đêm ngoài sức người, còn cộng thêm vào sức máy móc hiện đại mà chỉ tìm thấy 4 đồng chí nữa mà thôi, trong tổng số 14 đồng chí bị vùi.

Lực lượng tham gia tìm kiếm và ứng cứu có sự chỉ huy thống nhất, bố trí thời gian kịp thời, ban lãnh đạo và tất cả cán bộ khác luôn luôn hội ý từng giờ, từng lúc và từng ngày để tìm ra biện pháp mới, nhận định tình hình, và luôn luôn có mặt ở ngoài hiện trường từ đầu đến ngày cuối cùng của việc tìm kiếm.

Lực lượng tham gia tìm kiếm trong 4 ngày đêm gồm có : C304 TNXP, C325 TNXP, đơn vị của công binh, đơn vị hầm giao thông, dân quân địa phương, đơn vị 317 là đơn vị xẩy ra tai nạn, và lực lượng máy móc khác, mỗi lần ra quân tìm kiếm có 150 người gồm các đơn vị nói trên, ngoài ra còn có máy móc khác giúp sức.

Kết luận của vụ oanh tạc do máy bay Mỹ gây nên đã đem lại cho đơn vị 317 một số thiệt hại như sau :

Về người : Bị thương bằng sức ép và vùi đất là : Bị nặng : Trần Thị Thông bị sức ép nặng. Thọ Thành huyện Yên Thành Nghệ An. Bị nhẹ : Trần Thị Quy bị đất vùi và sức ép, trực chiến đơn vị 304.

Bị chết tại trận và bị vùi không tìm được1/ Trần Văn Hạp, Tiến Thành, Yên Thành 2/ Phan Thị Dung, Hợp Thành, Yên Thành 3/ Hoàng Thị Nhung, Phú Thành, Yên Thành 4/ Vũ Thị Hiên, Tăng Thành, Yên Thành 5/ Nguyễn Thị Văn, Thượng Sơn, Đô Lương 6/ Nguyễn Thị Hoài, Hưng Yên, Hưng Nguyên 7/ Nguyễn Thị Tâm, Hợp Thành, Yên Thành

Bị chết tại trận và tìm được thi hài cấp táng đầy đủ :

1/ Cao Ngọc Hòa, Diễn Lộc, Diễn Châu 2/ Nguyễn Thị Phúc, Phúc Thành, Yên Thành 3/ Trần Thị Doãn, Sơn Thành, Yên Thành 4/ Hà Thị Đang, Phú Thành, Yên Thành 5/ Đinh Thị Vinh, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu 6/ Đàm Thị Bốn, Khánh Thành, Yên Thành

Trong 6 đồng chí tìm được thi hài đã tiến hành việc chôn cất chu đáo, và thi hài được đặt vào một nơi cao ráo, mát mẻ thuộc địa phận của HTX Mỹ Thái xã Mỹ Sơn, Đô Lương.

Trong số 7 đồng chí qua 4 ngày đêm đã đem hết mọi khả năng tìm kiếm mà không thể thấy được. Do đó hội nghị kết luận 7 đồng chí bị mất tích. Vậy lập biên bản này báo cáo lên cấp trên và các ngành hữu quan.

Mỹ Sơn, ngày 4-11-1968

(Tất cả kí tên, đóng dấu)

Lúc chia tay ông Cớn kể thêm một chuyện thật buồn. Nguyễn Xuân Thỏa sinh năm 1936, nguyên Đại đội trưởng C317, quê xã Sơn Thành, Yên Thành, người thứ 13 ký vào biên bản nói trên đã mất vào nửa đầu năm 2010.

Chừng 3 tháng sau, vợ ông cũng đột ngột qua đời. Khi trên 2 ban thờ đang nghi ngút khói, thì đùng cái, vợ chồng cô con gái của ông Thỏa cũng ra đi ! Rồi tiếp đến cô cháu gái làm ăn trong Nam, đang bụng mang dạ chửa về quê chờ sinh nở, không ngờ chưa kịp khai hoa cũng chết đột ngột…Ngôi nhà của ông Thỏa bỏ không, người con gái của ông lấy chồng xóm bên, mấy tháng liền phải gửi con nhỏ nhờ ông bà nội chăm sóc để về nhà túc trực khói hương trên 2 ban thờ của bố, mẹ.

Ông Cớn tìm trong bọc tài liệu ông Thỏa, không có giấy tờ gì liên quan đến thời kì C317, ngoại trừ 2 bản photo 2 bài báo về Truông Bồn. Đó là Phóng sự Ngược Truông Bồn của Giao Hưởng ( Báo Lao động, ngày 10-5-1997), và bài Day dứt Truông Bồn của nhà thơ Vương Trọng.

(Còn nữa)

Xuân Ba

Nguồn : http://www.tien­phong.vn/xa-hoi/phon...

Hương khói Truông Bồn - Kỳ cuối : Nhà văn Lê Minh Khuê với Truông Bồn

Nhà văn Lê Minh Khuê với mẹ Vinh © Tien Phong

TP - 24/10/2012 - Có lẽ dùng về thì thích hợp hơn ? Vì năm 1965, 16 tuổi, cô bé Lê Minh Khuê người Nông Cống Xứ Thanh xung phong vào lực lượng TNXP.

Đơn vị cô bám trụ ở những trọng điểm ác liệt trên tuyến đường 15B bom đạn gian khó không thua kém tuyến đường chiến lược 15A có trọng điểm Truông Bồn.

Trong đoàn nhà báo nhà văn đi thực tế Truông Bồn, nhà văn Lê Minh Khuê đậm tuổi hơn cả. Khuôn mặt hơi tái vẻ đờ đẫn khi chị cứ rờ rẫm di tay trên tấm bia ngôi mộ tập thể tiểu đội TNXP rồi thở dài các chị Hoàng Thị Nhung, chị Hoài chị Tâm cùng trật tuổi với tớ ...

Bên khu mộ chung, tôi để ý chị đứng chuyện với bà mẹ Vinh lâu lắm... Mẹ Vinh quê xã Mỹ Sơn, Đô Lương đây, người nhỏ tanh tách, một phần đất nhà bà dùng để làm ngôi mộ chung cho các liệt sĩ Truông Bồn.

Mẹ là người chứng kiến cái ngày các TNXP Tiểu đội 2 bị bom Mỹ vùi trong đất đá ngay trong khu vườn nhà.. Nấm mộ chung được xây, rồi nhà bia được dựng, mẹ làm người hương khói coi sóc phần mộ chung này.

Khách viếng Truông Bồn, nhỡ người di tích mắc bận, mẹ làm luôn phận sự làm người thuyết minh kiêm hướng dẫn luôn thể.

Nghe mẹ Vinh chuyện trò, nhà văn Lê Minh Khuê chép miệng tớ thấy bà mẹ này nói hay hơn hướng dẫn viên.

Có cậu viết trẻ rúc rích rằng nghe bà mẹ Vinh một điều hương khói cho các con hai điều các con thấy ngồ ngộ thế nào ? Vì hồi các chị đây hy sinh mẹ còn trẻ... Chị Khuê không cười các cậu biết không bà mẹ Vinh khi ấy mới trên 40 tuổi. Bốn mươi thuở ấy là chững chạc lắm. Cánh tớ hồi ấy đóng quân ở đâu cũng gọi những trật tuổi ấy là bố mẹ ngon lành như một điều tự nhiên. Chăng bù bây giờ bốn mươi vẫn cứ phơi phới đi hát...

Ghé nhà mẹ Thởm năm nay tuổi ngoài 90. Nhà mẹ Thởm nơi đóng quân của các o Thông (Tiểu đội trưởng tiểu đội 2) o Vinh... O Thông sau khi được cứu sống khỏi bom vùi trong trận 31-10-1968 người cứ như cái giẻ rách. May nhờ được mẹ Thởm cơm cháo chăm bẵm nhiều ngày mới lại được người.

Nhớ bữa ghé nhà, bà Thông nghẹn ngào nhờ có các anh bộ đội hành quân qua nhờ mẹ Thởm mà tôi sống đó... Ngó chị Khuê ngồi chuyện rủ rỉ với mẹ Thởm trong căn nhà âm âm nửa tối sáng những tưởng thời gian như thoắt vụt về quá vãng.

Nghe chị kể lại hồi đơn vị TNXP của chị trong đội hình Tổng đội TNXP Thanh Hóa đảm bảo giao thông Dốc Bò Lăn ác liệt trên tuyến giao thông huyết mạch 15B.

Hồi ấy bom đạn bời bời nhưng vẫn sót lại những cánh rừng nguyên sinh lành lặn. Dưới tán xanh tầng tầng lớp lớp ấy là những khoảng suối nước cứ văn vắt trong.

Vắng bom đạn và những lúc không phải bám mặt đường, những tốp TNXP rủ nhau đi tắm. Những bít bùng khăn áo che mặt, những tảng bụi đất đỏ ken dày trên tóc thoắt chuội đi nhường cho những nõn nà thịt da và đủ cung bậc của tiếng cười thanh xuân trên khoảng suối xanh vắng.

Thỏa thích ngụp lặn nhưng các cô đâu biết trên đầu mình là khít rịt những khoảng tán lá lim xanh. Lá lim rụng xuống suối lâu ngày khiến khoảng nước xanh trong kia trở nên rất độc.

Mới tắm chẳng sao nhưng vài ngày sau, phát ngứa còn quá ghẻ. Các mẹ ở những bản gần đó đã đón các cô TNXP về.

Những mẹ như mẹ Vinh, mẹ Thởm ở Truông Bồn đây đã lui cui đun đun nấu nấu thứ lá chi đó cho các cô tắm để tẩy độc. Bữa về chị Khuê nhắc là bao giờ đến đoạn Bãi Trành, Như Xuân, Thanh Hóa thì nhớ chỉ cho chị. Để làm gì ? Để ngó lại những khoảng rừng cùng mấy bản hồi đơn vị TNXP đóng quân gần đó.

Nhưng chúng tôi căng mắt hết cỡ ra vẫn chỉ thấy một màu xanh của những thứ cây mới trồng ngút ngát... Người xưa cảnh cũ thoắt đã vời vợi.

Không biết có nên gọi chị Khuê là người may mắn lẫn thành danh ? Bây giờ chị cũng chức sắc đấy. Những là Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Hà Nội kiêm Phó chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam.

Những chức việc ấy dường như có chi hơi bị chênh với cô TNXP rụt rè nhút nhát ngày ấy. Thế mà những trọng điểm ác liệt thuở ấy những Phà Ghép những Khe Nước Lạnh, Cầu Vằn... chị và bao người đã phải bám trụ.

Dốc Bò Lăn, đường 15 A, 15 B... địch băm nát từng mét nhưng đêm xuống, cô gái TNXP ấy lặng lẽ khêu to ngọn đèn hạt đỗ dưới hầm, hăm hở kê những trang giấy các cỡ các màu nhàu nát lem luốc xin được lên trên chiếc hòm mìn làm bàn để viết những bài bút ký, phóng sự hôi hổi không khí chiến sự và thư thả ra thì những truyện ngắn để gửi về Báo Tiền Phong, tờ báo mà những năm bom đạn mù trời ấy cô là thông tín viên đắc lực ! Rồi lần cô tạm rời những cung đường ác liệt của Khu Bốn về học lớp bồi dưỡng Thông tín viên do báo tổ chức...

Đầu năm 1969, thể theo yêu cầu của báo Tiền Phong, cơ quan T.Ư của Đoàn TNLĐ Việt Nam, cô thông tín viên Lê Minh Khuê đã chuyển công tác từ đơn vị TNXP về làm phóng viên của báo...

Rồi Lê Minh Khuê xung phong về Đài Phát thanh Giải phóng vào tận chiến trường khu Năm. Cái năm từ chiến trường ra sốt rét đầu trụi lúi mãi tóc mới mọc được.

Chị làm hàng xóm của tôi chung căn hộ chật hẹp mỗi nhà sáu mét vuông một thời gian thì con gái chị, bé Phước có nhũ danh là bông bông do tôi đặt cất tiếng khóc chào đời ! Tên Phước phải quá đi rồi.

Mẹ thì vượt thoát một thời bom đạn và những rối ren lật bật này khác. Bé Phước nay đã là biên tập viên của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn.

...Chúng tôi ở Truông Bồn về đến Thành Vinh thì dự luôn cuộc gặp với đại diện TNXP Nghệ An.

Ông GĐ Sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ giới thiệu trong đoàn nhà văn nhà báo có chị Lê Minh Khuê là cựu TNXP.

Nhiều bà nhiều chị à lên với những cái cười sáng rỡ... Lê Minh Khuê như hòa đồng như lọt thỏm trong quần tụ. Mà chị đâu phải típ người hoạt ngôn nhưng bữa đó chả biết sao lại lợi khẩu ?

Tôi ngạc nhiên khi qua lời chị biết được trong lễ duyệt binh mừng ngày Đại thắng năm 1975, trong đội hình không có lực lượng TNXP ! Rằng những đại gia cỡ bự hầu như chưa có ai từng là TNXP ? Lại nữa (hình như chưa có ai thống kê thì phải ?) những vụ tham những lớn cộm cán không có cựu TNXP !

Còn những vụ tham những tiêu cực này khác cựu TNXP can dự rất ít ? Chị đặt cái micro cầm tay xuống rủ rỉ với các bà các cô, mặc dù có những sự quên lãng thậm chí vô ơn này khác cùng là những thua thiệt mất mát, nhưng may mắn sống sót qua cuộc chiến đã là thứ lãi không thể tính đếm.

Ngoài món quà vô giá ấy, sự hiện diện những chức bà chức ông đã là niềm sung sướng hạnh phúc cho mỗi nhà. Còn gì may mắn hơn khi ta cứ bình dị mà hiện diện với những chức phận cao quý ấy.

Chị kể những lần về dự với anh chị em TNXP đơn vị cũ chị như được tắm tưới bởi cảm giác ấm áp thân thương mà những ngày ác liệt năm nào thi thoảng cứ đi đi về về trong giấc mơ của chị...

Sống sót hay sự sống đã là một điều may mắn ? Có thể. Gần cung chặng đảm bảo giao thông ác liệt ở Khu Tư gần với Đại đội C 118 Tổng Đội TNXP của chị Khuê, anh TNXP Tô Huy Rứa từng ở đại đội TNXP C104. Qua binh lửa trận mạc, may mắn sống sót thì mỗi người một số phận, chức phận...

May mắn cũng là trách nhiệm là món nợ ? Dường như tỷ trọng chiến tranh choán và trĩu nhiều trong sáng tác của Lê Minh Khuê.

Giải thưởng Nhà nước (chị Khuê là một trong ba tác giả nữ) mà chị vừa nhận trao cho cụm tác phẩm Cao điểm mùa hạ, Những ngôi sao xa xôi, Một chiều xa thành phố... mà phần đạn bom ùng oàng cũng choán đến 2/3.

Cái năm Lê Minh Khuê được mời sang Hàn Quốc để nhận Giải Văn chương về cuốn sách của chị Những ngôi sao, trái đất và dòng sông (kèm Giải là 10 ngàn USD), Ban tổ chức đã dùng cụm từ để nhận xét về tác phẩm văn phong đẹp chua xót và trang nghiêm. Cụm từ ấy có lẽ thích hợp với những cuốn sách viết về chiến tranh về những thua thiệt mất mát ?

Vừa rồi chị lại sang Incheon (Hàn Quốc) dự Diễn đàn văn học Á Phi Mỹ Latinh. Tham luận trong diễn đàn của Lê Minh Khuê như giải mã về con người Việt như sự tiếp thêm sức cho một thế hệ Việt.... Người trẻ Việt trong chiến tranh và hôm nay.

Chị thẳng thắn rằng thời chiến thì thiếu thốn cơ cực nhưng người ta thanh thản và biết quan tâm đến cái Đẹp !

Chao ôi, để tìm để khư khư sự thanh thản nào đó trong thời điểm khó khăn này ?

Chị còn nói chị vẫn viết mặc dầu có ít người đọc.

Và không có ai đọc chị vẫn viết !

Như một sự giải tỏa cân bằng.

Đón xem chương trình “Truông Bồn, huyền thoại và tri ân”

Kỷ niệm 44 năm ngày hi sinh của các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn (31/10/1968-31/10/2012), nhân dịp khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn, được sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Nghệ An và Đài Truyền hình Việt Nam, các đơn vị UBND tỉnh Nghệ An, Báo Tiền Phong, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Truông Bồn Huyền thoại và Tri ân.

Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h, ngày 27-10-2012, trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Trân trọng mời bạn đọc đón xem.

Xuân Ba

Nguồn : http://www.tien­phong.vn/xa-hoi/phon...