Femmes et guerres

Nỗi đau da cam xuyên bốn thế hệ

TP - 10/08/2011

Năm mươi năm kể từ ngày quân đội Mỹ thực hiện chuyến bay rải thảm chất độc hóa học đầu tiên tại Việt Nam, nỗi đau da cam vẫn ám ảnh. Hàng ngàn người lính trở về sau chiến tranh đã bị phơi nhiễm. Con cháu của họ từng giờ, từng ngày phải gánh chịu những nỗi đau đến tận cùng.

Nỗi đau 4 thế hệ của nhà bà Thanh.

30 năm nuôi con trong cũi

Đón chúng tôi trong ngôi nhà xiêu vẹo chừng 30m2, bà Lê Thị Tỏa ở thôn Nguyệt Áng, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nước mắt lưng tròng chỉ tay vào phía góc tối ngay sau bàn thờ đặt di ảnh của chồng nói : “Nhà chỉ có hai mẹ con mà phải khổ ri chú nì, không nhốt lại là hắn phá. Hồi trước còn ông ấy, thỉnh thoảng cho hắn ra chơi, bữa ni thì chịu. Cho ra là tui không đưa hắn vô lại được”.

Chồng bà là Từ Công Tuấn qua đời vì bệnh ung thư 2 năm trước. Ông Tuấn trước đi TNXP, rồi nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên những năm 1965 -1970. Thống nhất đất nước, ông về quê và cưới bà. Năm 1979, ông bà sinh con gái đầu lòng đặt tên là Từ Thị Dung nhưng được 2 tuổi thì qua đời. “Vợ chồng tui cứ nghĩ rằng trời không cho cháu sống chứ có biết chi về thứ chất độc mà ông Tuấn mang trong mình mô chú”.

Hai năm sau, đứa con gái thứ hai là Từ Thị Dinh ra đời, trọn vẹn hình hài. Nỗi vui mừng chưa được bao lâu thì vợ chồng ông phát hiện con mình lớn dần lên nhưng cơ thể lại quặt quẹo, mắt vô hồn, tai không nghe được. Đi khám, bác sỹ kết luận : Dinh bị câm, điếc, tâm thần do di chứng của chất đôc dioxin.

Mỗi lần động kinh, Dinh ú ớ kêu la, lăn lê khắp nhà, vớ được cái gì trong tay là ném tung tóe. Không còn cách nào, vợ chồng ông đóng cũi nhốt con lại. Từ đó, thế giới của Dinh chỉ gói gọn trong chiếc cũi nhỏ hẹp chừng 2 m2 đóng bằng gỗ tạp. Ngày ông Tuấn còn sống, vợ chồng cắt cử nhau, người ở nhà chăm sóc Dinh, người lo cơm áo. Nay, còn lại bà Tỏa ngày càng yếu, bỏ hết ruộng đồng, ở nhà chăm con.

Bà Tỏa dẫn chúng tôi đến bên chiếc cũi, Dinh nằm trên chiếc chiếu cói cũ sờn, tấm chăn chiên quấn hờ hững ngang người, đôi mắt vô hồn... “Khi bình thường, hắn hiền như một đứa trẻ, tui kiếm cho mấy cái vỏ lon bia, rứa là hắn cầm trong tay, nằm chơi, ngoan lắm ! Nhưng đến cơn động kinh thì phá phách, chiều cao của chiếc cũi gần 2 m như ri mà hắn nhiều lần trèo qua được” - bà Tỏa xoa đầu con nói.

Bà Tỏa và con gái trong chiếc cũi đã hiện hữu gần 30 năm nay.

Mẹ tàn tật nuôi 2 con điên

Bà Hoàng Thị Quê ở thôn Phú Trịch, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch hàng ngày đi theo trông giữ 2 đứa con tật nguyền. Bà Quê và ông Phạm Thất lấy nhau khi 2 người đã có một đời vợ, đời chồng. Ông là thương binh 3/4, từng chiến đấu ở đường 9 - Nam Lào, còn bà bị bom bi làm què chân khi đang vận chuyển đạn trên sông Gianh.

Hai ông bà có với nhau 5 người con, tất cả đều không bình thường, trong đó Phạm Thị Lĩnh (1978) và Phạm Văn Linh (1985) là nặng nhất. Lĩnh hơn 30 tuổi, chỉ chừng 25kg, vừa câm, vừa điếc, còn Linh cũng câm điếc và đầu luôn ngả về phía sau.

“Thằng em thì hiền, còn con chị nhìn thì nhỏ rứa đó nhưng mỗi khi lên cơn thì ghê gớm không ai bằng. Hắn đập đánh thằng em suốt ngày. Mà lạ lắm, bị chị đánh đau rứa chứ thằng em không chịu chạy mà cũng ít khi đánh lại chị. Chú thấy chơi với nhau rứa đó, nhưng mà không có tui là con chị cầm que, cầm gậy đánh thằng em liền. Nhiều lúc còn đánh cả tui nữa” - bà Quê kể.

Khó nhất là cho hai con ăn cơm. Đứa em phải nằm lên giường, nhưng không phải lúc nào Linh cũng chịu nằm để ăn. Lĩnh thì rất ít ăn, có khi nhịn 3 - 4 ngày.

Ông Thất 65 tuổi, do phơi nhiễm chất độc da cam nên đau yếu liên miên, mọi việc đồng áng, nuôi con đều một tay bà Quê gánh vác. “Chú coi chân tui què ri nhưng thương chồng, thương con nên việc chi tui cũng làm được hết” - bà Quê tâm sự.

Nỗi đau xuyên bốn thế hệ

Theo địa chỉ Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Quảng Bình cung cấp, chúng tôi về xã Phúc Trạch (Bố Trạch), tìm đến gia đình bà Hoàng Thị Thanh ở thôn 2, Phúc Khê có 4 thế hệ chịu di chứng của chất độc da cam.

Ngôi nhà bừa bộn. Hình như lâu lắm rồi không có khách ghé chơi, bà Thanh cứ luống ca luống cuống không tìm ra chỗ để mời khách ngồi. Bà Thanh 70 tuổi, chồng bà là Nguyễn Bích, sinh năm 1938, mất cách đây 20 năm bởi một căn bệnh lạ mà các bệnh viện không thể gọi tên.

Năm 1965, ông Bích trở về từ chiến trường Quảng Trị, hai người cưới nhau. Bà Thanh 9 lần sinh nở, giữ lại được 7 người con. Con trai đầu Nguyễn Ngọ (1966) bị dị tật ngay khi chào đời ; Nguyễn Thị Định (1967) ; Nguyễn Thị Bình (1970) ; Nguyễn Luân (1971) ; hai chị em sinh đôi Nguyễn Thị Lợi, Nguyễn Thị Lĩnh (1975) ; Nguyễn Thị Điểm (1976), Nguyễn Trang (1977). Lúc sinh bình thường, lớn lên sức khỏe yếu rồi chết dần, chết mòn không rõ bệnh. Hiện gia đình bà Thanh chỉ còn lại Nguyễn Thọ, Nguyễn Luân, Nguyễn Thị Lĩnh và Nguyễn Trang.

Bà Thanh kể : “Con Định lớn lên, người yếu, hay đau ốm nhưng nhìn vẫn bình thường. Hắn lấy chồng, 5 lần sinh nhưng chỉ giữ lại được 2 đứa, rồi hắn nằm liệt giường. Đi bệnh viện họ không đoán ra được bệnh, không chữa được rứa là hắn mất. Con gái của hắn sinh năm 1980 tên là Trương Thị Hiền, cũng yếu như mẹ. Con Hiền lấy chồng được mấy năm rồi, sinh được đứa con nhưng mà không đi lại được, nằm bất động”.

Chỉ sang đứa cháu ngồi cạnh bà kể tiếp : “Thằng ni (Nguyễn Hưng Yên - SN 2007) là con của con Lĩnh đó. Hắn không chỉ hở hàm ếch mà còn bị câm điếc nữa. Hồi sinh thằng ni chưa đầy tháng, chồng hắn thấy rứa bỏ chạy mất tăm. Con Lĩnh ôm con về nhà tui. Thân tui như ri mà phải phục vụ 5 đứa tàn tật, khổ lắm chú ơi”.

Nhà bà Thanh có 3 sào ruộng nước, chỉ làm được một vụ đông - xuân. Anh Ngọ năm vừa rồi mới hưởng được chế độ mỗi tháng 360 ngàn đồng. Chiếc giường nhỏ kê trong góc bếp, nơi đó Nguyễn Ngọ nằm suốt 45 năm nay, mọi ăn uống, sinh hoạt cá nhân đều diễn ra tại chỗ và tất cả đều trông chờ vào hai bàn tay bà Thanh.

Hoàng Nam

Tặng nhà tình nghĩa, trao học bổng cho nạn nhân da cam

Ngày 9-8, Liên doanh dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro -VSP) bàn giao 5 căn nhà tình nghĩa cho 5 gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thái Bình gồm : gia đình chị Trần Thị Lý,24 tuổi(Bách Thuận, Vũ Thư), bị dị tật câm, điếc, mờ mắt do ảnh hưởng từ người cha là ông Trần Văn Tiêm, thương binh 4/4 ; gia đình ông Phạm Văn Tằng, 60 tuổi (Lưu Điền, xã Thụy Hồng, Thái Thụy) ; gia đình ông Nguyễn Văn Tuy, SN 1932, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, bị nhiễm độc, bại liệt không tự chăm sóc mình ; gia đình ông Nguyễn Văn Đồng,( thôn Duy Tân, xã Minh Tân ) và gia đình ông Phạm Văn Thậu, (thôn Cốc, xã Phú Châu, Đông Hưng).

Sáng qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Bến Tre kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961), đã trao 28 suất học bổng cho trẻ em là nạn nhân dioxin vượt khó học giỏi (2,5 triệu đồng/suất), 20 suất học bổng cho trẻ em khuyết tật (500.000 đồng/suất) và 200 suất quà cho các nạn nhân dioxin (200.000 đồng/suất). Tỉnh Bến Tre có 14.516 trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trong đó 1.026 em đã chết.

Phạm Hùng - Đức Thịnh

Nguồn : http://www.tien­phong.vn/Phong-Su/54...

Hồ sơ : Hành trình 10 năm hủy diệt của chất độc da cam

Bìa sách Phát minh hủy diệt môi trường.

TTCT Thứ Hai, 27/06/2011

Năm mươi năm sau ngày tổng thống Kennedy ký lệnh phát động chiến dịch rải chất độc da cam tại miền Nam Việt Nam, sử gia Mỹ David Zierler công bố hồ sơ chi tiết về hành trình 10 năm hủy diệt của loại chất độc này (1961-1970).

Cuốn sách Phát minh hủy diệt môi trường : Chất độc màu da cam, Việt Nam, và những nhà khoa học làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về môi trường (*) được đánh giá là một trong những tài liệu nghiên cứu giàu thông tin và toàn diện nhất về chất độc da cam cho đến nay.

Được sự đồng ý của tác giả, TTCT trích đăng trong hai kỳ một số nội dung của quyển sách.

- Kỳ 1 : Từ chất diệt cỏ đến vũ khí công nghệ

Trưởng khoa thực vật thuộc Đại học Chicago, GS Ezra E.J. Kraus, là nhà khoa học Mỹ đầu tiên nhận ra tiềm năng quân sự của hóa chất diệt cỏ ngay từ khi nước Mỹ bắt đầu tham dự Thế chiến thứ hai. Ngày 17-2-1942, ông đã trình bày một báo cáo về khả năng sử dụng các chất diệt cỏ như một loại vũ khí quân đội trong cuộc họp tối mật của Ban tư vấn chiến tranh Mỹ.

Thử nghiệm thành công từ Thế chiến thứ hai

Vào thời điểm đó, giới khoa học Mỹ vẫn còn đang trong giai đoạn khám phá tác động của các loại hóa chất này. Các dự án nghiên cứu trên diện rộng mà GS Kraus chủ trì được tiến hành trong thập niên 1940 đã kết hợp hai hóa chất 2,4-D và 2,4,5-T (chiếm 50% trong hợp chất da cam) và thử nghiệm thành công trong môi trường giả lập chiến tranh. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã không sử dụng hợp chất mới phát minh này trong suốt Thế chiến thứ hai.

Khoảng mùa thu năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) đã tiến gần đến thế lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Đứng trước khả năng thất bại trên mặt trận quân sự và ngoại giao ở nhiều nơi, đặc biệt là Cuba và Berlin, tổng thống Kennedy và nhóm cố vấn đối ngoại của mình bắt đầu tính đến việc phát động các chiến dịch quân sự công nghệ cao như một cách đối phó với sự mở rộng của khối các quốc gia cộng sản.

© Thanh Đạm

Những đứa trẻ bị nhiễm dioxin - nạn nhân chất độc da cam - đang được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM.

© Thanh Đạm

Những đứa trẻ bị nhiễm dioxin - nạn nhân chất độc da cam - đang được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM.

Các chất diệt cỏ do nhóm nghiên cứu của GS Kraus phát minh trong Thế chiến thứ hai trở thành vũ khí trọng tâm trong chiến lược chống chiến tranh du kích, với mục đích hủy hoại môi trường sống và nguồn lương thực của du kích MTDTGP trên toàn vùng nông thôn Nam bộ.

Ngày 26-4-1961, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Roswell L. Gilpatric trình lên tổng thống Kennedy một chương trình hành động, trong đó đề cập việc thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển đóng tại miền Nam Việt Nam, chịu trách nhiệm phát minh các kỹ thuật chống du kích, với lý do quân đội Mỹ thời đó không có đủ phương tiện theo dõi trên không để định vị lộ trình của du kích MTDTGP.

Hai tuần sau đó, chính phủ Ngô Đình Diệm thông qua kế hoạch này, và Cơ quan Dự án nghiên cứu cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức thành lập Trung tâm Thí nghiệm phát triển và chiến đấu (CDTC).

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của CDTC là tìm ra hợp chất hóa học để hủy hoại bề mặt rừng và các loại nông lương mà du kích MTDTGP tiêu thụ. Ở giai đoạn thử nghiệm, CDTC tiếp nhận lô hàng thiết bị và chất diệt cỏ đầu tiên vào ngày 10-7-1961. Sau đợt thử nghiệm thành công, giám đốc James W. Brown xác nhận hợp chất phát quang cây cỏ sẽ là thành tố chính trong chiến lược đối phó với chiến tranh du kích. “Không ai đánh giá cao lương thực và tầm nhìn bằng những kẻ bị mất hai thứ này” - ông nhấn mạnh.

Vỏ bọc của “chiến tranh diệt cỏ”

Ban đầu quân đội Mỹ dự kiến chỉ trang bị và huấn luyện cho lực lượng không quân Việt Nam cộng hòa (VNAF) tiến hành “chiến tranh diệt cỏ” (tạm dịch từ her­bi­ci­dal war­fare). Ngày 24-8-1961, tổng thống Diệm đích thân lựa chọn mục tiêu, và máy bay C-47 của VNAF tiến hành đợt rải hóa chất đầu tiên xuống vùng rừng miền Nam Việt Nam. Ông Diệm lập tức nhận ra sự lợi hại của loại hình chiến tranh này.

Trong buổi họp ngày 29-9 với đại sứ Mỹ Fredrick Nolting và trung tướng McGarr, tổng thống Diệm đề xuất tiến hành chiến dịch rải hóa chất trên diện rộng tại vùng cao nguyên Trung bộ để diệt nguồn lương thực mùa thu của du kích MTDTGP, nhưng không nhận được lời hứa hậu thuẫn chính thức từ phía Mỹ.

Tuy vậy, một tuần trước đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng soạn thảo một văn bản trong đó phác thảo kế hoạch cấp kỳ để ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Diệm. Kế hoạch này bao gồm một loạt chiến dịch quân sự chống du kích mà nếu thành công sẽ loại bỏ khả năng quân đội Mỹ phải gửi quân tham chiến trực tiếp. Văn bản này ghi rõ bốn mục tiêu của chiến tranh diệt cỏ theo đề xuất của CDTC :

  • 1. Phát quang vùng rừng biên giới Lào - Campuchia - Bắc Việt Nam để loại bỏ “vỏ bọc” bảo vệ quân MTDTGP.
  • 2. Phát quang một phần vùng đồng bằng Mekong (vùng D) được coi là khu vực mà quân du kích MTDTGP có nhiều căn cứ.
  • 3. Phát quang các vùng trồng sắn được coi là nguồn lương thực của du kích.
  • 4. Phát quang các vùng rừng đước được coi là nơi du kích ẩn náu.

Chiến dịch rải hóa chất dự kiến sẽ chấm dứt trong vòng 120 ngày, tiến hành trên một diện tích rộng bằng một nửa miền Nam Việt Nam, với tổng ngân sách 55,9 triệu USD. Tuy cuối cùng đề xuất này đã được thay thế bằng một đề xuất khác của Đại sứ quán Mỹ tại miền Nam - cùng quy mô nhưng chi phí chỉ bằng 1/10, văn bản nói trên cho thấy bước chuyển quan trọng trong chính sách chiến tranh của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, đánh dấu việc “Mỹ hóa” loại hình chiến tranh diệt cỏ.

Tháng 11-1961, quân đội Mỹ đã sẵn sàng vận chuyển hóa chất và thiết bị sang Việt Nam, chỉ còn chờ lệnh của tổng thống Kennedy. Vào thời điểm đó, tổng thống Mỹ đã nhận được đề xuất của ban cố vấn đối ngoại của chính phủ, trong đó có ngoại trưởng Dean Rusk và bộ trưởng quốc phòng McNamara.

Tuy cả hai đều thừa nhận loại hình chiến tranh này có thể gây tranh cãi, ngoại trưởng Rusk khẳng định các chiến dịch rải hóa chất không vi phạm luật quốc tế và “là một chiến lược chiến tranh có thể chấp nhận được”. Đồng thời, ông McNamara yêu cầu tổng thống Diệm tuyên bố chính thức rằng chất phát quang cây cỏ không gây nguy hại đến con người hay thú vật.

Ngày 30-11-1961, văn bản chính thức mở đường cho chiến tranh diệt cỏ tại Việt Nam được ban hành trong đó ghi rõ :

“Tổng thống (Kennedy) đã phê chuẩn đề xuất của ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng về việc tham gia chương trình phối hợp rải hóa chất phát quang cây cỏ tại Việt Nam với quy mô chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ, bắt đầu bằng việc phát quang các tuyến đường trọng yếu và tiếp tục bằng việc tiêu diệt nguồn lương thực, tuy nhiên chỉ thực hiện khi đã thiết lập được nguồn lương thực thay thế và hoàn tất phần căn bản của tiến trình tái định cư. Không phê chuẩn việc rải hóa chất ở khu vực D và vùng biên giới cho đến khi quân đội xác lập được tính hiệu quả của việc này”.

Đầu tháng 12-1961, dưới sự dẫn dắt của Trung tâm không chiến đặc nhiệm thuộc Không lực Mỹ, máy bay vận chuyển C-123 cất cánh từ nhiều căn cứ quân đội Mỹ, khởi đầu chiến dịch Bàn tay nông trại được triển khai trên khoảng 10.000 hecta đất miền Nam Việt Nam.

CAM LY lược dịch


(*) : The inven­tion of eco­cide : Agent Orange, Vietnam, and the scien­tists who chan­ged the way we think about the envi­ron­ment (NXB Đại học Georgia phát hành ngày 1-5-2011)

Hai mạch thông tin chính trong Phát minh hủy diệt môi trường... được trình bày bằng phương pháp xâu chuỗi các sự kiện, đối chiếu các hồ sơ giải mật với thông tin từ những người trong cuộc qua các cuộc phỏng vấn sâu. Mạch thông tin thứ nhất cung cấp cho người đọc bức tranh chi tiết về tiến trình ra đời, mở rộng và lụn bại của loại hình chiến tranh diệt cỏ mà Chính phủ Mỹ tiến hành tại miền Nam Việt Nam (1961-1970). Mạch thứ hai dẫn người đọc đến với phong trào phản đối loại hình chiến tranh phát quang này kéo dài suốt 10 năm của một nhóm nhà khoa học Mỹ dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Arthur Galston, người từng phát minh chất diệt cây cỏ là tiền thân của chất độc da cam.

Nguồn : http://tuoi­tre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tua...


- Kỳ 2 : Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ

TTCT - Thứ Bảy, 02/07/2011

Tháng 8-1962, Nhà Trắng phát tín hiệu về việc mở rộng chiến dịch Bàn tay nông trại từ giai đoạn thử nghiệm sang hoạt động quân sự thường xuyên nhằm hậu thuẫn chính quyền Sài Gòn.

Dưới thời tổng thống Lyndon B. Johnson, số phi vụ rải hóa chất ngày càng tăng cao, đặc biệt là giai đoạn 1966-1968. Tổng cộng trong suốt 10 năm, 5 triệu hecta đất trên toàn miền Nam, chiếm 12% diện tích Việt Nam, đã hứng chịu các loại hóa chất phát quang cây cỏ.

Wilfred Burchett, một phóng viên Úc, là người đầu tiên công khai phản đối chiến tranh diệt cỏ của Mỹ trong bài viết mang tựa đề Miền Nam Việt Nam : cuộc chiến chống lại cây cỏ, đăng trên tờ Thời Đại Mới tại Liên Xô. Không lâu sau đó, nhiều chính khách Mỹ bắt đầu bày tỏ sự quan ngại của mình.

© Thanh Đạm

Triển lãm ảnh tư liệu “Nỗi đau chiến tranh ở VN” của nhà nhiếp ảnh Nhật Bản Murayana Yasufumi tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM tháng 6-2007.

© Thanh Đạm

Triển lãm ảnh tư liệu “Nỗi đau chiến tranh ở VN” của nhà nhiếp ảnh Nhật Bản Murayana Yasufumi tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM tháng 6-2007.

Giới khoa học phản đối mạnh mẽ

Hạ nghị sĩ bang Wisconsin Robert Kastenmeier gửi thư cho tổng thống Kennedy từ năm 1963 kêu gọi ngừng các đợt rải hóa chất tại Việt Nam vì lý do pháp lý và đạo đức. Hai tuần sau đó, tạp chí chính trị hàng đầu tại Mỹ, tờ Tân Cộng Hòa, đăng tải bài xã luận đầu tiên phản đối loại hình chiến tranh diệt cỏ. Động thái của Tân Cộng Hòa gây tác động lớn trong cộng đồng khoa học Mỹ.

Tháng 10-1964, tờ Bản tin của các nhà khoa học Mỹ, cơ quan phát ngôn của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), chính thức đăng bài kêu gọi Chính phủ Mỹ ngừng các đợt rải hóa chất : “...FAS thúc giục tổng thống tuyên bố chính sách cấm khai chiến bằng các loại vũ khí hóa sinh học, ngừng sản xuất các loại vũ khí sinh học, đồng thời ngưng phát triển các loại vũ khí mới”.

Một năm sau đó, Hiệp hội Vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS) bắt đầu tham gia cuộc chiến chống chiến tranh diệt cỏ. Tại buổi họp thường niên của AAAS năm 1965, tổ chức này công bố một nghị quyết mang tên Dàn xếp chiến tranh Việt Nam, trong đó nhấn mạnh : “Việc kéo dài chiến tranh Việt Nam đe dọa không chỉ sinh mạng của hàng triệu người mà còn hủy hoại các giá trị và mục tiêu nhân bản mà chúng ta đang cố gắng gìn giữ...

Với tư cách là nhà khoa học, chúng tôi có trách nhiệm phải chỉ rõ cái giá mà nghiên cứu khoa học đang phải gánh chịu vì chiến tranh. Khoa học không thể phồn thịnh, thậm chí có thể bị thiệt hại, trong một quốc gia ngày càng tăng cường nguồn lực cho các mục đích quân sự”.

Mùa hè năm 1966, giáo sư Bert Pfeiffer thuộc Đại học Montana, thành viên của AAAS, khởi đầu phong trào khoa học phản đối chiến dịch Bàn tay nông trại bằng việc soạn thảo một văn bản kêu gọi tiến hành điều tra tác động của hóa chất phát quang cây cỏ tại miền Nam Việt Nam.

Ban đầu, hội đồng điều hành của AAAS bác bỏ yêu cầu của giáo sư Pfeiffer về việc hiệp hội này tham gia trực tiếp quá trình điều tra. Tuy nhiên đến tháng 9-1967, chủ tịch AAAS Don Price đã gửi thư cho bộ trưởng quốc phòng McNamara đề xuất việc bộ này phê chuẩn và hỗ trợ một cơ quan khoa học độc lập tiến hành nghiên cứu những tác động ngắn và dài hạn của chất độc da cam.

Trước đó tháng 1-1966, 29 nhà khoa học thuộc Đại học Harvard và các cơ quan giáo dục khác tại thành phố Boston đã gửi đến Nhà Trắng một thư ngỏ phản đối chiến tranh diệt cỏ và yêu cầu chấm dứt các hoạt động quân sự liên quan. Trong lá thư, nhóm các nhà khoa học này tuyên bố việc rải hóa chất tại miền Nam Việt Nam là “man rợ”, tương đương với “một cuộc tấn công vào toàn bộ cư dân tại vùng mà mùa màng bị tiêu diệt”.

Theo một văn bản trong hồ sơ Nhà Trắng, đích thân tổng thống Johnson ra lệnh cho bộ tham mưu của mình làm ngơ với thư ngỏ này. Lá thư nói trên chính là ý tưởng tiền thân cho cụm từ “tội ác môi trường” (eco­cide) mà tiến sĩ Arthur Galston đặt ra sau này.

Tháng 9-1966, một nhóm gồm 12 nhà lý sinh học do tiến sĩ Galston dẫn đầu tiếp tục gửi một lá thư khác đến Nhà Trắng kêu gọi tổng thống Johnson ngừng rải hóa chất tại Việt Nam.

Trong thư, các nhà khoa học nhấn mạnh : “Một hóa chất được tạo ra để làm rụng lá cây cũng có thể gây ra tác động phụ đối với các loài cây cỏ khác, trong đó có cả vụ mùa... Do tính độc hại của một số hóa chất, không thể bảo đảm rằng hợp chất phát quang hoàn toàn không có ảnh hưởng độc hại đến con người và thú nuôi trong nhà... Sử dụng hợp chất phát quang cây cỏ một cách ồ ạt có thể làm phương hại đến hệ sinh thái của toàn vùng, thậm chí có thể đến mức thảm họa”.

Lá thư cũng đề cập tác hại của việc hủy hoại mùa màng đối với người dân vùng bị rải hóa chất, cụ thể là việc phụ nữ và trẻ em bị mất nguồn lương thực.

Hai tuần sau đó, tiến sĩ Galston nhận được hồi đáp của một trợ lý ngoại trưởng, khẳng định rằng những quan ngại khoa học đưa ra là không có cơ sở.

Ngay trong nội bộ AAAS, nhóm các nhà khoa học bày tỏ quan ngại về chất độc da cam cũng rơi vào tình trạng thiểu số. Một trưng cầu nội bộ của hiệp hội này tại thời điểm đó cho thấy 81% ủng hộ chiến dịch rải hóa chất của Chính phủ Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Viện Nghiên cứu trung tây (MRI) thuộc Đại học Kansas, cơ quan được Bộ Quốc phòng Mỹ giao hợp đồng tiến hành đánh giá tác động của chất độc da cam, kết thúc chương trình nghiên cứu vào tháng 12-1967 với kết luận chung rằng chiến dịch Bàn tay nông trại chỉ là phần mở rộng quân sự của các hoạt động phát quang cây cỏ thông thường, và chỉ có tác động lên cây cỏ “tương đương với việc phát quang rừng bỏ hoang”.

Những bằng chứng đánh động dư luận

Ngày 19-7-1968, ban giám đốc AAAS công bố tuyên ngôn trên tạp chí Khoa Học, kêu gọi tiến hành gấp rút các cuộc nghiên cứu dài hạn tại hiện trường miền Nam Việt Nam, yêu cầu quân đội Mỹ công khai tài liệu cho các cơ quan nghiên cứu độc lập, và kêu gọi Liên Hiệp Quốc dẫn đầu một đoàn nghiên cứu đến Việt Nam.

Lầu Năm Góc bác bỏ yêu cầu này. Tuy nhiên, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Charles Bohlen lại bày tỏ sự hưởng ứng mạnh mẽ đối với quan điểm của AAAS. Dưới áp lực của Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc nhượng bộ vào tháng 10-1968.

Tháng 8-1970, hai giáo sư Mỹ Bert Pfeiffer và Gordon Orians tiến hành đợt khảo sát đầu tiên trong vòng hai tuần tại miền Nam Việt Nam. Báo cáo của chuyến khảo sát này, đăng trên bản tin của Tổ chức vì trách nhiệm xã hội của khoa học (SSRS), ghi nhận sự thiếu vắng rõ ràng của chim chóc và các loài động vật hoang dã tại các vùng bị rải hóa chất, và sự khác biệt của chất lượng rừng phụ thuộc vào mức độ rải hóa chất - ở những vùng rừng bị rải nhiều đợt, các loại hạt và giống cây yếu chết hàng loạt trên diện tích rộng hàng trăm hecta.

Sinh thái của những vùng lân cận cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là những vùng rừng cao su vốn nằm ngoài danh sách mục tiêu rải hóa chất trực tiếp.

Trước đó năm 1969, William Haseltine, sinh viên ngành sinh học tại Đại học Harvard, tiếp cận được tài liệu cho thấy các quan chức Chính phủ Mỹ đang giấu thông tin về ảnh hưởng tiềm ẩn của chất 2,4,5-T (một thành phần trong hợp chất da cam) đối với phôi thai ở loài chuột.

Haseltine cho biết phản ứng của ông lúc đó là : “Nếu loại chất này gây dị tật cho chuột sơ sinh, hẳn cũng phải có tác động xấu đối với con người. Công bố thông tin này chắc hẳn có thể giúp ngăn chặn được việc sử dụng chất độc da cam”.

Tháng 1-1970, Haseltine công bố thông tin này trên tạp chí Tân Cộng Hòa trong bài báo đồng tác giả với giáo sư Galston và một sinh viên Đại học Yale tên Robert Cook. Bài báo gây chấn động mạnh mẽ trong xã hội Mỹ.

Tháng 4-1970, Chính phủ Mỹ bắt đầu những nỗ lực tránh cho con người không phải tiếp xúc với chất 2,4,5-T ở cả hai phía Mỹ và miền Nam Việt Nam. Bộ trưởng các bộ nông nghiệp, nội vụ, y tế, giáo dục và phúc lợi Mỹ đồng loạt công bố quyết định ngừng tức thì việc sử dụng hóa chất này trong mọi hoạt động liên quan đến tiêu thụ của con người.

Cũng trong tháng 4-1970, thứ trưởng Bộ Quốc phòng David Packard cuối cùng đã hạ lệnh chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chất độc da cam “cho đến khi kết thúc quá trình đánh giá tình hình (ảnh hưởng của chất này)”.

Năm 1969, William Haseltine, sinh viên ngành sinh học tại Đại học Harvard, tiếp cận được tài liệu cho thấy các quan chức Chính phủ Mỹ đang giấu thông tin về ảnh hưởng tiềm ẩn của chất 2,4,5-T (một thành phần trong hợp chất da cam) đối với phôi thai ở loài chuột.

CAM LY lược dịch

Nguồn : http://tuoi­tre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tua...


- Kỳ cuối : Sử gia Mỹ David Zierler : Trách nhiệm tối hậu thuộc về Nhà Trắng

TTCT - Thứ Hai, 11/07/2011

Trước ngày lên đường quảng bá Phát minh hủy diệt môi trường (nguyên văn tựa sách : The inven­tion of eco­cide : Agent Orange, Vietnam, and the scien­tists who chan­ged the way we think about the envi­ron­ment) tại Mỹ, tác giả David Zierler đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi chân tình.

© Thanh Đạm

Trong chương trình Đêm trắng “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” được tổ chức năm 2004 tại công viên 30-4, TP.HCM.

© Thanh Đạm

Trong chương trình Đêm trắng “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” được tổ chức năm 2004 tại công viên 30-4, TP.HCM.

* Trước hết, xin ông giải thích thêm về tựa đề của cuốn sách, đặc biệt là khái niệm tội ác môi trường (tạm dịch từ nguyên bản tiếng Anh “eco­cide”).

- David Zierler : Phát minh tội ác môi trường, theo tôi, là quá trình bao gồm ba nhân tố chính : một là những nhà hoạch định chính sách Mỹ đã ra lệnh phát động loại hình chiến tranh diệt cỏ, hai là lực lượng quân đội Mỹ đã thực thi lệnh phát động này và ba là các nhà khoa học đã phản đối loại hình chiến tranh trên.

Nói cách khác, khái niệm hủy diệt môi trường không thể tồn tại nếu thiếu một trong ba nhân tố nói trên. Còn cụm từ tội ác môi trường là do tiến sĩ Arthur Galston đặt ra. Ông dùng cụm từ này để truyền đạt quan điểm rằng chất độc da cam không chỉ hủy hoại thiên nhiên Việt Nam mà còn hủy hoại con người nữa.

* Trong sách ông viết rằng sự quan tâm của ông đối với chất độc da cam là một phần trong sự quan tâm chung về mối liên hệ giữa môi trường và quan hệ quốc tế. Ông có thể nói rõ hơn về điểm này ?

- Môi trường luôn là vấn đề mang tính xuyên quốc gia. Khi thế giới ngày càng trở nên gắn kết về kinh tế và chính trị, nguồn tài nguyên chung mà cư dân thế giới đang chia sẻ sẽ trở thành trọng điểm trong chính sự toàn cầu. Trước chiến tranh Việt Nam, thế giới chưa quan tâm đến điều này.

Chính những tranh cãi xung quanh chất độc da cam đã nâng tầm các vấn đề môi trường trong nghị trình quốc tế. Chất độc da cam là một minh chứng của sự hủy diệt môi trường Việt Nam, đồng thời sự dễ dàng và rẻ mạt của việc tiến hành loại hình chiến tranh hóa chất đồng nghĩa với nguy cơ loại chiến tranh này có thể bị nhân rộng ở các quốc gia khác. Đó là lý do vì sao các nhà khoa học Mỹ (mà tôi nhắc đến trong sách) đã cố gắng hết sức để ngăn chặn (loại hình chiến tranh này).

* Tuy nhiên, các nhà khoa học mà ông nhắc đến đã thất bại trong việc ngăn chặn loại hình chiến tranh này trước khi nó diễn ra, do đó hàng ngàn người đã trở thành nạn nhân ở cả hai đầu cuộc chiến. Đây có phải là một nhận định công bằng không, theo ông ?

- Tôi nghĩ chúng ta phải nhìn những nỗ lực của các nhà khoa học trong bối cảnh rộng lớn hơn. Trong vô vàn công dân trên toàn thế giới phản đối chiến tranh Việt Nam, những nhà khoa học mà tôi nhắc đến là những người thật sự thay đổi chính sách của Chính phủ Mỹ thời bấy giờ. Dĩ nhiên mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nếu họ đạt được mục tiêu (ngăn chặn rải chất độc da cam) sớm hơn.

Nhưng nhờ những nỗ lực của họ, quân đội Mỹ đã ngưng rải chất độc da cam từ năm 1970, năm năm trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Đó là điều cần phải được ghi nhận. Thêm vào đó, những nỗ lực nói trên đã tạo tiền đề cho việc cấm sử dụng độc chất trong chiến tranh sau này - thành quả đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

© uga.edu

Sử gia David Zierler.

© uga.edu

Sử gia David Zierler.

* Bản thân cụm từ chiến tranh hủy diệt mang trong đó khái niệm tội ác. Ông có đồng ý với nhận định này ?

- Theo quan điểm riêng của tôi, như đã được thể hiện trong sách, việc diễn dịch pháp lý hạn hẹp không phản ánh được toàn bộ bức tranh sự thật. Đứng từ góc nhìn của dư luận quần chúng và đạo đức nói chung, rõ ràng việc rải hóa chất độc hại xuống đất đai của dân thường là một hành động vô cùng sai trái. Nhờ những nỗ lực của các nhà khoa học nói trên, dẫn đến việc tổng thống Gerald Ford ký kết công ước Geneva cấm khai chiến bằng vũ khí hóa học, nếu ngày nay nước Mỹ tiến hành loại hình chiến tranh này sẽ bị coi là tội ác.

* Qua những cuộc phỏng vấn tiến sĩ Arthur Galston, người đứng đầu nhóm các nhà khoa học Mỹ phản đối chiến tranh diệt cỏ và cũng là người phát minh chất diệt cây cỏ được sử dụng trong hợp chất da cam, ông có thể nói gì về quan điểm của tiến sĩ Galston ? Ông ấy có bày tỏ sự trăn trở về thực tế lịch sử mà ông ấy là một phần trong đó ?

- Tiến sĩ Galston nhận ra rất rõ sự nguy hiểm của việc leo thang chiến tranh diệt cỏ, và đó là lý do ông dành rất nhiều trí lực cho đề tài này. Mối lo lắng cấp kỳ của ông vào thời điểm đó (những năm 1960) là làm thế nào để ngăn chặn chiến tranh diệt cỏ vì ông hiểu rõ tiềm năng hủy diệt tàn khốc của các loại độc chất đối với thiên nhiên và con người.

Còn mối quan tâm lớn hơn của ông là làm sao để trong tương lai không bao giờ còn loại hình chiến tranh này nữa. Tiến sĩ Galston cũng quan tâm sâu sắc đến vai trò của khoa học và đạo đức - quan điểm của ông là khoa học chỉ nên được dùng để cải thiện chất lượng sống của nhân loại - và cũng chính vì nền tảng đạo đức này mà ông lao vào cuộc đấu tranh chống lại chiến tranh diệt cỏ. Là một trong những người phát triển ngành khoa học hóa chất diệt cỏ vào những năm 1940, câu hỏi “nếu như...” là nỗi ám ảnh thường trực đối với ông.

* Trong chương cuối cùng, ông chỉ ra rằng chính quyền của tổng thống Johnson, Lầu Năm Góc và nhiều cá nhân trong cộng đồng khoa học Mỹ vào những năm 1960 đã cố tình dập tắt phong trào phản đối sử dụng chất độc da cam. Vậy có thể nói rằng những định chế và cá nhân này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự hủy diệt của chất độc da cam ? Liệu chúng ta có thể đưa ra tên những nhân vật cụ thể không ?

- Trách nhiệm tối hậu của việc rải chất độc da cam thuộc về Nhà Trắng. Chiến tranh diệt cỏ được phát động từ thời tổng thống Kennedy, mở rộng ra dưới thời tổng thống Johnson và kết thúc dưới thời tổng thống Nixon. Mỗi vị tổng thống đều chịu trách nhiệm một phần trong khoảng thời gian mười năm chiến tranh diệt cỏ dưới quyền chỉ đạo của họ.

* Trong thời gian thu thập tư liệu cho Phát minh hủy diệt môi trường, ông đã đến Việt Nam. Ông cảm thấy gì khi nhìn thấy tận mắt thực tế những điều ông từng nghiên cứu qua sách vở ?

- Đã đi khắp nơi trên thế giới, tôi có thể nói thật lòng rằng Việt Nam là một trong những đất nước vĩ đại nhất trên quả đất này. Tôi đến Việt Nam với mục tiêu nghiên cứu sự hủy hoại và nỗi đau khổ, nhưng thay vào đó, điều tôi tìm thấy lại sự kiên cường, sức mạnh, sự thông hiểu và thái độ thân thiện. Đi dọc chiều dài Việt Nam, tôi thật lòng khó hình dung nổi nước Mỹ đã thả nhiều bom trên đất nước này hơn là toàn bộ Thế chiến thứ hai, và chất diệt cỏ đã bị rải xuống mảnh đất miền Nam Việt Nam trên một diện tích rộng hơn cả bang Massachusetts của Mỹ.

Tôi không có ý nói rằng quá khứ đã bị xóa bỏ hoàn toàn, nhưng tôi nhìn thấy ở Việt Nam quyết tâm hướng tới tương lai và củng cố vị trí văn hóa, kinh tế của mình trên thế giới. Là một sử gia, thực tế đó càng làm tôi tăng quyết tâm nắm bắt sự thật về chất độc da cam trước khi nó phai nhạt dần vào quá khứ.

* Xin cảm ơn ông.

CAM LY thực hiện

Không bộc lộ cảm xúc của tác giả, không dựa vào thân phận đau lòng của những nạn nhân, không dùng những hình ảnh thương tâm để minh họa cho nội dung, David Zierler, với tâm thức của một sử gia, khám phá sự thật qua các sự kiện lịch sử. Và trong vai trò của một sử gia, ông cố gắng đưa những sự kiện ấy đến với công chúng bằng con đường thẳng nhất.

Phát minh hủy diệt môi trường cho thấy thành quả, dù muộn màng, của phong trào phản đối chiến tranh diệt cỏ trong lòng nước Mỹ không chỉ dừng ở việc chấm dứt rải chất độc da cam tại Việt Nam kể từ năm 1970, mà còn là việc thúc đẩy cộng đồng quốc tế thông qua một điều luật trong công ước Geneva cấm khai chiến bằng vũ khí hóa học kể từ sau chiến tranh Việt Nam.

Sức hủy diệt của chất độc da cam, qua con mắt của sử gia David Zierler, cũng là bài học lịch sử lớn lao cho nhân loại về ứng xử với môi trường : không thể tàn phá môi trường mà tránh được hủy hoại con người sống trong môi trường đó.

Nguồn : http://wome­nand­war.hoasen.edu.vn/vn...