Femmes et guerres

Người viết sử cho thanh niên xung phong

© Lan Phương

Ông Nguyễn Văn Đệ nguyên là bí thư Trung ương Đoàn khóa III, nguyên trưởng ban về TNXP. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm về lực lượng TNXP trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc. Các tác phẩm đã xuất bản : Những năm tháng sôi động của TNXP, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, TNXP phục vụ giao thông vận tải chống Mỹ, Ba lần trở lại chiến trường xưa... Hiện nay ông vẫn đang viết sách và theo đuổi công tác ở ban liên lạc TNXP, chăm sóc đời sống cho những cựu TNXP ngày trước.

© Lan Phương

Ông Nguyễn Văn Đệ nguyên là bí thư Trung ương Đoàn khóa III, nguyên trưởng ban về TNXP. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm về lực lượng TNXP trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc. Các tác phẩm đã xuất bản : Những năm tháng sôi động của TNXP, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, TNXP phục vụ giao thông vận tải chống Mỹ, Ba lần trở lại chiến trường xưa... Hiện nay ông vẫn đang viết sách và theo đuổi công tác ở ban liên lạc TNXP, chăm sóc đời sống cho những cựu TNXP ngày trước.

TT - Thứ Năm, 10/03/2011

Ở một căn tập thể trên phố Trương Hán Siêu (Hà Nội), gần Trung ương Đoàn, ông Nguyễn Văn Đệ hằng ngày vẫn xoay xở với lượng tài liệu đồ sộ ông đã lưu trữ. 84 tuổi, ông đã in hàng chục đầu sách tổng kết từ những ngày đầu tiên của phong trào Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.

Giữa dòng chảy chiến tranh

Những năm chiến tranh ác liệt, mạch giao thông trên những con đường miền Trung nghẽn lại vì bom đạn. Giữa bối cảnh ấy, ông Nguyễn Văn Đệ, khi ấy làm bí thư lo mảng công nghiệp của Trung ương Đoàn, đã cùng với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ tổ chức lực lượng TNXP để bắt đầu nhiệm vụ sửa chữa và thông suốt đường giao thông cho chiến trường. Khi ấy chiến trường cần đến 5 vạn lao động cho những tuyến đường và công tác hỗ trợ khác.

Ông Nguyễn Văn Đệ nhớ lại : “Phong trào Ba sẵn sàng thời điểm đó đang lên cao. Hàng triệu thanh niên luôn háo hức cống hiến cho đất nước. Vì thế chương trình huy động cần phải làm khẩn trương“. Ngày 21-6-1965, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 71, quyết định thành lập đội TNXP chống Mỹ cứu nước. 15 cán bộ của Trung ương Đoàn được cử đi các tỉnh thành, những nơi đông thanh niên nhất, phổ biến để những người trẻ tuổi tình nguyện lên đường. Ông Đệ không quên được những hội trường ngập kín tấm lòng trẻ nhiệt huyết.

Những gương mặt thiếu nữ trong trẻo và đầy quyết tâm đang chờ đợi ngày họ được sát cánh cùng cuộc chiến đấu của dân tộc. Ông Đệ kể : “Hà Nội lúc ấy chỉ cần 1.000 người nhưng đã có đến 5 vạn người đăng ký đi, quá nửa là con gái”.

Lúc ấy ông Đệ nghe được câu chuyện của những bà mẹ trẻ vừa sinh con cũng hăng hái đăng ký đi TNXP. Cả ni sư Đàm Thị Dần, đang tu ở ngôi chùa được Trung ương Đoàn mượn làm nơi kêu gọi thanh niên, khi biết có phong trào cũng quyết tâm được đi chiến đấu. Đến ngày 12-7-1965, những lo lắng của áp lực chỉ tiêu tuyển TNXP của ông Đệ được trút bỏ khi ông trực tiếp gặp và báo cáo với Bác Hồ mọi tình hình trong lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước vừa thành lập này.

Trong hai đợt tuyển quân từ 1965-1968, đã có 7 vạn 2 nghìn người trẻ xông pha bước vào những cung đường nghiệt ngã nhất để mở lối cho những cuộc hành quân của bộ đội sau này. Trong thời gian ấy, ông Đệ đi hết các tuyến đường phức tạp, quan sát người TNXP lao động, ghi chép và giữ lại tất cả chi tiết. Có một thời cần phải ghi lại - ông nghĩ - lịch sử cần phải sống tiếp trong tuyến thời gian vô hạn của nó.

Ở giữa dòng chảy đầy sức mạnh, ông Đệ thấy những cô gái trẻ tóc dài nghĩ ra việc lấy cây dại, cây rừng nhỏ làm công cụ lấp hố bom. Thân cây lèn xuống, đất được đổ lên trên cao hơn. Cứ thế những con đường chịu đựng bom đạn, xe tăng... để hành trình của anh bộ đội qua an toàn hơn. Ông Đệ kể về hành trình của mình : “Ban đêm chúng tôi cứ đi, ngày nghỉ. Tôi đã đi cả đường 20, đường 15. Những nơi đánh ác liệt, chết chóc là tôi phải đến ngay. Những nơi như Đồng Lộc, Truông Bồn... tôi đều đến cả, ghi lại và in thành sách. Tài liệu của tôi đã được ghi chép từ những lúc đi lại đó rồi...”.

Để đời sau còn nhớ

Tuổi về hưu, ông Đệ bắt đầu tự thống kê lại tài liệu, bắt tay vào viết những tác phẩm về TNXP dưới dạng những sách sử tổng hợp, những bài ký, những bài viết ngắn về các câu chuyện của người TNXP. Dần dần những tác phẩm như TNXP phục vụ giao thông vận tải chống Mỹ hay Một thời oanh liệt của nữ TNXP lần lượt được ra đời từ năm 1995 đến nhiều năm sau này.

Cũng từ những buổi trò chuyện, gặp gỡ để có thông tin tốt hơn cho sách của mình, ông Đệ bắt đầu nhận ra hình ảnh người TNXP đang dần bị quên lãng. Ông phân tích : “Nhược điểm của TNXP là không có quy định nào về quản lý hồ sơ của TNXP cả. Anh em hoàn thành nhiệm vụ được cho về, có quyết định hay không cũng cứ thế về thôi, sướng quá, chả có giấy tờ gì cả. Thậm chí có người bị thương tật nằm nhà thương cũng không có giấy tờ. Mấy chục năm sau chẳng ai nghĩ đến”.

Ông cũng là người có thời phụ trách TNXP. Họ đã đem cuộc đời rất trẻ của họ ký thác ngay vào bản tình nguyện khi lời hiệu triệu yêu nước vang lên. Ông Đệ, với ký ức về hàng vạn thanh niên xuất hiện trong những hội trường động viên TNXP lên đường, day dứt với câu hỏi “TNXP có ai lo ?”. “Chúng ta tự lo lấy anh em vậy !” - ông kết vấn đề đơn giản.

Cùng với những người tâm huyết, ông Đệ lập ra ban liên lạc TNXP. Từ nơi này, ông đã đi khắp các tỉnh bằng chính sức lực và khả năng của mình, tốt hơn thì được địa phương đi cùng để thống kê tình hình TNXP, đời sống, những khó khăn mà họ gặp phải. Sau mỗi lần đi, những con số về TNXP và điều kiện sống của họ lần lượt được ông tổng hợp một cách kỹ lưỡng. Năm 1996, khi ông trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt để xin một thành phần chính sách rõ rệt cho người TNXP, sau khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ với đất nước và có khi phải chịu thương tật suốt đời.

Những nhắc nhở từ lịch sử và trang viết của ông, cộng với những phân tích và con số rõ rệt ông có được, ông Đệ với ban liên lạc TNXP đã đấu tranh cho chút “danh phận” của những người trẻ áo vải, tóc dài, đã có thời điểm bước vào bom đạn mà không chút vấn vương nào với sự sống cá nhân của mình. Sau này, những công nhận và chính sách của Nhà nước dành cho đối tượng TNXP luôn làm ông cảm thấy mình và ban liên lạc đã làm được một điều quan trọng cho những đồng đội trên tuyến lửa từ tận ngày chiến tranh đến giờ.

Ông trầm ngâm tổng kết : “Anh em sẵn sàng ra đi không tiếc xương máu, sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp đánh Mỹ, không tiếc gì hết. Đó là cái đẹp nhất. Họ lăn xả vào chiến trường, được đi là phấn khởi, không cần biết tương lai mình thế nào. Nơi nào đánh càng ác liệt TNXP lại càng hăng hái. Với hai bàn chân đất, nhất là chị em, tính từ Hải Phòng, Thái Bình hành quân vào đến Trường Sơn hơn 400km họ vẫn đi bộ. Đi không được thì dìu nhau đi. Không ai đào ngũ. Họ cũng hành quân thần tốc nhưng bằng hai chân đất. Đi cũng đi bộ, về cũng đi bộ. Người ta bảo anh em hành quân đến được chiến trường là thắng lợi 60% rồi, chưa nói đến làm gì cả”.

Cả tuổi trẻ của ông đã được hun đúc trong hình ảnh những người trẻ bình dị nhất, đã đơn giản lên đường, miệt mài lao động và sẵn sàng chấp nhận hi sinh trên những cung đường đầy máu và nước mắt.

LAN PHƯƠNG - VIỄN SỰ

Nguon : http://tuoi­tre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/...

Một thời oanh liệt của nữ thanh niên xung phong

Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) ra đời trong cao trào cách mạng của dân tộc do Bác Hồ sáng lập (15/7/1950). Trãi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, TNXP luôn là đội quân xung kích cách mạng, thành tích của họ thật xứng đáng là biểu tượng rực rỡ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của phong trào thanh niên yêu nước Việt Nam. Dù gian khổ, khó khăn ác liệt bao nhiêu, anh chị em TNXP không bao giờ cúi đầu khuất phục, dù nhiệm vụ nặng nề đến mấy anh chị em TNXP cũng sẵn sàng gánh vác và luôn hoàn thành nhiệm vụ.

Cuốn sách “Một thời oanh liệt của nữ thanh niên xung phong” do Nguyễn Văn Đệ biên soạn, được NXB Thanh niên ấn hành đã khắc họa được tinh thần hăng hái, say sưa lao động, chiến đấu, học tập, cuộc sống lạc quan, yêu đời “Tiếng hát át tiếng bom”, dù phải hy sinh xương máu, anh chị em TNXP vẫn một lòng một dạ trung thành với cách mạng, tuyệt đối tin tưởng ở Đảng, ở Bác Hồ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

253 trang viết tập hợp nhiều bài viết của Bác Hồ về TNXP, những tấm gương sáng ngời của các nữ liệt sĩ ở ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, núi Nhồi (Thanh Hóa),...Tất cả như những trang huyền thoại tuyệt vời về những người con gái Việt Nam anh dũng, kiên trung. Thời oanh liệt của họ mãi mãi còn âm vang đến hôm nay và cả mai sau. Chính họ đã viết nên lịch sử Việt Nam vẻ vang, lừng lẫy.

Nguồn : http://www.hau­giang.gov.vn/portal/d...

Nhà truyền thống TNXP toàn quốc

Nhà truyền thống TNXP toàn quốc

Ngabadongloc - 13/7/2005

Nhà trưng bày truyền thống TNXP toàn quốc là nơi mà lịch sử TNXP hiện lên tráng liệt nhất, rõ nét nhất, sống động nhất. Gian chính diện có tượng Bác Hồ, đông chí Trần Phú và cụm tượng bộ đội, TNXP. Những câu khẩu hiệu đã từng là lý tưởng cháy bỏng của thanh niên được đăng đầy cả 3 gian phòng lớn.

110 hiện vật gốc, 12 ảnh gốc và 145 hiện vật được phục chế cho người xem thấy cuộc sống lao động, chiến đấu của TNXP trên mọi ngả đường với tinh thần :” Tất cả cho tiền tuyến”,”Địch phá một, ta làm mười”. Một cuộc sống sôi động, đầy chất thép mà cũng đầy lãng mạn. Hiện vật gồm đồ đạc sinh hoạt, dụng cụ chiến đấu của TNXP : xe bò, xe cút kít, ống nhòm, xắc cốt, bộ đội với nòng pháo cao xạ, công nhân giao thông với máy xúc, máy ủi, những bức ảnh chụp cảnh trong giờ chiến đấu, cảnh đời thường và cảnh ca hát của TNXP.

NGÀY THÀNH LẬP LỰC LUỢNG TNXP TOÀN QUỐC 15-7-1950

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt, để chuẩn bị mở chiến dịch biên giới Cao - Bắc - Lạng, Bác Hồ trực tiếp chỉ thị và giao cho Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam lúc bấy giờ tổ chức đội TNXP công tác do trung ương Đoàn trực tiếp lãnh đạo. Ngày 15-7-1950, thực hiện chỉ thị của Bác, tiểu ban thanh vận Trung ương quyết định thành lập Đội TNXP công tác đầu tiên. Đội gồm 225 đội viên nam nữ làm nhiệm vụ vận tải lương thực, súng đạn , sửa chữa cầu đường phục vụ chiến dịch Cao - Bắc -Lạng.

Phát huy truyền thống vẻ vang của TNXP thời chống Pháp, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển sang giai đoạn gay go ác liệt, một lần nữa Trung ương Đảng và Bác Hồ giao cho Đoàn TN lao động Việt Nam tổ chức và chỉ đạo lực lượng TNXP chống Mỹ cứư nước ở miền Bắc. Ngày 21-6-1965, thực hiện chủ trương của Đảng và Bác, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 71 thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứư nước tập trung làm nhiệm vụ đảm bảo các công việc về giao thông vận tải trên các tuyến đường trọng yếu. Sau khi có chỉ thị 71, Bộ lao động đã ra chỉ tiêu đợt đầu, cho tuyển 5 vạn TNXP ở 12 tỉnh thành miền Bắc gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hà Đông, Hải Hưng. Riêng Hà Tĩnh đợt đầu đã có 6.600 TNXP. Huyện Can Lộc cần tuyển 400 người đã có 3193 đơn xin gia nhập.

Ở miền Nam, mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam cũng giao cho Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam thành lập lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, vừa phục vụ công tác GTVT ở miền Bắc, vừa phục vụ chiến đấu ở miền Nam.

Phía trong Nhà truyền thống TNXP toàn quốc.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, lực lượng TNXP đã chứng tỏ vai trò to lớn của mình trong chiến đấu, lao động, sản xuất, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vào cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn TNXP đã gan dạ, dũng cảm, mưu trí, có mặt khắp nơi trên các tuyến đường trọng yếu của đất nước để đảm bảo thông đường cho xe ra mặt trận. Họ đã gác lại tình yêu, tuổi xuân, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Hàng nghìn người đã vĩnh viễn nằm lại trên các cung đường, hàng trăm người bị thương, rất nhiều nữ TNXP đã trở về sống cô đơn, không chồng không con. Trong số 5 vạn TNXP nổi bật lên có tập thể : A4-C552 trong đó có 10 cô gái anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc, 12 cô gái hy sinh ở Truông Bồn, 13 cô gái TNXP hy sinh tại núi Nhồi – Thanh Hoá, 12 nam nữ hy sinh tại Ga Gôi – Nam Hà, 8 nữ TNXP hy sinh trên đường Quyết Thắng...cùng nhiều tấm gương tiêu biểu khác.

Hoà bình lập lại, TNXP lại tiếp tục sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Nhiều đơn vị TNXP làm kinh tế, làng thanh niên ra đời. Gần đây lại có phong trào thanh niên tình nguyện. Dù ở thời kỳ nào, dù khó khăn đến đâu, TNXP vẫn làm đúng lời Bác dạy trong lần kiểm tra phân đội TNXP 312 ở Nà Cù ( Bắc Cạn) vào ngày 20-3-1951.

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên

Nguon : http://nga­ba­don­gloc.org.vn/?menu=de...