Femmes et guerres

Bắt gặp tuổi 20

Nguyệt san Pháp Luật TP. HCM - 15/10/2011

Với những người cùng thời, cuốn nhật ký như những thước phim ghi lại một thời đạn bom khốc liệt, hào hùng. Ở đấy, tuổi đôi mươi hiện lên với khát vọng cháy bỏng : Dấn thân, quên mình vì Tổ quốc.

LTS : Nhật ký là những ghi chép, trải nghiệm mang tính cá nhân. Nhưng có những cuốn nhật ký khiến bao trái tim phải thổn thức, muốn soi rọi lại mình, hỏi xem mình đã làm được gì để xứng đáng với bản thân, gia đình và xã hội, xứng đáng với lớp người đi trước. Nhật ký Thanh niên xung phong Trường Sơn 1965-1969là một cuốn như thế.

Tác giả những dòng nhật ký in trong cuốn sách này là một chàng trai vừa rời trường trung học dấn thân vào tuyến lửa. Nhưng những quan sát, suy tư của anh về chiến tranh, về những hy sinh, mất mát… không chỉ là trải nghiệm riêng tư mà như một lát cắt mang đầy đủ hơi thở cuộc sống của một thời ra trận.

Chiến sĩ Binh trạm 32 TNXP dẫn bộ đội trên đường Trường Sơn.

Nhập cuộc

Miền Bắc, năm 1965. Mỹ leo thang thả bom, đánh phá ác liệt.

Tại thị xã Phủ Lý (Hà Nam) - nơi Trần Văn Thùy đang sống và học tập - có một tổ dân phố đang họp. Khuya đó, trên trang vở học trò của chàng trai vừa rời trường trung học ghi : “Cả tối nay họp nhân dân nghe báo cáo về vấn đề “xung phong tình nguyện”. Đúng ! Quả quyết lần nữa : Đi thôi, mình sẽ đi thôi ! Nề hà chi !”.

15 ngày sau, anh khoác ba lô xung phong vào trận tuyến. Nếu có cái gì lướng vướng thì cái ấy chính là “Người ta mất đứa nọ còn có đứa kia, nếu con mất đi - còn có đứa nào nữa đâu” (tác giả là con trai độc nhất của gia đình).

Nhưng rồi, gác lại mọi thứ anh đã lên đường. “Lần đầu tiên trong đời thực sự khoác ba lô nặng trĩu trên vai dấn bước… Dọc phố, nhân dân đứng rất đông hai bên đường. Những bà mẹ có con ra đi thì lật đật chạy theo cố dúi cho con mình những kỷ niệm cuối cùng của sự chăm sóc trong gia đình… Ở ga, một cuộc tiễn đưa chưa từng có trong đời mình diễn ra. Những con mắt nhìn nhau chăm chú, hy vọng ghi lại hình ảnh của nhau trong ký ức. Hàng trăm người đã khóc. Bạn bè thì ôm chầm lấy nhau. Các bà mẹ thì không sao nói mạch lạc được…

Và tàu chuyển bánh đi xuôi… Mình nhoài ra cửa toa nhìn mọi người lần cuối và chỉ khi đó mới trông thấy chị Th. hớt hải chạy dọc sân ga gọi tên mình… rồi vấp ngã. Tất cả ở lại phía sau…”.

Và đây, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tác giả : “Đến Ninh Bình tất cả phải xuống đi bộ. Cầu Ninh Bình đã bị bom thù làm gục, bọn mình lần mò qua những hố bom nham nhở. Trời tối quá… Theo cầu phao qua sông vẫn có thể thấy rõ chiếc cầu dạng vòm gục xuống lòng sông… Đột nhiên một cảm giác nặng nề về chiến tranh xâm chiếm tâm hồn”. Chính những hình ảnh này càng củng cố thêm quyết tâm dấn thân của tác giả, như lớp lớp thanh niên lúc bấy giờ. Mở đầu nhật ký của những ngày sau đó tác giả luôn bắt đầu bằng từ “Ra đi !” như tái khẳng định cái quyết tâm nhập cuộc của mình.

Phút nghỉ ngơi của nữ TNXP Trường Sơn.

Trăng trong bão lửa

Cái bỡ ngỡ ban đầu dần qua đi, tác giả cùng những chàng trai, cô gái TNXP dần hòa nhập với cuộc sống khốc liệt chiến trường. Những ngày hành quân mệt lả, những buổi lao động hăng say, những đợt chống lầy, lấp hố bom, thông xe ra trận tuyến. Cuộc sống thiếu thốn nơi rừng sâu nước độc không ít lần quật họ ngã bệnh. Nhưng trên hết, họ gắn bó, yêu thương và đoàn kết nhau để cùng chung nhiệm vụ.

Xuyên suốt cuốn nhật ký là hai hình ảnh đối lập liên tục xuất hiện : Bom rơi đạn nổ tang thương và những đêm trăng thanh thoát núi rừng - những đêm trăng hiếm hoi xen giữa những đợt bom long trời lở đất.

“Không khí căng thẳng lạ thường, hầm hập và khó chịu. Mùi hoa rừng tỏa khắp vùng làm đầu óc nhức buốt. Vài chú ve sầu kêu inh ỏi như một khúc nhạc lạc điệu, buồn tẻ. Có một cái gì đó như… tai họa đang đến” (trang 161). “Trời tối dần, trăng muộn, không khí im ắng, căng thẳng, tất cả như chờ đón một cái gì đó sẽ đến… Đang nằm thoải mái thì B52 tới, chớp nhằng nhịt và bom nổ tới tấp ngay cửa hang, tất cả rung lên bần bật, gió xoáy vào hang, mù mịt…” (trang 162).

Và đây, “bất ngờ quá, Thọ đã hy sinh, mình thấy choáng váng… Xe thương binh đi qua, mình lao lên. Nguyệt bị sức ép mềm nhũn, Minh, Nga đều không hay biết gì…” (trang 159). Không chỉ trực tiếp chứng kiến, cái tang thương, khốc liệt của chiến tranh còn đến từ những cánh thư quê nhà. “Tin đau xót đến với bản thân bất ngờ quá làm tôi choáng váng. Ngày 18-8-1966, giặc Mỹ đã dã man mang máy bay đến oanh tạc quê nhà, cô Tuân đã chết… Trên Phủ Lý, kẻ thù đã san bằng toàn thị xã, gia đình phải về Đục Khê, nhà cửa không còn gì cả…” (trang 149).

Trong cái nền chiến tranh tàn khốc ấy, những đêm trăng xuất hiện như những biểu tượng hòa bình. “Trăng nhô lên sau núi. Trăng khuất lại sau mây. Trăng rười rượi ánh bạc. Trăng trải ánh sáng xuống núi rừng, khe suối, đẹp vô ngần. Dưới lòng suối, trăng trọn vẹn lung linh. Mỗi lần khuấy động lòng suối là một lần trăng tan ra từng vụn “lửa”. Muốn “bốc” trăng lên trải thành từng cụm “lân tinh” rải rác trên bờ… Muốn “bốc” trăng lên rải ánh sáng của nó vào mọi tâm hồn để tất cả đều chan hòa, đều rung động bởi ánh sáng này” (trang 32)…

Đến đây tự nhiên tôi liên tưởng đến từ “tiểu tư sản thành thị” và lần đầu tiên trong đời tôi thích dùng từ này để gán đặt cho tác giả cuốn nhật ký. Giữa chiến tranh có người biết tranh thủ ngắm trăng, biết tranh thủ giờ nghỉ để đọc sách, đọc truyện, thường xuyên trăn trở, suy tư trước xung quanh, đồng đội và bản thân mình. Không ít lần trong nhật ký ta bắt gặp những dòng động viên thế này : “Gia đình mình vẫn thường đặt ra câu hỏi “Bản thân đã làm gì cho cuộc sống ?” chứ không cầu mong cuộc sống đã làm gì cho bản thân ! Đó là câu hỏi đúng đắn. Và bốn năm nay mình đã sống bằng câu hỏi đó…”. Ngay cả lúc chán chường nhất vì bị cơn sốt rừng hành hạ, tác giả cũng tự vấn : “Dù chỉ còn một tàn lực mình cũng nguyện cống hiến cho sự nghiệp có ích của cuộc đời. Đừng để bản thân rỗi rãi, đừng sống ích kỷ quá, đừng để tháng năm qua đi một cách vô vị…” (trang 382).

* * *

“Trong chiến tranh, thường xuyên bên cái chết, con người trở nên tốt hơn, mọi điều nhỏ nhen tầm thường biến mất, tựa như lớp da rộp nắng bong hết, trong con người chỉ còn lại cái lõi của nhân phẩm… đó là bản chất tuyệt đẹp của con người”.

Đoạn trên được tác giả trích dẫn từ truyện ngắn Tính cách Nga của nhà văn A.N. Tolstoy. Đó cũng là tính cách của TNXP, của người Việt Nam trong những cuộc chiến tranh vệ quốc. Dĩ nhiên, đó cũng là tính cách của tác giả những dòng nhật ký tôi vừa trích dẫn.

NGÔ THÁI BÌNH

Mình rất yêu N., luôn luôn yêu N. Nhưng mình cứ phải luôn luôn tự hỏi : “Có được phép yêu hay không ?”…

Con đường mòn dẫn chúng tôi tới dòng suối nhỏ cây cối um tùm. Đến đây, cả hai dừng lại. ... Trời như sẫm hơn, tối hơn. Trên đầu chúng tôi những cây lớn xõa tóc chằng chịt dây leo. Thiên nhiên thâm thúy quá. Nó như thôi thúc tôi mạnh hơn. Phải nói, nói đi thôi !...

- N. ạ ! - cuối cùng tôi lên tiếng - Tôi muốn nói với N. một sự thật…

… Tôi dẫn N. đi thêm một đoạn nữa đến một khu đá kín đáo hơn. Tại đây, chúng tôi có thể nhìn rõ cả khoảng trời u ám phía trên, nhìn thấy cả khoảng rừng phía hai bờ lỗ chỗ vết bom B52. Không khí xem chừng có lạnh hơn. ..

- N., như vậy là chúng ta lại gặp nhau… Có lẽ tốt hơn hết là chúng ta đừng gặp nhau nữa… Sao ! Nói đi N.

- N. đi về đây.

N. cúi mặt bước đi, không quay lại nhìn tôi… Tôi nắm hai vai N. và quay mạnh người cô lại. N. ngước mắt nhìn tôi. Đôi mắt mới lúc nãy còn trong vắt, tươi vui, giờ đây như có một đám mây lướt qua… Đôi mắt ấy giờ đây đẫm nước mắt…

N. hơi cúi đầu. Cô không cầm được nước mắt nữa. Hai tay nâng mặt N. lên, tôi nhìn thẳng vào mắt cô. … Hai mắt buồn bã nhìn không chớp, N. nép người vào tôi. Những sợi tóc lòa xòa trước trán, tôi nhẹ nhàng vuốt lên cho cô.

- N. ạ ! Không còn cách nào khác cả. Dẫu sao N. cũng hãy trả lời tôi nhé, vào một ngày gần đây. Còn bây giờ trời tối rồi, tạm biệt.

Để N. đứng lại, tôi cố gắng bước đi không quay đầu. Nhưng tiếng gọi như nghẹn lại của N. đã giữ bước chân. N. níu cánh tay tôi, đôi mắt thẫn thờ.

- Tình cảm của chúng ta đẹp lắm. Nhưng còn có cái lớn hơn nhiều. Thông cảm N. nhé !

Tôi ra về. Trời đã sẫm lại, cái lạnh xem chừng ghê gớm hơn… Khắp nơi những chiếc lá vàng lả tả rơi trước mắt…

(Trích Nhật ký TNXP Trường Sơn 1965-1969, Trần Văn Thùy, NXB Văn hóa - Văn nghệ, trang 31, trang 282 - 287 và trang 389)

Nguồn : http://pha­pluattp.vn/20111014102235...

Đường Trường Sơn - kỳ quan của lòng yêu nước

TNTS - 24/08/2011

Cách đây gần 15 năm, có đoàn khách Bắc Âu từ Sài Gòn du lịch xuyên Việt. Lúc qua Nha Trang, một vị khách đột ngột hỏi : “Không hiểu tại sao VN có bề dày lịch sử hào hùng mà không có công trình nào để lại cho đời ngưỡng mộ ? Trung Quốc có Vạn lý trường thành, Campuchia có Angkor, Ai Cập có kim tự tháp…”. Tôi hơi hoảng vì câu hỏi cắc cớ. Sau vài giây bối rối, tôi cười xởi lởi : “Các bạn tự tìm hiểu xem sao ? Trước khi rời VN, tôi sẽ trả lời”.

Sau khi hỏi bạn bè, đồng nghiệp và tự chiêm nghiệm, suy nghĩ, trên đường ra sân bay Nội Bài, tiễn khách về châu Âu, tôi trả lời : “Tổ tiên chúng tôi không lấy xương máu của nhân dân làm nên những công trình để khoe mẽ và phục vụ cho thiểu số thống trị. Cách đây chưa xa, cha anh chúng tôi, với khát vọng độc lập tự do và giải phóng dân tộc, bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu và cả tuổi thanh xuân của mình đã làm nên con đường Trường Sơn (ĐTS) huyền thoại dài gấp 3 lần Vạn lý trường thành. Nhờ con đường lịch sử này, chúng tôi đã giành được thắng lợi, thống nhất giang sơn. Có dịp, mời các bạn trở lại, tôi sẽ rất vinh dự đưa các bạn dạo chơi trên con đường huyền thoại này”. Nghe vậy, mọi người đều vỗ tay tán thưởng.

Lúc đó nói đại, ai dè mấy năm sau con đường được khởi công, mang tên Hồ Chí Minh. Có mặt từ những ngày đầu khảo sát tour với anh em nhà báo, gần 10 năm trôi qua, tôi vẫn giữ nguyên cảm xúc rạo rực trào dâng mãnh liệt khi lần đầu đặt chân lên ĐTS. Nhiều lần trở lại, lần nào cũng có những phát hiện lý thú và cảm động. Trung thu 2002, Lửa Việt cùng Báo Thanh Niên mở “Tuần hội trung thu trên đường Hồ Chí Minh”. Lần đầu tiên trẻ em dọc ĐTS được vui đón trung thu thật hoành tráng. Hành trình suốt 2 tuần lễ, vừa khám bệnh phát thuốc, vừa tặng quà và tổ chức vui chơi, được Vietbook công nhận guin­ness “Tuần hội trung thu lớn nhất Việt Nam”. Hằng năm, nhóm anh em tham gia tuần hội vẫn họp mặt cùng ôn lại những kỷ niệm của chuyến đi tuyệt vời. Nhớ những lần đường sạt lở, phải quay lại đi đường vòng. Nhớ mấy lần xe mắc lầy, phải nhờ công binh hỗ trợ. Nhớ lần hư xe phải chạy về xuôi chở thợ lên sửa. Nhớ những bà mẹ hiền hòa, những em bé ngây thơ hồn nhiên chân chất. Nhớ cảm nhận bồi hồi khi đứng trước bia lưu niệm của đoạn cuối ĐTS ở Dak Bukso (Đắk Nông). Rồi các địa danh một thời lừng lẫy, chấn động cả nước Mỹ và thế giới như Đăk Tô, Tân Cảnh, Phượng Hoàng, Ngọc Hồi, Đak Pô Kô, Đăk Glei, Lò Xo, Cổng Trời, Khâm Đức, A Tép, A Roàng, A Lưới, Đăk Rông, Khe Sanh, Làng Vây, Tà Cơn, đường 9, Đá Đẽo, Khe Gát, Khe Ve, Khe Giao, Đồng Lộc, Tân Kỳ… Mỗi địa danh là một kỳ tích của khát vọng độc lập.

© Lưu Quang Phổ

ĐTS - người Mỹ gọi là đường mòn Hồ Chí Minh, gắn với binh đoàn Trường Sơn hay đoàn 559 vì thành lập tháng 5.1959. Tên gọi Trường Sơn xác định địa danh - dãy Trường Sơn chạy dọc miền Trung, có địa hình hiểm trở nhất Đông Nam Á. Núi cao, rừng rậm nhiệt đới, rất ít dân cư. ĐTS vốn là những lối mòn đi lại trong rừng, từng được sử dụng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau 1954, chính phủ Việt Nam cộng hòa, được Mỹ hậu thuẫn đã phủ nhận hiệp định Geneve, đàn áp dã man những người yêu nước mà đỉnh điểm là Luật 10.59. Nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập đoàn 559 để xây dựng ĐTS với 440 người, mang phiên hiệu Tiểu đoàn giao liên D301 do Thượng tá Võ Bẩm (sau này là Thiếu tướng) chỉ huy. Nhiệm vụ của đoàn là mở đường hành quân với phương châm “Đi không dấu - nấu không khói - nói không tiếng”. Năm 1960, quân số đoàn tăng lên 6.000 người với 2 trung đoàn là E70 và E71, chưa kể các lực lượng bảo vệ và dân công Việt – Lào. Thời gian này, ĐTS chỉ để chuyển quân, còn vũ khí được chuyển bằng đường biển. Khi đường biển bị cắt đứt, ĐTS đảm nhận luôn. Ban đầu hàng vận chuyển bằng xe đạp thồ và xe bò. Cuối năm 1961 mới có xe cơ giới. Tháng 4.1965, đoàn 559 có 24.000 người gồm 6 tiểu đoàn vận tải ô tô, 2 tiểu đoàn xe đạp thồ, 1 tiểu đoàn đường thủy, 8 tiểu đoàn công binh và 45 trạm giao liên. Mỗi trạm giao liên cách nhau 1 ngày đường đi bộ, khoảng 40km. ĐTS không ngừng được nâng cấp và mở rộng về mọi mặt, sang tận cả nam Lào và đông Campuchia. Binh đoàn có 6 sư đoàn trực thuộc, 4 trung đoàn vận tải, 2 trung đoàn đường ống dẫn dầu (ĐTS ngầm dưới mặt đất), 3 trung đoàn phòng không (có cả pháo cao xạ 100mm), 8 trung đoàn công binh và các trung đoàn cầu, thông tin, vận tải đường sông… Riêng lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) có 4 đoàn, gần 10 ngàn người. Mỗi tháng bình quân chuyển được từ 30-40 ngàn quân và trên 50 ngàn tấn hàng. Trước đây hành quân bộ mất hơn 3 tháng, nay chỉ cần 10 ngày. Dù bị đánh phá ác liệt, tỷ lệ hàng hóa hao hụt chưa bao giờ quá 5% !

Trong 16 năm tồn tại, 120.000 người (từ bộ đội đến TNXP và dân công hỏa tuyến) đã làm nên ĐTS - kỳ quan của lòng yêu nước, góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng, giải phóng đất nước. Hệ thống ĐTS gồm 5 đường dọc, 21 đường ngang, tổng chiều dài hơn 20.000 km ! Trong đó có 3.140 km đường kín - xe chạy ban ngày dưới tán rừng - hàng ngàn cầu, cống ngầm cùng 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu. Gần 6.000 ngày đêm hoạt động, ĐTS đã chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng, đưa đón hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc ra Bắc, vận chuyển cơ động 10 sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị công binh kỹ thuật vào Nam. Từ 1965 - 1972, Mỹ huy động hơn 730.000 lượt máy bay, đánh phá hơn 150.000 trận, ném xuống ĐTS gần 4 triệu tấn bom đạn (gấp 20 lần quả bom nguyên tử ở Hiroshima). Hơn 20 ngàn người hy sinh, đa phần do sốt rét, phù tim, phù phổi, kiết lỵ, trụy tim mạch, suy kiệt… vì quá gian khổ. Hơn 30 ngàn người bị thương, chưa kể các di chứng nặng nề của chất độc da cam và dioxin...

Trong lịch sử VN, chưa có địa danh nào để lại khối lượng đồ sộ tác phẩm văn học, nghệ thuật bất hủ như ĐTS. Từ chiếc gậy TS đơn sơ mà hiệu quả đến đôi dép cao su, còn gọi là dép râu, giản dị mà ăn đứt các loại giày - ủng cao cấp của Mỹ (chỉ dép râu mới chịu đựng được mọi ẩm ướt, bùn lầy để vượt xa ngàn dặm) đều đi vào văn, thơ, phim ảnh, nhạc, họa...

Kusu Jeong - cô bạn thân Hàn Quốc, tiến sĩ lịch sử VN đã ở VN mấy chục năm và đi khắp đất nước, chỉ mơ ước : “Được đi trên ĐTS năm xưa, chứ không phải đường mới trải nhựa”. Nhiều bạn bè tôi ở nước ngoài cũng mong ước tương tự. Dọc ĐTS năm xưa có vô số điểm tham quan kỳ thú. Thác Monique (Quảng Nam) - nơi vua Shihanouk và hoàng hậu Monique dừng chân nghỉ ngơi và tắm thác trên hành trình về lại Campuchia. Suối Bang (Quảng Bình) - suối khoáng nóng nhất VN, đến 105oC. Quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng với rất nhiều hang động. Lam Kinh của Lê Lợi và thành nhà Hồ của Hồ Quý Ly ở Thanh Hóa… Thiết nghĩ cũng cần phải có ngay bảo tàng thực về ĐTS. Du khách sẽ hành quân bằng Motolova qua các đường kín, vượt các trọng điểm đánh phá rồi hành quân bộ với dép râu và gậy TS. Khách được ngủ giữa rừng với những trải nghiệm thật sự của tuyến lửa. Sẽ thực hành “đi không dấu - nấu không khói - nói không tiếng”. Sẽ học cách mắc võng, mắc “tăng” chống mưa, cách bắt cá thủ công và nhận diện các loại rau rừng ăn được, cách chống vắt, chống muỗi, trị côn trùng và rắn cắn… Sẽ gặp lại những nhân vật huyền thoại như : A Lang Bhuoch - người mù tải đạn ở Tây Giang - Quảng Nam ; chị La Thị Tám - anh hùng ở Ngã 3 Đồng Lộc, nhiếp ảnh gia Lê Minh Trường… cùng rất nhiều người đã trực tiếp làm nên ĐTS. Những ai vượt qua thử thách, chiến thắng bản thân sẽ được các tư lệnh năm xưa : Thiếu tướng Võ Bẩm, Thiếu tướng Bùi Đình Ấm… tận tay trao giấy chứng nhận và huy hiệu TS huyền thoại…

Làm được như vậy, tôi tin là ĐTS sẽ trở thành thương hiệu du lịch độc đáo, đảm bảo không đụng hàng. Và tại sao không nghĩ đến việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “ĐTS là di sản thế giới” ?.

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn : http://www.thanh­nien.com.vn/Pages/2...

Điểm cuối đường ống dẫn dầu Trường Sơn

Các nữ TNXP đang lắp đặt một đoạn của đường ống dẫn dầu Trường Sơn vào năm 1969.

SGGP - Thứ năm, 18/08/2011

Trong số những huyền thoại trên con đường Trường Sơn lịch sử, hệ thống đường ống dẫn dầu là một trong những kỳ tích đáng nể của Đoàn 559. Đây là một trong 3 hệ thống chủ lực của đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh, ngoài 2 hệ thống đường mòn dành cho các phương tiện xe cơ giới và các đơn vị quân đội chủ lực.

Qua nhiều năm thăm dò, vào ngày 25-8-1968, đường ống xăng dầu đã được vận hành với chiều dài 1.400km, nối từ tuyến hậu phương Quảng Bình, Vĩnh Linh, hình thành 2 tuyến Đông và Tây Trường Sơn đến Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) ở miền Đông Nam bộ, cùng các bể chứa dự trữ lớn ở Lộc Ninh với 113 trạm bơm đẩy, 33 trạm cấp phát.

Từ năm 1968 đến năm 1975, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu này nhập vào tuyến 317.596 tấn xăng dầu, đã cấp 61.064 tấn cho các chiến trường, đảm bảo nhu cầu xăng, dầu cho vận tải và cơ động các binh chủng kỹ thuật quy mô lớn, phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Ngày 7-4-1972, sau khi được giải phóng, Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là nơi tập kết các nguồn chi viện phục vụ cho chiến trường B2 và chiến dịch giải phóng miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước.

Trước nhu cầu bức thiết để phục vụ cho cuộc chiến thần tốc sau này, đầu năm 1974, đường ống xăng dầu chi viện từ miền Bắc về đến Bù Gia Mập được thiết lập và từ đây bằng các phương tiện, xăng dầu được chuyển về chứa tại Lộc Ninh dọc theo các con đường từ Bù Đốp đến ngã ba Lộc Tấn. Tại đây 2 đơn vị có quy mô lớn nhất là Tổng kho xăng dầu VK 98 đóng ở xã Lộc Quang với 7 bồn chứa và VK 99 xã Lộc Hòa có 10 bồn chứa, mỗi bồn cao 3,5m, đường kính 10m, sức chứa 250.000lít/bồn.

Việc xây dựng tổng kho và vận chuyển xăng dầu về đây trong thời kỳ chiến tranh được giữ bí mật hoàn toàn, không người dân nào sống trong khu vực này hay biết. Hoạt động này góp phần tạo nên chiến thắng vẻ vang cho cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Theo đại úy Bùi Văn Hòa, Trưởng ban Vận động quần chúng, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, hiện nay tại điểm cuối của đường ống dẫn xăng dầu lịch sử này (nằm trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập) chỉ còn giữ lại một bồn xăng để giới thiệu một phần lịch sử hào hùng của dân tộc.

KHẢ HÂN (tổng hợp)

Nguồn : http://www.sggp.org.vn/chinh­tri/duo...

Chuyện tâm linh từ các Liệt sĩ Trường Sơn bất tử

© Nguyễn Anh/Vietnam+

Một góc nhỏ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

© Nguyễn Anh/Vietnam+

Một góc nhỏ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

VN+ - 02/07/2011

Tuy nằm ở một nơi xa xôi nhưng vào mùa hè hằng năm (mùa tri ân) thì người người về nghĩa trang Trường Sơn trong niềm biết ơn chân thành. Mỗi năm có nửa triệu lượt người đến đây như về chốn tâm nguyện trả nghĩa, thỏa lòng.

Từ khi đứng trước tượng Hồ Chủ tịch trong khu tưởng niệm cho đến khi ra Đài tưởng niệm của các liệt sĩ, ai về Trường Sơn cũng trầm lắng, nghẹn ngào. Phóng viên Vietnam+ đã hòa cùng dòng người lắng lòng và nghiêng mình giữa Trường Sơn trong mùa tri ân ngập nắng. Chuyện thực và chuyện như mơ đã vang bên tai và trong lòng giữa ngập tràn cảm xúc khó quên…

Giữa mênh mông nghĩa trang « chăm » hàng vạn đồng đội

Đến đây vào những ngày nắng chói chang của miền Trung, ai cũng rưng rưng trước cả vạn ngôi mộ trắng san sát nối tít tắp. Những người quản trang đang lặng lẽ làm nhiệm vụ tưới nước cho hoa cỏ ở các tượng đài... Họ cùng nhau chăm lo mộ phần cho hàng vạn đồng đội của mình.

Bởi hầu hết cả chục người làm quản trang ở đây có chung hoàn cảnh như chồng là thương binh vợ là thanh niên xung phong. Chiến tranh kết thúc, họ tình nguyện ở lại Nghĩa trang Trường Sơn, chấp nhận mọi khó khăn về vật chất cũng như tình cảm vì phải xa gia đình.

Điều gây xúc động với chúng tôi là những người quản trang có thể nhớ hết tên và vị trí của tất cả các ngôi mộ liệt sĩ trong các khu mộ quy tập theo các tỉnh thành. Các thành viên trong ban quan lý nghĩa trang được “chuyên trách” các khu vực nhất định. Mỗi người đều nhớ tên liệt sĩ trên hàng ngàn bia mộ.

Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết rằng đã có các thân nhân của liệt sĩ lo lắng chồng, cha, con, em mình phải nằm nơi heo hút nên định đến đưa mộ về quê nhà, nhưng khi được thấy người thân nằm giữa mênh mông nghĩa trang, nối dài thẳng tắp hàng lối cùng đồng đội, lại chứng kiến sự chăm sóc chu đáo của các quản trang, gia đình đã thay đổi ý định.

Tin chuyện tâm linh vì tin các anh bất tử

Ông Hồ Tất Ái- Trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trao đổi với phóng viên : “Toàn bộ nghĩa trang được chia làm 5 khu và 68 ngôi mộ vô danh. Dẫu là việc thường ngày, nhưng những người quản trang ở đây đều luôn cảm nhận rõ sự thiêng liêng.”

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, ông Hồ Tất Ái cho biết : “Chuyện tâm linh của nghĩa trang Trường Sơn thì nhiều lắm. Có khi các anh về báo mộng cũng nhiều khi là tiếng nói trực tiếp, tiếng của từng người và cả tiếng nói cùng lúc của nhiều người…”

Đó là các trường hợp như người nhà chỉ biết con em mình hy sinh trong chiến tranh, không biết phần mộ ở đâu. Khi đi cùng đoàn khách đến thăm nghĩa trang thì cứ như có người cầm tay dẫn lối đi vòng vèo tới ngôi mộ ở rất xa thắp hương, nhìn lại mới biết là mộ người nhà mình.

Còn chuyện liệt sĩ về báo mộng trước rằng hôm sau có người nhà tìm đến vẫn thường có. Ở đây các “quản trang viên” đều rất tin vào những chuyện tâm linh. Ông Ái bảo : “Các liệt sĩ thiêng lắm !”

Ông Ái chia sẻ : “Ở nơi linh thiêng này, lời hứa là rất quan trọng, điều gì đã hứa là phải làm. Ông hồi tưởng lại : Một lần vào dịp cuối năm, anh em ban quản lý nghĩa trang bàn nhau dự định chiều 26/12 âm lịch sẽ làm vài mâm cơm, trước là thắp hương cúng các anh, chị, sau nữa là bữa cơm tất niên coi như động viên anh chị em trong cơ quan sau một năm cặm cụi chăm lo những mộ phần.

“Định là thế, nhưng rồi nhiều đoàn lên thăm viếng, thành ra công việc bận quá, chưa tổ chức được. Đêm hôm ấy, rồi đến ngày 27, 28 cũng thế, đêm nào các anh cũng gọi : Anh em sao đã hứa mà không làm... sao đã hứa mà không làm...?”

Được biết, ông Ái từng là người lính trinh sát đặc công. Đối với người chiến sĩ được rèn luyện vững vàng thì chuyện sống chết, hoang đường không có gì đáng sợ. Vậy mà có kỷ niệm làm ông nhớ mãi. Ông kể : “Đêm 14/11/2001 tôi và đồng chí Chủ tịch công đoàn cơ quan lên khu nghĩa trang thắp hương, chúng tôi thấy một người ngồi bên cạnh tượng đài.«  »Tôi cứ nghĩ, có lẽ khách phương xa tới muộn. Tôi cũng đánh tiếng từ xa, không thấy trả lời. Đến gần hơn, cách khoảng chục mét, tôi lại cất tiếng chào hỏi. Người đó vẫn im lặng. Khi chúng tôi tới gần tượng đài còn cách khoảng vài mét, người đó đi lùi ra một đoạn. Tôi đốt hương, và nói : Chúng tôi lên đây thắp hương và có vài lời với các anh hùng liệt sĩ, anh ở đâu tới vậy.«  »Người đó nói : Tôi cũng là liệt sĩ, ở nơi khác đến đây thăm anh em. Quả thật lúc đó tôi vã mồ hôi hột, còn anh Chủ tịch công đoàn thì châm cả lửa vào tay. Quay lại thì không thấy người ấy đâu nữa,” ông Hồ Tất Ái kể tiếp rồi trầm ngâm.

Còn nhiều chuyện thuộc về thế giới tâm linh ở nghĩa trang này. Các chị trong ban quản trang cho biết : “Những ngày mới lên nghĩa trang các chị cũng rất sợ khi đêm đêm nằm nghe thấy tiếng cười đùa, rồi đàn hát những bài ca thời chống Mỹ cứu nước. Sáng sớm, nghe tiếng các anh tập thể dục, tiếng bước chân hành quân trong đội ngũ, tiếng hô chào cờ, tiếng hô khẩu hiệu.”

Các anh chị cũng tâm sự, sau này nghĩ đến các liệt sĩ hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước nên lại cảm thấy thương vô cùng. Nếu không làm nữa thì tự day dứt lắm, tâm sẽ không yên. Tại nghĩa trang, cứ vào ngày rằm, mùng một nào các anh chị cũng lên thắp hương và viếng toàn bộ các mộ phần. Với cán bộ phụ trách khu mà có gia đình ở gần thì phải huy động cả nhà đi thắp hương suốt ngày mới hoàn thành.

Suốt những năm qua, đã có các đoàn thương binh, cựu chiến binh ngoài Hà Nội về đây thăm chiến trường xưa, thăm lại đồng đội cũ đã ngủ lại giữa nghĩa trang, đốt lửa, thầm thì trò chuyện và hát lại những bài hát năm xưa cho những người đồng đội nghe. Họ đang sống lại những năm tháng hào hùng.

Ông Ái cho biết thêm : « Càng ngày càng có nhiều cặp cô dâu-chú rể đến nghĩa trang thắp hương trước khi làm hôn lễ. »

Coi các liệt sĩ là người thân

Các cán bộ và nhân viên quản trang tại nghĩa trang Trường Sơn coi liệt sĩ là người thân. Cứ khi nhà có việc gì lớn, đều lên xin các anh. Từ xây nhà, thi cử của con cái, nỗi lo khi đau ốm đều thắp hương “báo cáo” với các anh và mong các anh phù hộ độ trì. Dần dần đó trở thành nghi lễ quen thuộc của bà con người Kinh ở quanh đây.

Những câu chuyện tâm linh có lẽ sẽ làm không ít người thấy mơ hồ sợ hãi. Nhưng với những người muốn nhớ mãi các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây, đó là câu chuyện của những người đang sống, các anh vẫn đang hiện hữu trong đời không phải để gây sợ hãi mà nhắc nhớ những điều thiêng liêng không thể phôi phai.

Chuyện linh thiêng, huyền hoặc ở nơi đây, không thể khẳng định là do khoa học huyền bí hay do niềm xúc động, xót xa trước những người con “hóa thân cho dáng hình xứ sở, làm nên Đất nước muôn đời” tạo thành.

Chỉ thấy giữa khung cảnh tịch mịch, thâm nghiêm, tít tắp mộ bia, thăm thẳm đất trời, âm dương như giao hoà mà lời trò chuyện dễ có đồng cảm, sẻ chia. Ngỡ như không thực song những câu chuyện đầy tính nhân bản giữa nghĩa trang Trường Sơn mà chúng tôi có mặt lúc đúng ngọ đã hàm chứa một điều : Các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh không bao giờ chết.

Các anh đã trở thành bất tử trong trái tim mỗi người đang sống. Thế nên trong đoàn công tác của chúng tôi, đã có một nhận định thu được sự đồng tình rằng : “Khi tin những chuyện tâm linh ở nghĩa trang Trường Sơn không phải là mê tín mà là chân thành bộc lộ thái độ của các thế hệ sau gửi đến các liệt sĩ : Các anh luôn sống mãi trong lòng Tổ quốc, trong lòng nhân dân.”

Nghĩa trang Trường Sơn ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị được xây dựng năm 1975 ở cầu Bến Tắt sông Bến Hải, nơi khởi đầu của đường Hồ Chí Minh vào Nam.

Nghĩa trang Trường Sơn rộng tới 52ha nằm trên 5 quả đồi sát bờ Nam sông Bến Hải, đây là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sỹ của 61 tỉnh thành, trong đó có 5 mộ của cán bộ trung cao cấp, 10 mộ anh hùng liệt sĩ.

Có quy mô lớn nhất, có số mộ nhiều nhất, có nhiều liệt sĩ ở nhiều địa phương nhất, nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn mang tầm cỡ của nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Nguồn : http://www.viet­nam­plus.vn/Home/Chuy...