Femmes et guerres

Mẹ Việt Nam anh hùng có cần xây tượng hơn 400 tỷ đồng ?

© Danang.gov

Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, với chi phí dự kiến đến lúc này là 411 tỷ đồng.

© Danang.gov

Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, với chi phí dự kiến đến lúc này là 411 tỷ đồng.

Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok - 23/09/2011

Dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, với chi phí dự kiến đến lúc này là 411 tỷ đồng, đang tạo nhiều dư luận khác nhau đối với người địa phương cũng như nhiều phía khác trong nước.

Tượng đài kinh phí từ 81 tỷ lên thành 411 tỷ đồng ?

Với chi phí xây dựng dự tính 81 tỷ năm 2007, hôm thứ Năm tuần này ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam loan báo quyết định xin bổ sung 330 tỷ, nâng tổng số vốn để xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lên thành 411 tỷ, tăng gấp năm lần kinh phí phê duyệt lúc đầu.

Đây là tượng đài sẽ được xây ở khu vực núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Khởi công từ tháng Bảy 2007, hiện tượng đài đã hoàn tất một phần của khối lượng mẫu.

Tượng đài được thủ tướng chính phủ ký duyệt đưa vào danh sách công trình văn hóa cấp quốc gia, tạc bằng đá hoa cương, nguyên mẫu từ người được vinh danh mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, có chín đứa con trai đều chết trong cuộc chiến.

Ông Cả, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam, cho biết :

Ủy ban nhân dân tỉnh có chủ trương và có đề nghị, sau đó được chính phủ đồng ý cho xây với qui mô như vậy. Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng là công trình quốc gia, lấy nguyên mẫu của bà mẹ Nguyễn Thị Thứ chứ không phải chỉ là tượng đài của tỉnh không thôi, cho nên nó có ý nghĩa tất lớn đối với quốc gia và đối với truyền thống của người dân xứ Quảng, đồng thời nó cũng góp phần vào lãnh vực văn hóa và du lịch của địa phương.

Về vấn đề kinh phí xây dựng tăng quá cao so với dự kiến ban đầu, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam giải thích rằng với một công trình quí mô cấp quốc gia, được quyết định đổi từ chất liệu sa thạch sang hoa cương, cộng với sự trượt giá vật liệu những năm qua, thì đương nhiên giá thành xây dựng phải tăng lên :

Đồng thời qui mô của nó cũng có sự thay đổi từ việc xây thêm bảo tàng bên trong, cho nên kinh phí có tăng lên và chúng tôi đang chờ được trung ương hỗ trợ.

Một cán bộ Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch ở Quảng Nam, không cho biết tên, nói với đài Á Châu Tự Do rằng đứng về góc độ văn hóa thì tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng là việc cần thiết phải làm vì văn hóa bao gồm cái nghĩa cử đối với người đã cống hiến cho đất nước những gì lớn lao nhất của cuộc đời mình.

Vẫn theo lời ông, là thế hệ đi sau thì phải cố gắng làm một cái gì đó để tri ân, mà tri ân thì phải gắn với một công trình vĩnh cửu, và trong điều kiện khó khăn hiện giờ nếu không thực hiện ngay được thì cũng phải tìm cách để làm cho được.

© Danang.gov

Đây là tượng đài sẽ được xây ở khu vực núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam.

© Danang.gov

Đây là tượng đài sẽ được xây ở khu vực núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam.

Cốt ở ý nghĩa không cần to lớn

Ý kiến của người dân Quảng Nam về tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng như thế nào ? Một người trung niên ở Tam Kỳ cho rằng tượng đài là một ý nghĩa cần thiết nhưng không vì thế mà phải tốn mấy trăm tỷ đồng và cũng không chắc công trình có thu hút nỗi khách du lịch không :

Rất quí để người sau có thể nhớ lại công ơn của người đi trước, nhưng nếu chi phí lớn quá trong khi dân còn nghèo là điều không nên. Với số tiền như vậy thì nên giúp đỡ cho những người mẹ Việt Nam anh hùng đương còn sống mà đương trong hoàn cảnh khó khăn thì nó có ý nghĩa hơn và người dân sẽ hoan nghênh hơn là một tượng đài lớn ở một tỉnh nghèo.

Một cư dân khác ở Duy Xuyên :

Bốn trăm mốt tỷ đồng so với tầm cở quốc gia đâu có chi là lớn, nhưng so với tình hình khó khăn bây giờ là nó lớn. Mình đang nợ nước ngoài tới 32 tỷ (đô la). Chừ đối với tượng đài thì đắt tiền hay không đắt tiền là cái mình phải hỏi mẹ mình. Mình phải hỏi mẹ ơi sau này con muốn xây cho mẹ cái tượng thiệt to vì sự hy sinh lớn lao của mẹ, hoặc con xây cho mẹ cái mộ thiệt là lớn khi mẹ mất. Thì mẹ mình nói không bao giờ mẹ muốn.

Người mẹ khi đã hy sinh không bao giờ muốn đền đáp lại hết, họ chỉ muốn con mình nên người, có ăn có họ, đừng làm điều bậy bạ bức hại dân lành là mẹ sung sướng rồi.

Chứ chừ có xây mười cái tượng to bà mẹ hy sinh vì chiến tranh đưa con ra chiến trường rồi lấy cái tiền khổ cực của dân xây là điều không nên. Xây to là xây cho mình chứ không phải cho người đã mất. Mình phải phân tích mục đích xây bức tượng là gì cái đã. Xây bức tượng mà người dân họ phát triển êm ấm hơn, vì lợi ích thiết thức của dân thì nên xây. Xây để tuyên truyền thì không nên vì ai hy sinh ai đấu tranh ai gian khổ thì vẫn có trong lòng người dân rồi.

Phóng viên báo địa phương không muốn nên tên, phân tích rằng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ra đời trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công :

Cắt giảm đầu tư công thì có cần thiết phải đầu tư như vậy không, đó là quan điểm thứ nhất.

Quan điểm thứ hai, nhà báo nói tiếp, việc bổ sung kinh phí cho tượng đài mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã dược duyệt trước khi có nghị định 11 của chính phủ về cắt giảm đầu tư công cho nên nó không ảnh hưởng.

Nhưng về ý kiến là trong lúc dân còn nghèo mà lại xây tượng đài hoành tráng, nhà báo này lập luận là không nên giữ quan điểm cực đoan về hướng nào. Theo anh, bốn trăm mười tỷ để giải quyết cái nghèo cho tỉnh Quảng Nam thì có thể giải quyết được một phần, thế nhưng với một tượng đài không chỉ cho Quảng Nam mà cho hình tượng những người mẹ có con cái hy sinh thì cũng là một tôn vinh cần thiết chứ không phải vì nghèo mà không làm.

Quan điểm thứ ba, ký giả trình bày tiếp, báo chí khi đưa tin này thì ngoại trừ vấn đề chi phí vấn đề đầu tư mà nếu không khéo thì có thể làm tổn thương đến tình cảm của một bộ phận người dân, trong đó những người đã hy sinh quá nhiều như bà mẹ Nguyễn Thị Thứ.

Được biết từ 2007, giới hữu trách bộ, ngành, trung ương của tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần họp bàn và nhiều lần sửa sang điều chỉnh tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng nâng công trình từ cấp tỉnh lên cấp quốc gia.

Người phác thảo tượng đài, họa sĩ Đinh Gia Thắng, cho biết thực ra lúc trước dự toán ban đầu đã cho thấy kinh phí cao hơn nhiều :

Tức là ngay từ đầu dự toán đã là 130 tỷ rồi. Từ giữa 2006 thì một đơn vị tư vấn đã tính toán ít nhất cũng phải mức đó, nhưng mà tỉnh Quảng Nam thì chỉ đạo là làm sao không chế ở mức hơn 80 tỷ là cùng thôi, mức độ của một công trình cấp tỉnh thôi.

Sau đó, qua rất nhiều buổi họp rồi tại cuộc họp tháng Tư năm 2007 thì ý kiến chung là nên đưa tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng của Quảng Nam thành biểu tượng bà mẹ tổ quốc :

Thì cái mức Quảng Nam đặt ra hơn 80 tỷ thực sự là không khả thi với mặt bằng một trăm năm mươi mấy nghìn mét vuông , cả một công viên khổng lồ với bao nhiêu hạng mục như thế thì 80 tỷ đầu tư cho cơ sở hạ tầng không thôi chưa chắc đã đủ.

Đây là một công trình phải thi công nhiều năm, có nhiều đặc thù về kỹ thuật, cả một quần thể rất phức tạp, rồi bảo tàng trong lòng tượng mẹ nữa, cho nên con số 80 tỷ không khả thi. Định mức một dự án như thế là bốn trăm mốt tỷ rồi đấy, nên là dư luận thắc mắc.

Được biết một viện bảo tàng, còn gọi là nhà tưởng niệm, với tên tuổi và hình ảnh khoảng năm chục ngàn phụ nữ, sẽ được thiết kế bên trong khối tượng mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là những người được Hà Nội vinh danh là những phụ nữ tiêu biểu trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reser­ved.

Source : http://www.rfa.org/viet­na­mese/in_de...

’Mẹ tôi chắc không vui nếu tượng đài tốn kém’

© Trí Tín

Mẹ VN anh hùng Võ Thị Khá đang được con gái là chị Trần Thị Khen chăm sóc.

© Trí Tín

Mẹ VN anh hùng Võ Thị Khá đang được con gái là chị Trần Thị Khen chăm sóc.

VNExpress - Thứ năm, 22/9/2011

« Ban đầu khi nghe tỉnh chọn hình ảnh mẹ tôi làm mẫu để xây dựng tượng đài, tôi xúc động lắm. Nhưng mà bây giờ xây tượng đài tốn nhiều tiền quá, nơi chín suối chắc mẹ tôi cũng không vui », mẹ anh hùng Lê Thị Trị tâm sự.

Quần thể tượng đài tượng trưng cho khoảng 50.000 mẹ VN anh hùng trong cả nước xây dựng tại Quảng Nam lấy nguyên mẫu hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ tại xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ Thứ có 9 con ruột, một con rể và 2 cháu ngoại lần lượt hy sinh.

Con gái mẹ Thứ là bà Lê Thị Trị (nay đã ngoài 80 tuổi) cũng được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu bà mẹ VN anh hùng vì có chồng và hai con gái là liệt sĩ. Nói về việc xây tượng đài tốn hàng trăm tỷ đồng, mẹ Trị bộc bạch : « Ban đầu khi nghe tỉnh chọn hình ảnh mẹ tôi làm mẫu để xây dựng tượng đài, tôi xúc động nhiều lắm. Nhưng mà bây giờ xây tượng đài tốn nhiều tiền quá, nơi chín suối chắc mẹ tôi cũng không vui gì đâu ».

Rồi mẹ Trị nói tiếp : « Có xây tượng đài thì cũng nên làm vừa sức thôi, đừng phung phí nhiều tiền mất đi ý nghĩa sâu xa của nó ».

Mẹ VN anh hùng Võ Thị Khá 90 tuổi ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có chồng và 2 con trai tuổi 18, 20 đã ngã xuống trong chiến tranh, chỉ còn con gái duy nhất ở bên mình. Ngày hòa bình, mẹ lại gánh chịu thêm nỗi đau khi con gái bị di chứng chất độc da cam nên mất khả năng sinh con phải ly hôn sau chưa đầy một năm lập gia đình. Hai mẹ con nương tựa nhau trong căn nhà trống vắng, hàng ngày chị Khen vừa bươn chải bán rau mưu sinh, vừa chăm sóc phụng dưỡng mẹ già trong những năm cuối đời.

Ngồi trầm ngâm cho con gái chải mái đầu bạc trắng, mẹ Khá nói nhỏ nhẹ : « Làm tượng đài gì mà tốn kém nhiều thế, xây vừa tiền thôi, số còn lại nên dành để chăm sóc trẻ mồ côi, tàn tật, giúp các cháu nghèo đến trường thì có ích nhiều hơn. Nước mình còn nhiều địa phương nghèo khổ lắm ».

Con gái của mẹ Khá là bà Trần Thị Khen cho biết, mấy năm trước Nhà nước định tặng nhà tình nghĩa nhưng mẹ từ chối, nhường cho mẹ VN anh hùng khác nghèo khổ hơn. Giờ đây may mắn là hài cốt cha và các anh đã được tìm thấy, chôn cất hương khói ở nghĩa trang liệt sĩ. « Thế là mẹ mãn nguyện rồi không mong gì hơn », mẹ Khá nghe kể chuyện, chép miệng.

Các mẹ VN anh hùng cũng bày tỏ ước nguyện cuối đời thật giản dị, chẳng hạn : mong hài cốt của chồng con sớm được quy tập, an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà ; muốn con cháu học hành đỗ đạt trở thành người có ích cho xã hội ; hay sửa chữa lại mái nhà tình nghĩa « nắng rọi, mưa dột » cho cháu gái có nơi thờ phụng ông, bà, các chú là liệt sĩ.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ lúc mẹ Trần Thị Phẩm tuổi còn trẻ, sau đó đứa con trai duy nhất cũng hy sinh, suốt gần 50 năm qua mẹ sống cô đơn ở huyện đảo Lý Sơn. Hàng ngày mẹ vẫn dè sẻn, tiếm kiệm chi tiêu từng đồng để dành tiền góp vào quỹ khuyến học giúp trẻ nghèo của xã có tiền mua sách, vở đến trường.

Trong những năm tháng tuổi già, mẹ ước mong hài cốt của con trai được đưa từ huyện Sơn Tịnh quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của huyện đảo để hương khói. « Xây tượng đài cho mẹ làm chi, các chú hãy giành tiền giúp tụi nhỏ ở vùng sâu, vùng xa đến trường thì tốt hơn », mẹ Phẩm nói.

Còn mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Thư quê ở xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, đang sống quê chồng ở Quảng Ngãi cho rằng : « Nếu Nhà nước làm tượng đài tri ân các mẹ thì xây nho nhỏ thôi, nên dành tiền để chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ sống neo đơn trong tuổi già ». Suốt mấy chục năm qua, mẹ Thư côi cút một mình giữa TP Quảng Ngãi, chồng chết sớm, con trai duy nhất hy sinh vào năm 1968. Mẹ Thư ao ước, khi nhắm mắt lìa đời mẹ được đưa về gần con ở nghĩa trang liệt sĩ xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, quê nhà.

© Trí Tín

Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Thư quê ở xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, đang sống ở Quảng Ngãi.

© Trí Tín

Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Thư quê ở xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, đang sống ở Quảng Ngãi.

Trong khi đó lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết vẫn quyết tâm xây dựng công trình tượng đài mẹ VN anh hùng theo hướng vừa làm vừa vận động kinh phí và chờ Trung ương xem xét hỗ trợ.

Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, 411,2 tỷ đồng là con số dự toán về công trình tỉnh đang kiến nghị Trung ương xem xét quyết định, hỗ trợ đầu tư.

« Trung ương hỗ trợ bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, số còn lại tỉnh tiếp tục kêu gọi các Bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cả nước cùng chung tay góp sức ; đây là công trình văn hóa cấp quốc gia chứ không riêng gì của tỉnh Quảng Nam », ông Thu nhấn mạnh.

Quần thể tượng đài bà mẹ VN anh hùng ban đầu Quảng Nam dự định chỉ xây quy mô cấp tỉnh với kinh phí 55 tỷ. Sau đó, tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh vốn lên 81 tỷ đồng, trong đó trung ương cấp 50 tỷ, tỉnh chi 20 tỷ và nguồn đóng góp từ các đoàn thể, tổ chức xã hội là 11 tỷ đồng.

Tháng 11/2007, Thủ tướng đồng ý đưa dự án vào danh sách công trình văn hóa cấp quốc gia và yêu cầu tỉnh Quảng Nam xem xét tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp với quy mô. Đầu năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh tính toán lại tổng mức đầu tư để phù hợp với quy mô mới. Sau đó Quảng Nam đã điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư lên 411,2 tỷ đồng.

© VN Express

Kết quả biểu quyết của bạn đọc trên VnExpress.net từ chiều 20/9 đến chiều 22/9.

© VN Express

Kết quả biểu quyết của bạn đọc trên VnExpress.net từ chiều 20/9 đến chiều 22/9.

Trí Tín

Nguồn : http://vnex­press.net/gl/xa-hoi/2011...

Một người Australia viết sách về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

QĐND - 26/3/2011

Năm 2000, khi đến thăm Bảo tàng Quân đội Việt Nam, ông B.Gria, một kỹ sư xây dựng người Australia đã về hưu, vô cùng xúc động trước hình ảnh các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Và bốn năm qua, ông đã nhiều lần quay lại Việt Nam để tìm tài liệu hoàn thành cuốn sách về các mẹ, dự kiến được xuất bản trong năm nay.

Tôi gặp ông B.Gria thật tình cờ, khi cả hai cùng đến thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH) Nguyễn Thị Thứ ở Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam). Đó là người đàn ông tuổi hơn 50, cao to, gương mặt đôn hậu, cởi mở.

Anh Hà Sáu, chủ tịch xã Điện Thắng, giới thiệu : “Ông Gria đã đến đây nhiều lần. Không chỉ thăm mẹ Thứ, ông còn viết sách về mẹ”. Đã có nhiều người nước ngoài đến thăm mẹ Thứ, có người tạc tượng mẹ, nhưng viết sách thì hình như chỉ có ông B.Gria. Trò chuyện cùng ông được biết hành trình viết sách của ông về mẹ Thứ và các mẹ anh hùng Việt Nam thật cảm động.

B.Gria sinh ra và lớn lên ở Nam Phi, là kỹ sư xây dựng. Về sau ông định cư tại Australia làm tư vấn tài chính cho các khu công nghiệp. Nghỉ hưu, đầu năm 2000 ông làm chuyến du lịch 15 ngày thăm Việt Nam. Điểm đầu tiên ông đến là Bảo tàng Quân đội, bởi nghĩ rằng nơi đây sẽ phản ánh đầy đủ con người Việt Nam anh hùng trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng.

Vốn đa cảm, hình ảnh những người mẹ Việt Nam làm ông thực sự xúc động. Ông đã dừng rất lâu trước tượng mẹ Thứ. Người mẹ có chín con cùng một cháu ngoại, một con rể hy sinh vì Tổ quốc ấy, cứ choán hết tâm trí ông. Ông tìm hiểu kỹ chiếc nồi đồng huyền thoại mẹ từng nuôi cả đoàn quân chiến đấu, những thời điểm đau thương nhất của mẹ khi cùng lúc nhận ba giấy báo tử…

Chưa đủ, ông nhờ nhân viên bảo tàng tìm thêm những tư liệu liên quan đến mẹ và các bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác. Điều ông lấy làm tiếc là sách tiếng Anh viết về những người mẹ anh hùng rất ít và chưa có tác phẩm nào thực sự làm ông thỏa mãn. Do vậy ông quyết định phải làm điều gì đó để mọi người ở đất nước ông hiểu về dân tộc Việt Nam qua hình ảnh những người mẹ, mặc dù ông biết làm điều này không dễ dàng bởi ông không phải là nhà văn chuyên nghiệp.

Về Australia trong những năm đó, ông dành nhiều thời gian tìm sách, báo viết về Việt Nam, huy động những người thân trong gia đình cùng giúp. Vợ ông làm trong một tổ chức từ thiện rất ủng hộ việc làm của chồng. Tuy nhiên, một số người trẻ tuổi không hiểu mấy về Việt Nam, hoài nghi những điều ông kể. Họ không tin nổi rằng trên thế giới này có những người mẹ vĩ đại như mẹ Thứ. Điều đó càng thôi thúc ông cầm bút.

Ông đăng ký in sách với một nhà xuất bản và được đồng ý. Vậy là từ năm 2000 đến nay, ông đã trở lại Việt Nam bốn lần, lần ở lâu nhất đến ba tháng. Cuối cùng ông đã có trong tay những thông tin về 11 mẹ còn sống tiêu biểu ở ba miền bắc, trung, nam. Hoàn cảnh anh hùng mỗi mẹ mỗi khác. Có mẹ mất chồng và hai con, có mẹ mất người con duy nhất, có mẹ mất đến bốn người con… Có mẹ còn khỏe tham gia nhiều hoạt động xã hội ở địa phương (mẹ Tuyết-Hà Nội), có mẹ bệnh tật, cuộc sống chỉ còn tính từng ngày (mẹ Gom-Củ Chi). Khi hỏi “Vì sao các mẹ chịu nhiều hy sinh mà vẫn sống thọ đến như vậy” , ông đã nhận được câu trả lời : “Mẹ phải sống để hương khói cho chồng và các con”.

Chỉ cho tôi xem cuốn bản thảo viết tay dày cộp hàng trăm trang có hình ảnh 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng những thông tin và cảm nghĩ về các mẹ, ông nói : “Cơ bản cuốn sách đã đầy đủ. Chuyến đi này là để bổ sung những chi tiết nhỏ còn băn khoăn. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nó trong năm 2005. Cách viết của tôi là lồng vào chân dung các bà mẹ Việt Nam anh hùng lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam”.

QĐND

Nguồn : http://wome­nand­war.hoasen.edu.vn/vn...

Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh

[20/10/2004]

Những người khách nước ngoài khi đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phần lớn đều có ấn tượng sâu sắc khi đứng trước bảng thống kê số liệu và chân dung của những bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” :

Cả nước : 44.253 mẹ
- Miền Bắc : 15.033 mẹ.
- Miền Nam : 29.220 mẹ.

Trong đó : * Mẹ có một con độc nhất hy sinh : 9.903 mẹ. * Mẹ chỉ có 2 con mà 2 con đều hy sinh : 1.535 mẹ. * Mẹ có 3 con hy sinh : 10.067 mẹ. * Mẹ có 4 con hy sinh : 1.535 mẹ. * Mẹ có 5 con hy sinh : 258 mẹ.

Để có ngày hòa bình, thống nhất, gần 2 triệu người con ưu tú đã ngã xuống. Và cũng ngần ấy những bà mẹ khóc con, những góa phụ khóc chồng, người thân khóc người thân… Trong Bảo tàng chứng tích chiến tranh, không có chuyên đề nào thể hiện sự mất mát này nhưng mãi mãi, thế hệ hôm nay và mai sau mang món nợ lịch sử trước những giọt nước mắt lặng lẽ của những người mẹ. “Chúng tôi xin nghiêng mình trước vẻ đẹp, nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Những người bạn nước ngoài khi đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, được gặp gỡ những bà mẹ Việt Nam đã xúc động thốt lên lời nói tự đáy lòng như thế. Thật xúc động trước giờ khai mạc Seagames 22, một nữ sinh viên Mỹ ngồi miệt mài trong thư viện Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, tay run run lật từng trang chân dung những bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm chú đọc…

Vinh quang và nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam anh hùng làm thế giới kinh ngạc và khâm phục. Phải, có đất nước nào trên thế giới có những bà mẹ vừa chờ chồng suốt hơn 20 năm, vừa làm lụng, tần tảo nuôi con, vừa chống đỡ với những thế lực đen tối để tồn tại, vừa nuốt nứơc mắt tiễn con ra đi vừa khóc thầm lặng lẽ khi các con mình vĩnh viễn không trở về ; vừa nén đau thương, cầm vũ khí đánh giặc, vừa đứng trước mũi súng quân thù đấu tranh… Chắc chắn, trên thế giới này, chỉ có những bà mẹ Việt Nam. Lịch sử chỡ nặng nỗi niềm của những bà mẹ. Những bà mẹ cũng bé nhỏ, mảnh mai, giống như tấm bản đồ Việt Nam hình chữ S, đầu đội nón lá, hai vai gánh nặng và đôi chân bám chặt vào mặt đất. Những bà mẹ tưởng chừng bé nhỏ, yếu đuối nhưng lại chứa trong lòng nỗi đau, nghị lực phi thường, sức sống vô cùng mạnh mẽ. Ở Việt Nam, tự bao giờ, hình tượng người mẹ đồng nghĩa cùng Tổ Quốc. Và cũng đừng hỏi tại sao, Tổ quốc lại là mẹ. Cảm nhận sâu sắc công lao to lớn của những bà mẹ Việt Nam, nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20.10.1966), Bác Hồ nói : “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ hai miền Nam-Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của cả nước ta”

Để có được ngày hòa bình, thống nhất, có biết bao thế hệ anh hùng đã ngã xuống cho Tổ quốc. Đi bất cứ nơi đâu, đến bất cứ nơi nào, từ địa đầu phía Bắc xuống mũi Cà Mau, ta cũng có thể chạm đến nỗi đau của những bà mẹ. Đó là những bà mẹ có con sinh Bắc tử Nam ở Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hà Bắc… Cũng dễ hiểu vì sao nỗi đau những bà mẹ Việt Nam lại hội tụ nơi thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố luôn đi đầu các phong trào yêu nước, nơi đón nhận và sàng lọc mọi tinh hoa thế hệ từ nhiều nguồn nhân lực trên đất nước.

Năm 1997, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện công trình biên soạn “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” với 1.787 Bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từ ấy cho đến thời điểm gần nhất để thống kê con số, năm 2003 Thành phố Hồ Chí Minh có 1.899 bà mẹ Việt Nam anh hùng ; trong đó, có 631 bà mẹ còn sống ; 1.192 bà mẹ đã từ trần ; 76 bà mẹ đã hy sinh(*).

Mỗi bà mẹ đều có hoàn cảnh rất khác nhau về thành phần xuất thân, về nguồn gốc, về hoàn cảnh... Nhưng cùng giống nhau ở nước mắt khóc con khi rơi đều to, tròn, trĩu nặng. Sau chiến tranh, những bà mẹ Sài Gòn đón nhận những bà mẹ từ mọi miền đất nước đi tìm xương thịt con đã gởi lại cho sự nghiệp giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Và có những bà mẹ từ “quầng sáng Sài Gòn” lại tỏa đi mọi miền đất nước, đến với những cánh rừng nguyên thủy miền Đông hay rừng tràm U Minh, rong ruổi trên những chiếc thuyền xuyên qua dòng kênh nước đỏ ngầu như máu, tìm lại xương thịt những người con thân yêu của mình...

Mẹ Vũ Thị Xuân ở Yên Bái lắng có đứa con trai độc nhất vĩnh viễn nằm lại ở miền Nam. Anh hy sinh đã hơn 30 năm mà chiều chiều mẹ vẫn tựa cửa hát : “Bao giờ yên nước cho con tôi về”. Mẹ Thịnh ở Hà Nội ngay ngày tiễn đứa con cuối cùng vào Nam chiến đấu, trái tim người mẹ đã run lên dự cảm rằng con mình sẽ không trở về. Nhưng mẹ không thể ngăn con ra đi vì một lẽ giản dị : “ Nếu ai cũng sợ con chết thì làm sao giải phóng được đất nước”. Con đi rồi, đêm nào mẹ cũng ngồi bên chiếc đài cũ kỹ, lắng nghe tin tức chiến sự. Bất cứ địa danh nào ở Nam bộ, nơi có bước chân con mình đi qua, mẹ thấy sao mà gần gũi, thân thiết, máu thịt. Anh Lương, con trai mẹ hy sinh vào năm 1973. Mẹ chỉ biết được một điều duy nhất từ lá thư đồng đội con trai gởi về : “ Trước lúc hy sinh, anh Lương chỉ gọi được “Mẹ ơi !” Rồi tắt thở”. Ngày hòa bình, mẹ dùng số tiền bao năm trời chắt chiu, dành dụm, có mặt trên chuyến tàu thống nhất Bắc Nam đầu tiên tìm mộ con. Nhưng mẹ không tìm ra mộ con, đứng khóc giữa cánh đồng dày bịt cỏ Mỹ ở Củ Chi. Nhưng những bà mẹ ở Củ Chi đã đón mẹ rất ân cần, tình nghĩa. Mẹ nhận ra bao bà mẹ đồng cảnh với mình. Ở miền Nam, còn có biết bao bà mẹ có con hy sinh không tìm được xác… Có bà mẹ mất đến 8, 9 người con, chưa kể dâu, rể, cháu cho ngày hòa bình, thống nhất. Nghe kể chuyện, mẹ hòa những giọt nước mắt của mình với những bà mẹ miền Nam. Mẹ âm thầm lần xuống địa đạo. Bao nhiêu đó thôi, mẹ cũng hiểu những người con miền Nam, con trai của mẹ đã chiến đấu ngoan cường, bền bỉ như thế nào. Và chiến tranh ác liệt đến thế nào. Vào miền Nam, mẹ mới hiểu hết tấm lòng của những bà mẹ miền Nam. Nhiều bà mẹ đã chôn những đứa con miền Bắc như chính con mình, đã san sẻ, đùm bọc, thương yêu khi các anh còn sống, đã chôn đến chiếc chăn cuối cùng cho người con ngã xuống, thà mẹ chịu lạnh, để các anh nằm dưới đất lạnh, mẹ không đành … Không tìm được mộ anh Lương nhưng lòng mẹ không còn bồn chồn, day dứt nữa. Bởi mẹ biết, con trai mẹ đã ngủ yên lành trên mảnh đất đang phủ dần màu xanh, ấm áp tình người. Vào tận miền Nam, má Thịnh còn gặp thêm bao bà mẹ đồng cảnh ngộ. Nào đâu chỉ có những đứa con sinh Bắc tử Nam ; mà ngay trên mảnh đất hẻo lánh, xa xôi của Nam bộ, có những đứa con sinh Nam tử Bắc.

Nếu như ở Quảng Nam có bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ là mẹ của 9 con ruột, 1 con rể và một cháu ngoại là liệt sĩ thì ở Củ Chi, bà mẹ Nguyễn Thị Rành bản thân vừa là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vừa là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ, từng xung phong đào địa đạo Củ Chi, sát vai cùng con, cháu đánh giặc. Đó là một bà mẹ ngoan cường khi bị địch bắt làm con tin để rún ép con, cháu mẹ ra hàng và ly khai cách mạng. Tấm thân gầy yếu của mẹ bao lần hứng lấy những trận đòn dã man của kẻ thù nhưng trước sau như một, mẹ vẫn một lòng trung kiên với cách mạng.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Điểm (Thanh Tùng) vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong cuộc giao lưu với đoàn phụ nữ Nhật Bản năm 2002, những người phụ nữ Nhật vô cùng ngạc nhiên khi nghe bà mẹ Nguyễn Thanh Tùng kể đã từng đi ở, từng bị đánh ghen khi hòa vào quần chúng hoạt động cách mạng. Trong vỏ bọc của một đại úy hải quân, bà đã tham gia đội biệt động đánh nhiều trận trong nội thành Sài Gòn, diệt nhiều ác ôn, gây hoang mang cho địch ngay trong hang ổ của chúng. Người nữ chiến sĩ biệt động ấy không chỉ xây dựng nhiều cơ sở trong lòng địch, diệt nhiều tên ác ôn mà còn thực hiện 16 chuyến đưa vũ khí vào nội thành với hơn 1.000 kg thuốc nổ. Có lần trước nguy cơ khối thuốc nổ bị lộ trước mặt kẻ thù, bà đã xoay nụ xè vào lòng mình, đối mặt với cái chết trong gang tấc. Đó là người phụ nữ trong chiến dịch Mậu Thân 1968 cướp xe địch, lấy vỏ bọc của nhân viên công tác xã hội, đem hàng chục chiến thương quân giải phóng đánh vào Đài phát thanh thành phố bị kẹt lại về tuyến sau chữa trị. Mùa xuân năm 1975, bất chấp sự theo dõi gắt gao của địch, người mẹ ấy là nhân tố tích cực vận động quần chúng nổi dậy, bao vây cướp trụ sở quận, kêu gọi quân ngụy đầu hàng. Khi biết thêm chi tiết không chỉ chồng của bà đã hy sinh mà hai người con trai của vị nữ anh hùng kia đã ngã xuống ngay trên cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, những người bạn Nhật Bản đã rưng rưng nước mắt, không thể tưởng tượng nổi vì sao bà đã vượt qua những mất mát vô cùng to lớn của đời người…

Ở Củ Chi, có bà mẹ Trương Thị Bảy vào những ngày cuối năm cứ nhìn ra rừng trúc xạc xào trong gió đông, ngóng đợi con đi chinh chiến trở về, dù đứa con gái duy nhất của mẹ đã hy sinh hơn 30 năm và được Nhà nước truy tặng Anh hùng. Nhưng với mẹ, những danh hiệu cao quý ấy dường như không nằm trong ý niệm. Bao năm rồi, mẹ vẫn ngồi trên thềm nhà, mắt nhìn ra rừng trúc ngỡ như linh hồn con gái đang hiện về bên mẹ, lẩn khuất đâu đây. Lê Thị Pha, đứa con gái yêu của mẹ năm ấy chưa tròn 20 tuổi, đáp lời kêu gọi của chiến trường đã có mặt ở cao nguyên Lâm Đồng, làm chính trị viên trong một đơn vị nữ pháo binh. Người yêu chị cũng là bộ đội. Họ hẹn nhau ngày hòa bình, chị sẽ đưa anh về thăm mẹ rồi làm đám cưới. Nhưng niềm mong đợi hạnh phúc lứa đôi mãi mãi bị chôn vùi, khi chị Pha trong một trận đánh đã chiến đấu với kẻ thù đến hơi thở cuối cùng. Vậy mà mẹ Bảy nào hay biết. Ngày hòa bình, những người con gái con trai đất Củ Chi, bạn cùng lứa với chị Pha trở lại quê xưa. Mẹ cứ ra ngõ trúc trông ngóng con trở về. Nhiều người an ủi mẹ : “ Bộ đội tận Lâm Đồng chắc phải lâu lắm mới về tới Sài Gòn”. Thấy bóng ai vào ngõ là mẹ chạy ào ra… Rồi một hôm, có một anh bộ đội tìm gặp mẹ. Anh nghẹn ngào nói : “ Pha đã hy sinh nhưng xin mẹ hãy xem con là con trai mẹ”. Mẹ Bảy òa khóc ôm chầm lấy anh. Dẫu đó là sự thật nhưng mẹ không tin, không muốn tin, nên cứ chiều cuối năm, nghe rừng trúc khua xào xạc trong gió đông, mẹ cứ ngỡ chị Pha đang trở về bên mẹ...

Trường hợp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, con cũng là anh hùng như mẹ Trương Thị Bảy thật hiếm nhưng nó đã diễn ra và hoàn toàn là điều có thật nơi thành phố Sài Gòn đã trải qua những năng tháng đấu tranh vô cùng hào hùng, oanh liệt.

Ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, gia đình bà mẹ Phan Thị Mọ có mẹ chồng, nàng dâu, con gái đều được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hòa bình. Mẹ Chít về cư ngụ ở xã Tân Thới Nhứt, nay thuộc quận 12. Nhưng Vĩnh Lộc là nơi mẹ đã gửi lại một phần đời đầy máu thịt, nơi mẹ có được tình yêu nơi chôn nhau cắt rún và những ngày đầu tiên đến với cách mạng… Nơi ấy, người mẹ chồng Phan Thị Mọ của Mẹ Chít đã từng chia xẻ nỗi đồng cảm góa bụa với nàng dâu hiếu thảo. Mẹ Phan Thị Mọ cũng là một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 5 người con hy sinh cho đất nước. Người con gái duy nhứt còn lại của mẹ Phan Thị Mọ cũng được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Gia đình mẹ Phan Thị Mọ với mẹ chồng, nàng dâu, con gái đều được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là niềm tự hào của xã anh hùng Vĩnh Lộc. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã nói lên lòng yêu nước sâu thẳm của người dân ven đô. Sau chiến tranh, những bà mẹ lau nước mắt khóc con, bắt tay xây dựng lại cuộc sống từ ngổn ngang, đổ nát. Cuộc sống lại mở ra những trang mới… Nhưng với mẹ Nguyễn Thị Chít, niềm thương nhớ đứa con trai không nguôi trong lòng mẹ. Nỗi đau xót trước những số phận nổi trôi, bọt bèo trong chiến tranh trở thành một vết thương thường trực trong lòng mẹ. Mẹ thấy mình có trách nhiệm trước cuộc đời không may của đứa trẻ mẹ nhận làm đứa con để có thế hợp pháp lúc công tác giao liên. Đêm bình yên, tiếng súng không còn nữa, vậy mà có những bà mẹ vẫn thao thức...

Cuộc chiến tranh tàn khốc đã đẩy biết bao bà mẹ vào tình huống nghiệt ngã, thật đau lòng. Có những bà mẹ ngàn lần anh hùng nhưng không dám nhận mình anh hùng khi đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã, hoặc là sinh mệnh đứa con, hoặc là sự an toàn cho cả đoàn quân. Sự hy sinh của những bà mẹ ấy thật cao cả mà cũng vô cùng đau đớn. Có biết bao trẻ thơ trở thành liệt sĩ dù tên tuổi những em bé ấy không bao giờ nằm trong sổ chế độ những thương binh liệt sĩ. Sau ngày chiến thắng, có những bà mẹ từ chiến khu trở về, đi giữa đường phố Sài Gòn rợp cờ hoa mà lòng quặn đau, nước mắt chảy ngược vào trong. Những thế hệ lớn lên sau chiến tranh không đựơc quyền quên nỗi đau không nói thành lời của những bà mẹ ấy.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ những số phận, niềm vinh quang, nỗi đau, khát vọng của những bà mẹ từ mọi miền đất nước. Chỉ riêng Củ Chi, vùng đất thép đã có 701 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nơi thành phố trung tâm của khu vực Đông Nam Á, có những số phận bà mẹ vô cùng đặc biệt. Anh hùng lực lượng vũ trang vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Quang Mẫn từ năm 1995 đã về sống trong sự đùm bọc của đồng bào quận Tân Bình. Bà mẹ Việt Nam anh hùng đầu thế kỷ 19 Trương Thị Ngự, mẹ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh cũng được cải táng từ Cần Giuộc, Long An đưa về khu tưởng niệm Nguyễn An Ninh ở Ngã Ba Tân Chánh, quận Hóc Môn. Trong quyển sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh”, chân dung những bà mẹ hiện lên vô cùng bình dị, gần gũi ; với những tên gọi cũng thật giản dị, đơn sơ. Chỉ vài dòng ngắn gọn ghi tên chồng, con hy sinh nhưng sao mà trĩu nặng. Đó là sự tĩnh lược, cô đúc từ máu và nước mắt. Cách những bà mẹ đặt tên con cũng thật ấn tượng, in đậm dấu ấn những năm tháng chờ chồng, nuôi con, chiến đấu trường kỳ, gian khổ. Chồng của mẹ Lê Thị Dùng ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn tên là Nguyễn Văn Cá, mẹ đặt tên con là Nước. Và rồi cha Cá con Nước đều hy sinh để giữ nước. Mẹ Nguyễn Thị Nuôi có người con trai độc nhất là Nguyễn Gian Truân. Mẹ sinh con trong muôn vàn gian truân, bị rún ép, tù đày ; vẫn kiên trì nuôi con lớn khôn, giáo dục con cầm súng bảo vệ quê hương. Và rồi Gian Truân hy sinh cho Sài Gòn rợp bóng cờ ngày 30 tháng 4 toàn thắng ; như sự nghiệp đấu tranh cho ngày hoà bình, thống nhất phải trải qua biết bao gian truân, máu và nước mắt... Trong số 1.899 bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Thành phố Hồ Chí Minh có đến gần 80 bà mẹ bản thân là liệt sĩ. Trong Bảo tàng Hóc Môn, vẻ đẹp của một bà mẹ Việt Nam anh hùng thời còn trẻ được lưu lại trong bức di ảnh. Tóc búi cao, áo dài cao cổ, dáng ngồi đường bệ, sang trọng trên chiếc ghế cổ, người phụ nữ ấy là một bà mẹ Việt Nam anh hùng ? Sợ mình nhầm, rất nhiều khách tham quan đã xem lại dòng chú thích : “Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Tháng- Giao liên, bảo vệ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, hy sinh ở Cầu Lớn”. Những dòng chú thích ngắn gọn dưới bức chân dung của một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp ấy thôi thúc nhiều thế hệ tuổi trẻ thành phố Sài Gòn hành hương về Bà Điểm- quê hương của một liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, để cảm nhận sâu sắc hơn những cuộc đời thầm lặng với cống hiến, hy sinh xứng đáng hơn cả hai chữ anh hùng.

Nhưng cũng có biết bao bà mẹ có cuộc đời rộng lớn, công nghiệp cao dày mà không kịp để lại cho con cháu một bức chân dung nào. Những bức ảnh chân dung trong sách được thay bằng bằng truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Và thế hệ sau xin hãy đọc những dòng lịch sử bằng máu ghi lại tên chồng, con của những bà mẹ mà tưởng tượng ra chân dung người mẹ bằng tấm lòng tìm về quá khứ. Trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ngày 10.1.1995, Bí thư Thành ủy, ủy viên Bộ Chính trị Võ Trần Chí đã đốt lên nén hương lòng gởi đến những bà mẹ đã hy sinh bằng những dòng tri ân, tâm huyết : “ Mỗi chúng ta xin hãy hứa với Bác, với hương hồn các Bà mẹ Anh hùng, các liệt sĩ anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc, nhất định dù gian lao, thử thách đến mấy, cũng quyết đem hết tinh thần và sức lực để thực hiện cho kỳ được ước mơ của Bác và bao đồng bào, đồng chí, đồng đội đã hy sinh trên các chiến trường, trong các nhà tù của giặc, chưa kịp nhìn thấy non sông ta đã xanh tươi trở lại trên đống tro tàn của chiến tranh và bờ cõi giang sơn đã nối liền một dải ”.

Càng đáng trân trọng hơn trước tấm lòng yêu thương con và trách nhiệm của người đảm nhận cương vị lãnh đạo. Bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam sẵn sàng cho người con trai còn lại duy nhất của mình sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về Việt Nam, hòa trong đoàn quân vượt Trường Sơn tham gia chiến đấu. Đó là một trong những người phụ nữ hiếm hoi nhận Huân chương sao vàng cao quý nhưng trên hết là một bà mẹ được thế giới nghiêng mình trước vinh quang và nỗi đau thương của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà Bùi Thị Mè, thứ trưởng Bộ Y tế Thương binh và xã hội của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã cống hiến ba người con trai khỏe đẹp cho cuộc chiến tranh giữ nước. Cũng như bà Nguyễn Thị Thập, điều đáng ngưỡng mộ, tôn vinh hơn cả những chức vụ, sự thành đạt của người phụ nữ đầy nghị lực và trách nhiệm đối với đất nước là nỗi đau mà những bà mẹ ấy phải gánh chịu. Sự chăm sóc, giáo dục của người mẹ đầy khả kính sớm hình thành nhân cách những người con. Bà đã sớm thổi vào tâm hồn những đứa con lòng nhân ái, tình yêu đất nước. Bất cứ ai khi đến nhà bà Bùi Thị Mè đều lặng người trước những bức di ảnh trên bàn thờ liệt sĩ. Những người con trai đều giống nhau ở gương mặt chữ điền, đôi mắt sáng, long lanh tình yêu cuộc sống. Những người con trai khỏe đẹp như thế đã ra đi ở độ tuổi còn rất trẻ. Các anh chưa kịp để lại cho bà niềm hạnh phúc có được một nàng con dâu hay đứa cháu ẳm bồng. Người con trai đầu của bà là Nguyễn Huỳnh Sanh sinh năm 1942. Anh tham gia cách mạng năm 1961, công tác tại Ban Tuyên huấn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam Bộ. Đến năm 1964, anh về Ban Tuyên huấn R, phụ trách báo chí, văn nghệ trên mặt trận văn hóa. Trong đợt tổng tấn công mùa xuân 1968, anh tham gia đội quân tiên phong đưa đoàn kỹ thuật đài phát thanh về thành phố. Anh đã ngã xuống tại cửa ngõ Sài Gòn ngày 12 tháng 12 năm 1968. Người con thứ hai của bà là anh Nguyễn Huỳnh Tài, sinh năm 1944, từng là cán bộ giáo dục miền Tây Nam Bộ. Anh đã thoát ly gia đình từ 1961, tham gia vào Quân giải phóng tiểu đoàn 303, trung đoàn 1, Quân khu 9. Trong một trận chiến đấu ác liệt, ta diệt được 1.200 tên địch, anh đã anh dũng hy sinh năm 1967 tại xã Vĩnh Hòa Hưng, Kiên Giang. Anh đã góp xương máu ghi thêm những chiến công thần thánh của đơn vị nhưng hài cốt của anh, vĩnh viễn bà không tìm thấy. Người con thứ ba của bà là anh Nguyễn Huỳnh Đại, gia nhập bộ đội vào năm 1967 cũng đã ngã xuống tại Vĩnh Long vào tháng 3 năm 1968… Chỉ trong vòng nửa tháng, bà liên tiếp nhận được tin 3 người con trai hy sinh và người con út bị thương. Đồng đội lo sợ bà ngã gục khi chỉ trong nửa tháng phải nhận 4 phát súng vào tim. Nhưng bà đã gượng đứng lên, với trọng trách của một thứ trưởng trên đôi vai. Đau nỗi đau mất con, bà đã đến với những bà mẹ mất con khác để nhận ra nỗi đau của mình hòa trong nỗi đau và nước mắt của hàng triệu bà mẹ đã âm thầm khóc con trong suốt hai cuộc trường chinh giữ nước. Đồng cảnh ngộ nỗi đau mất con, bà nói thay được nỗi lòng của hàng triệu bà mẹ Việt Nam khác : “Biết làm sao hơn ! Bốn ngàn năm lịch sử, các bà mẹ Việt Nam đã nén đau thương, cắt ruột mình rải trên quê hương trong lịch sử đấu tranh giữ nước. Truyền thống đó đã chảy trong huyết quản các bà mẹ Việt Nam qua bao thế hệ, vẫn còn nóng và sẽ còn nóng mãi trước hiểm họa đe dọa quê hương, Tổ quốc”. Tấm lòng cao cả, tư duy sâu sắc, nỗi đau sâu thẳm của một bà mẹ có sức thuyết phục mãnh liệt đối với bè bạn quốc tế. Qua chân dung bà, những người bạn trên thế giới phần nào hiểu thêm sức mạnh Việt Nam…

Những ngày hòa bình, những bà mẹ có con hy sinh cho ngày chiến thắng lại dành phần đời còn lại của mình thay con góp phần cùng những người đang sống xây dựng lại quê hương. Biết bao bà mẹ lại phải thắt lưng, buộc bụng, chấp nhận cuộc sống nghèo khó, kiên định và tỉnh táo trước những ngày vô vàn gian khó, khủng hoảng. Cao đẹp biết bao Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Gôm ở Củ Chi, một bà mẹ dám lấy thân mình chèn bánh xe, sẵn sàng chết thay cho bộ đội dưới hầm trong những ngày hòa bình tiếp tục đương đầu với bao khó khăn, tuổi già sức yếu tần tảo, chắt chiu nuôi đàn cháu côi cút nên người.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phước, một bí thơ xã chỉ huy du kích Củ Chi đánh Mỹ, vượt lên nỗi đau chồng và các con đều bị Mỹ ngụy giết hại sau chiến tranh tiếp tục góp sức mình cho công tác Hội...

Dù nơi thủ đô thành phố phồn hoa hay xóm làng xa xôi, heo hút ; dù chỉ một con độc nhất hay nhiều người con hy sinh ; nước mắt khóc con của những bà mẹ cũng đau đớn và trĩu nặng. Thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi còn mắc món nợ lịch sử trước những giọt nước mắt của những bà mẹ có con hy sinh cho Tổ Quốc. Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua đã có nhiều hoạt động thể hiện tấm lòng đền ơn đáp nghĩa những bà mẹ. Trung tâm bảo trợ những bà mẹ cô đơn sẵn sàng đến với những bà mẹ để nỗi cô đơn được thay thế bằng tiếng cười ấm áp. Những ngôi nhà tình nghĩa được dựng nên bằng những tấm lòng tìm về quá khứ, cội nguồn... Nhưng điều làm các bà mẹ vui hơn tất cả chính là sự trưởng thành của giới và những thành tựu trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ sau 30 năm xây dựng và phát triển. Với các mẹ, có lẽ không có chuông vàng khánh bạc nào đáng quý hơn khi đi gần hết đời người, vượt qua bao phong ba bão táp của lịch sử, nhìn cháu con trưởng thành, giỏi giang, hiếu thảo và hạnh phúc ; cùng kê vai xây dựng, phát triển cơ đồ tổ tiên để lại.

Nguồn : http://www.phunu.hochi­minh­city.gov....

Nghị định 176-CP năm 1994 thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước « Bà mẹ Việt Nam anh hùng »

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số : 176-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 1994

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 176-CP NGÀY 20-10-1994 VỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC « BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG »

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992 ; Căn cứ Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » ngày 29 tháng 8 năm 1994 ; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH :

- Điều 1

Những Bà mẹ được tặng hoặc truy tăng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » theo Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế thuộc một trong các trường hợp sau đây :

  • 1- Có 2 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ ;
  • 2- Có 2 con mà cả 2 con là liệt sĩ hoặc chỉ có 1 con mà con đó là liệt sĩ ;
  • 3- Có từ 3 con trở lên là liệt sĩ ;
  • 4- Có 1 con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ.

Người con là liệt sĩ bao gồm con đẻ và con nuôi của Bà mẹ được phát luật thừa nhận, và đã được Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công.

Bà mẹ có đủ 1 trong 4 trường hợp nêu trên do phải chịu đựng nỗi đau mất con, mất chồng mà bị bệnh tâm thần, vẫn được tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng ».

Người chồng là liệt sĩ nói ở Điều này là người đã được Chính phủ tặng Bằng « Tổ quốc ghi công » mà Bà mẹ là vợ của người đó được hưởng chế độ tuất liệt sĩ.

- Điều 2

Những Bà mẹ được tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » được cấp Bằng và Huy chương « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » kèm theo khoản tiền một lần ba triệu đồng và được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng.

Những Bà mẹ được truy tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » thì Bằng, Huy chương « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » và khoản tiền một lần ba triệu đồng được trao cho thân nhân đang đảm nhiệm việc thờ cúng bà mẹ đó. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có thân nhân cư trú xem xét, quyết định việc trao tặng này.

- Điều 3

Thẩm quyền và thủ tục đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » được quy định như sau :

  • 1- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường lập danh sách những bà mẹ thuộc đối tượng tặng hoặc truy tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức khác có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường kiểm tra, xác minh danh sách đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » của địa phương mình. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận thẩm tra, xác minh, và tổng hợp báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
  • 2- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp danh sách đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » của địa phương mình trình Thủ tướng Chính phủ (qua Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước) ; đồng thời gửi văn bản về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng.
  • 3- Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm tra, tổng hợp danh sách những bà mẹ được đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Chủ tịch nước quyết định.
  • 4- Hồ sơ đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » của các địa phương gồm :

a) Bản đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kèm theo danh sách những Bà mẹ được đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » 1 bản gửi Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, 1 bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 1 bản gửi Bộ Quốc phòng.

b) Bản kê khai danh sách về từng bà mẹ do Uỷ ban nhân dân xã, phường lập và biên bản cuộc họp kiểm tra xác minh của các đoàn thể chính trị, xã hội nói trên.

- Điều 4

Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm số lượng Bằng và Huy chương « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » theo mẫu được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc vận dụng các trường hợp nêu tại Điều 1 của Nghị định này để xét tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng ».

Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí làm Bằng, Huy chương và tiêu chuẩn tiền được hưởng một lần của « Bà mẹ Việt Nam anh hùng ».

Kinh phí tổ chức lễ trao tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » ở các địa phương do ngân sách Nhà nước bảo đảm ; Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện.

- Điều 5

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức lễ trao tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » ở địa phương bảo đảm trang trọng, thiết thực.

- Điều 6

Những bà mẹ được tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » mà tỏ ra không còn xứng đáng với danh hiệu ấy nữa thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xem xét thật cụ thể, hết sức thận trọng, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân ở cơ sở, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ; Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định.

- Điều 7

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 12 năm 1994.

Các địa phương tiến hành lập danh sách đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu « Bà mẹ Việt Nam anh hùng » vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1994, vào dịp kỷ niện 50 năm Ngày thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2-9-1995 ; sau đó, hàng năm đề nghị xét tặng vào dịp Quốc khánh 2-9.

- Điều 8

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Viện trưởng Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn kiệt

(Đã ký)

Nguồn : http://www.thu­vien­pha­pluat.vn/archi...